Đối phương luôn phủ nhận cảm xúc
Trong một mối quan hệ lành mạnh, khi chia sẻ cảm xúc tiêu cực của bản thân, đối phương sẽ lắng nghe và tìm cách hóa giải những cảm xúc đó. Trái lại, những kẻ thao túng tâm lý lại cho rằng nửa kia quá nhạy cảm và đang làm lớn chuyện lên.
Đối phương đóng vai nạn nhân
Với những người thao túng, dù họ có làm sai thì lỗi sai luôn là của người khác. Chẳng hạn, khi chúng ta phát hiện đang bị lừa dối, người thao túng sẽ tìm cách đổ lỗi, trách ngược lại vì quá vô tâm và làm họ thất vọng nên mới có những hành động như vậy.
Đối phương khiến ta ngờ vực về bản thân
Họ khiến chúng ta có cảm giác thiếu an toàn và phải đặt ra những câu hỏi cho bản thân như "mình có quá nhạy cảm không?" , "mình có xứng đáng với đối phương hay không?". Điều này vô tình làm ta mất đi niềm tin vào chính mình.
Đối phương có thái độ trịch thượng
Nếu gặp vấn đề, thay vì đề xuất giải pháp, người thao túng sẽ không quan tâm, thậm chí xem thường những vấn đề mà chúng ta gặp phải. Dẫn đến vấn đề không được giải quyết mà kéo theo cảm xúc trở nên tồi tệ hơn. Có thể nhận thấy qua việc họ đưa ra những vấn đề của họ và nói rằng chúng còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Phải làm những điều bản thân không mong muốn
Liên tục cảm thấy phải làm những điều bản thân không muốn cũng có thể là một dấu hiệu của việc đang bị thao túng. Điều này bắt nguồn từ việc chúng ta sợ rằng sẽ khiến đối phương phật ý hay rời xa mình nên đã ép bản thân phải làm những điều đó.
Bị kiểm soát quá mức
Mối quan hệ thao túng trong tình yêu sẽ không nhận được sự tin tưởng. Đối phương kiểm tra điện thoại, định vị xem ta đang ở đâu, làm gì với ai,... điều này sẽ khiến mất đi sự riêng tư và khiến ta cảm thấy ngột ngạt.