Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Israel, Singapore, Malaysia, Philippines, Hungary hay Thái Lan… trẻ em được giáo dục về tiền và các kỹ năng quản lý tài chính từ rất sớm. Nhiều quốc gia đưa chương trình giảng dạy về quản lý tài chính cho trẻ em từ cấp tiểu học.
Ở Việt Nam, không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng ít trang bị những kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, đầu tư, hay dòng chảy của tiền trên thị trường.
Cuốn sách tranh “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra những định nghĩa căn bản, thiết thực, những kiến thức mà mỗi gia đình Việt đều cần có.
“Khéo khôn với tiền – tránh những ưu phiền” xoay quanh những câu chuyện trong gia đình cậu bé Tín Dụng với nhiều thế hệ thành viên như ông bà nội, bố Tiết Kiệm, mẹ Kim Ngân, em gái Tài Chính, bác Vay, anh họ Tín... Gia đình với nhiều thế hệ khác nhau có những mối quan tâm khác nhau về tiền, về đầu tư, sự lên xuống của lãi suất ngân hàng, giá cả thị trường... Với hàng loạt câu hỏi trong đầu về dòng chảy của tiền, các thành viên trong gia đình Tín Dụng đã đến nhờ sự tư vấn, trợ giúp về mặt kiến thức từ bác sĩ tài chính Tiên Huyền.
Theo đó, có rất nhiều kiến thức cơ bản về tài chính mà hiện rất đông người Việt mơ hồ, đơn cử như: Lạm phát là gì, lãi suất trong ngân hàng ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản, chứng khoán, lãi suất tác động ra sao đến tỉ giá, cách ứng phó với lạm phát, bản chất của các tổ chức tín dụng là gì...
Thông qua những câu chuyện gia đình gần gũi, giàu tính thực tế, giữa những thành viên, cuốn sách đưa đến góc nhìn thiết thực về quản lý tài chính trong mỗi gia đình Việt Nam hiện nay.
Bà ngoại cùng Tín ra chợ, bà thấy giá thịt lợn ngày càng tăng, hôm nay đã khác hẳn hôm qua. Khi bà ngoại kêu đắt, người bán thịt trả lời, “Bà thông cảm, hàng hóa bây giờ cái gì cũng lên giá. Trên tivi họ nói lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng ”. Bà ngọai và Tín đều không hiểu, lạm phát là gì? Tín bèn gọi điện cho bác sĩ Tiên Huyền để hỏi, bác sĩ tài chính giải thích, lạm phát là sự tăng giá của một hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định dẫn đến làm suy giảm chức năng trao đổi ngang giá của tiền, từ đó, làm mất giá trị của một loại tiền tệ.
Cùng với những thông tin hữu hiệu, lý giải về lạm phát, bác sĩ Tiên Huyền còn lấy ra những ví dụ cụ thể, dễ hiểu để giải thích về giảm phát, về vai trò của Ngân hàng Trung ương trong việc giảm lạm phát, “Lúc này, ngân hàng trung ương phải làm nhiệm vụ hút tiền về, khi đó tiền lưu thông trong nền kinh tế sẽ ít hơn. Cách thức hút tiền về chính là tăng lãi suất để mọi người gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn, tiền trong xã hội sẽ ít hơn”.
Khi lãi suất ngân hàng tăng lên sẽ lại có những tác động đến thị trường bất động sản, chứng khoán. Với những ví dụ sinh động, bác sĩ Tiên Huyền cho thấy, kiến thức tài chính sẽ giúp mỗi người dân, mỗi gia đình dự đoán được dòng chảy của đồng tiền, sự lên xuống của giá cả thị trường như thế nào, động thái từ các ngân hàng trước biến động thị trường... Với kiến thức cơ bản nhất, mỗi gia đình đều có thể tránh được lừa đảo, không ào ào bỏ tiền mua chứng khoán, nhà đất theo phong trào.
Việc mỗi thành viên trong gia đình có ý thức trang bị kiến thức cho mình về tài chính, dạy trẻ em sớm biết tiêu tiền có trách nhiệm cần được nâng cao hơn nữa trong các gia đình Việt.