Chuẩn bị kỹ trước khi vắt sữa
Trước khi bảo quản sữa, cần rửa tay và tất cả các vật chứa sữa một cách kỹ lưỡng. Cần dán nhãn và ghi rõ ngày tháng của sữa mẹ trước khi tích trữ. Nếu bạn không phải là người trực tiếp cho bé uống, cần có hướng dẫn cụ thể cho người bón sữa cho em bé về thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Nên bảo quản sữa mẹ theo từng đợt nhỏ.
Để tránh lãng phí sữa mẹ, cần đựng sữa vào những chai lọ nhỏ phù hợp với nhu cầu sử dụng của bé. Sau mỗi lần bé ăn, nếu sữa còn thừa bạn chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Sữa sau khi vắt cần được làm lạnh ngay lập tức
Sữa sau khi vắt có thể bảo quản bằng nhiệt độ phòng trong khoảng 4 giờ, tuy nhiên cần làm lạnh chúng càng sớm càng tốt. Nếu bảo quản sữa trong ngăn mát, chỉ nên sử dụng sữa lâu nhất là 4 ngày.
Hâm sữa đúng cách
Sau khi lấy sữa ra khỏi tủ lạnh, đặt bình sữa vào máy hâm hoặc bát nước ấm. Không nên hâm sữa mẹ dưới nhiệt độ quá cao sẽ làm mất chất và nguy cơ gây bỏng cho trẻ nhỏ.
Để rã đông sữa mẹ từ ngăn đá: Đặt bình hoặc túi vào tủ lạnh qua đêm, giữ dưới vòi nước ấm hoặc đặt trong một thùng chứa nước ấm. Hãy nhớ rằng hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng không an toàn. Sau khi sữa mẹ được rã đông, sữa có thể được bảo quản trong tủ lạnh và phải được sử dụng trong vòng 24 giờ.
Nếu không sử dụng sữa mẹ sau khi vắt trong vòng 24 giờ, cần bảo quản sữa ở ngăn đá. Cần bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá, tránh để sữa ở cửa tủ. Nếu bảo quản tốt, sữa mẹ đông đá có thể sử dụng trong vòng 9 tháng.