Cô bé với đôi mắt đượm buồn
Chúng tôi gặp An tại Quảng trường huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, vào đêm chương trình Nghệ thuật “Nối vòng yêu thương” nhân dịp ngày Gia đình Việt Nam 28.6. Chương trình do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với UBND huyện Phong Điền và Công an TP.Cần Thơ tổ chức.
Tôi nhìn thấy trong đôi mắt long lanh của An, ẩn chứa một nỗi niềm sâu thẳm, đượm buồn chứ không hồn nhiên và vô tư như cái tuổi 12 của em.
Rất nhiều trẻ nhỏ ngồi phía dưới tham dự chương trình, nhưng chỉ ánh mắt của An - ánh mắt nặng trĩu suy tư ấy - đã khiến đôi chân tôi phải chững lại.
Tôi kéo ghế ngồi gần và hỏi An về tâm trạng lúc này. An nhìn tôi một lúc rồi cúi mặt xuống như muốn lẩn tránh. Dù chưa rõ chuyện gì xảy ra với cô bé, nhưng theo cảm xúc, ngay lúc đó tôi đã trao An một cái ôm thật chặt.
Dần cảm nhận được hơi ấm từ cái ôm này, An bám chặt vào tay áo tôi, thì thầm: “Dạ đêm nay em vui, nhưng em buồn nhiều”. Rồi An chầm chậm nói, em vui vì tham dự chương trình này em được gặp gỡ và làm quen nhiều bạn mới; còn buồn vì đêm nay mừng ngày Gia đình Việt Nam nhưng An đã không còn mẹ nữa rồi.

Lúc này, tôi đã hiểu được phần nào đó nỗi buồn trong ánh mắt của An. Tôi nắm lấy tay An như một sự an ủi nhỏ nhoi mà tôi có thể dành cho cô bé ngay lúc này. An bắt đầu kể cho tôi nghe…
Mẹ em làm nhân viên y tế, ngày trước mỗi buổi sáng mẹ em thường đi tiêm thuốc cho các bệnh nhân. Trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, mẹ An lên toa thuốc và chia sẻ thuốc cho những người bị nhiễm bệnh.
Em không hiểu vì sao mọi người uống thuốc từ toa của mẹ thì khỏi bệnh nhưng tới khi bản thân mình bị nhiễm COVID-19 thì mẹ em lại không qua khỏi. Em rất buồn vì trong thời gian mẹ nhiễm bệnh, em không thể tới gần. Ngay cả khi mẹ ra đi mãi mãi, một cái ôm lần cuối thôi, em cũng không thể làm được.
Những vết thương luôn âm ỉ
Trò chuyện cùng An, tôi nhận thấy đây là một cô bé giàu tình cảm. Dù tuổi còn nhỏ nhưng những tâm sự của em luôn khiến tôi phải suy tư, khắc khoải. Tôi lại tiếp tục lắng nghe và dõi theo từng lời kể của An…
Cuộc sống của em đã thay đổi rất nhiều từ khi mất mẹ. Đặc biệt là tính cách của cô bé tuổi 12. Trước đây, em rất ngang bướng, muốn gì phải được nấy. Nhưng từ khi mẹ mất, em không còn cần bất cứ thứ gì khác nữa, điều em cần duy nhất đó là mẹ về với em. Nhiều khi em muốn ôm mẹ một lần nhưng đó chỉ là giấc mơ.

Mẹ đi xa rồi, nhiều điều tiếc nuối trong em. Em nhớ những ngày em còn mẹ, mỗi lần tụ họp là cả nhà nói chuyện cười đùa rất vui. Cái ngày sinh nhật của chị Hai, chị kêu mẹ chụp hình nhưng mẹ nói mẹ xấu lắm, không chịu chụp. Thế là cả nhà không có tấm hình nào với mẹ.
Lần gần nhất, một chuyến về quê ngoại với mẹ nhưng em không chịu đi cùng, chỉ thích ở nhà để được chơi đùa. Em không ngờ, đó là chuyến đi cuối cùng của gia đình khi còn có mẹ ở bên.
Cho tới lúc này, An vẫn chưa tin chuyện mẹ mất là sự thật. Gia đình em lúc trước ăn cơm thường có 4 người, gồm ba, mẹ, chị Hai và em. Bây giờ, nhiều lần em vẫn chuẩn bị 4 chén cơm vì quên mất mẹ đã không còn nữa. Mỗi lúc như thế, cầm chén cơm trên tay mà nước mắt của An cứ tuôn trào.
Những tháng ngày hạnh phúc bên mẹ đối với em giờ chỉ còn trong kí ức.

An cho chúng tôi biết họ tên của em là Nguyễn Trần Khánh An (học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ).
Chúng tôi ôm An bằng một cái ôm thật ấm áp. Thương An, thương những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự, những câu chuyện mất mát đau thương do dịch COVID-19 gây ra. Chúng tôi mong An sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, giống như ý nghĩa cái tên "An" của em.
Theo số liệu của Bộ Y tế, dịch COVID-19 diễn ra hơn 2 năm qua đã khiến hơn 10,6 triệu người nhiễm bệnh trên cả nước, 43.086 trường hợp tử vong.
Trong số này, riêng mảnh đất Tây Đô nơi tôi đang sống có khoảng 49.000 trường hợp mắc bệnh, 952 ca tử vong. Đau lòng không chỉ với những người đã ra đi, mà cả với người ở lại, nhất là những người ở lại khi mới chỉ là một đứa trẻ, những vết thương mất mát vẫn âm ỉ trong lòng các em…