HLV Chu Đình Nghiêm: Nóng tính, tự trọng nghề nghiệp và ham vui

ĐĂNG HUỲNH - THANH XUÂN (THỰC HIỆN) |

Sau nhiều trận đấu “nóng” và nhiều cuộc nhậu buồn vui, HLV Chu Đình Nghiêm có cuộc hẹn càphê với PV Lao Động trong những ngày Hà Nội nóng nực. Nóng cả bởi những câu chuyện mạng xã hội mà nhân vật là một người hoàn toàn ngoại đạo.

 
 

PV: Câu chuyện được nhắc đến nhiều sau trận đấu giữa Bình Dương và Hà Nội là những tình huống va chạm, lời qua tiếng lại giữa 2 đội. Và một lần nữa tôi lại thấy HLV Chu Đình Nghiêm nổi nóng. Đó có phải tính cách đặc trưng của ông?

HLV Chu Đình Nghiêm: Đúng, bản thân tôi từ xưa đến này rất nóng tính. Mọi hành động đều là bột phát, thực ra nó là bản chất con người tôi.

Ông từng nhận những án phạt cũng đến từ những hành động bột phát đó. Có bao giờ ông xem lại những hình ảnh đó cũng như nhận xét của báo chí, dư luận khi đã thực sự bình tĩnh?

Tôi nóng tính vì muốn bảo vệ cầu thủ. Nhưng sau mỗi trận đấu, tôi thường suy nghĩ lại những gì xảy ra, tại sao có tình huống ấy và mình lại như thế. Nó xuất phát từ nhiều yếu tố, từ việc điều hành trận đấu của trọng tài, đối phương không đúng với học trò của mình, đương nhiên là một người đứng đầu đội bóng tôi phải có tiếng nói.

HLV Chu Đình Nghiêm là một người được biết đến là làm chuyên môn thuần tuý mà không có nhiều sự chăm chút hình ảnh bản thân. Nhưng trong bóng đá chuyên nghiệp hiện đại, người ta lại cần cả hai. Ông có ý thức được điều này?

Bóng đá chuyên nghiệp luôn cần làm hình ảnh, tính cách của tôi nóng giận nên hình ảnh của tôi không trau chuốt. Tôi ngại tiếp xúc với mọi người và không biết cách để đánh bóng hình ảnh của bản thân.

Tôi ít khi sử dụng tiểu xảo mà các huấn luyện viên thường làm bởi đó là tính cách của tôi, chân thật và nóng tính, không lái mọi chuyện có lợi cho mình. Việc tôi hay nổi nóng xuất phát từ việc từng là một cầu thủ nên tôi bảo vệ cầu thủ bằng sự chân tình, đối đãi với họ như người gia đình. Nếu sai sẽ xử lý, đúng thì phải bảo vệ.

 

Vậy có khi nào ông suy nghĩ và thấy hối hận với những hình ảnh không tích cực mà mình đã tạo ra?

Có những việc tôi làm, tôi không hối hận. Đương nhiên, cuộc sống có đúng, lúc sai, vì tôi thật quá, nóng tính nên dễ gây hiểu nhầm, họ nhìn trên màn ảnh sẽ thấy phản cảm, dù không hiểu tại sao tôi phải như thế, sự việc xảy ra như thế. Như ở trận đấu với Bình Dương, tôi phản ứng vì các cháu khiêng cáng không tôn trọng cầu thủ, cách tôi thể hiện ra khiến khán giả nhìn theo chiều hướng khác.

Ông sẽ thay đổi bản thân để cải thiện hơn về mặt hình ảnh?

Chắc chắn bản thân cần phải cải thiện theo chiều hướng đi lên. Tôi đã thay đổi và sắp tới sẽ thay đổi nhiều hơn. Tất nhiên, thay đổi ở đây không phải là chuyện làm màu hay đánh bóng tên tuổi. Tôi nên trầm lại, không nên để sự cố xảy ra.

Sự “nóng tính” của ông  có ảnh hưởng tiêu cực gì không tới một đội bóng có nhiều ngôi sao, với nhiều cái "tôi" như Hà Nội?

Đội bóng của tôi có nhiều ngôi sao nhưng tôi hướng cầu thủ đặt đội bóng lên hàng đầu. Nếu tôi nói sai thì làm sao cầu thủ có thể nghe được. Tôi không áp đặt, tôi muốn 2 bên cùng hợp tác và làm việc, khi hiểu nhau rồi thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Cầu thủ ai cũng muốn thi đấu, vì vậy việc xếp ai đấu, thay ai ra, các bạn ấy phải hiểu do là đặt quyền lợi của câu lạc bộ lên hàng đầu.

Ông khắc chế các cá tính đó thế nào để kiểm soát phòng thay đồ?

Tôi có sự chân tình, đội bóng có nhiều ngôi sao nhưng tôi nói họ đặt ngôi sao đội bóng lên hàng đầu. Đó là quá trình, vì cầu thủ có cá tính riêng, nhưng phải tìm được điểm chung, mình phải vì mọi người. Ở thời điểm này Hà Nội rất hòa thuận, luôn ý thức được là một tập thể.


 

Ông hay đứng về phía cầu thủ, bảo vệ quyền lợi của họ trong nhiều trường hợp, điều này có khiến ông mâu thuẫn với lãnh đạo đội bóng bao giờ không? 

Tất nhiên trong đội có chuyện này chuyện khác, nhưng người lãnh đạo luôn hiểu nên tôi không vướng bận. Cách tôi làm đang đúng thì tôi sẽ theo, còn khi không đúng nữa tôi sẽ thay đổi.

Còn với mỗi scandal mà các cầu thủ gặp phải, ông thường nói gì với họ? 

Tôi luôn chia sẻ với tất cả các cầu thủ bất khi nào họ cần. Như trường hợp Quang Hải, tôi cũng nói với cháu rằng mình là người đàn ông, sau này vấp ngã còn lớn hơn nhưng bản thân phải vượt qua, sau còn trụ cột cho gia đình. Nếu không vượt qua được thì mãi chỉ đứng sau.

Sẽ có rất nhiều huấn luyện viên cân nhắc khi sử dụng Quang Hải ở một trận đấu căng thẳng, quan trọng như cuộc đối đầu giữa Hà Nội và Bình Dương. Bởi sau sự cố, đó sẽ giống như một canh bạc khi không chỉ Hải mà cả đội bóng sẽ ảnh hưởng. Phải chăng vì tin tưởng học trò mà ông sử dụng cậu ấy ngay từ đầu? 

Chắc chắn tôi tin. Sau sự cố của Quang Hải, tôi đã trao đổi và Hải rất mong muốn thi đấu. Nếu cậu ấy lấn cấn, tôi không sử dụng. Ngay cả việc tôi sử dụng Tấn Trường cũng khiến nhiều người bất ngờ nhưng tôi đã tin tưởng và chịu trách nhiệm. Quan điểm là khi xếp cầu thủ vào đội hình, tôi biết được điểm mạnh yếu của bạn thế nào, nếu kết quả không tốt thì tôi là người chịu trách nhiệm.

 

Bóng đá Việt Nam từng ám ảnh với câu nói của HLV Đặng Trần Chỉnh rằng “ghế huấn luyện viên 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân”. Ông đã bao giờ nghĩ cá tính mạnh của mình như vậy có thể khiến những cái tôi khác trỗi dậy?

Việc cá tính ảnh hưởng đến mối quan hệ với cầu thủ là không có. Tôi không cho rằng ghế huấn luyện viên, ông thầy chỉ giữ 1 chân còn cầu thủ nắm 3 chân. Tôi từng là cầu thủ, tôi chưa từng nghĩ sẽ hất huấn luyện viên nào ra. Trong bóng đá có lúc thành công hay thất bại, đến lúc bản thân thấy cần sẽ ra đi chứ cầu thủ không quyết định được việc đó.

Được biết ông từng xin nghỉ ở Hà Nội sau mùa giải 2019, đó có phải là thời điểm cần ra đi như ông nói?

Hồi đầu mùa giải 2020, tôi đã có ý định nghỉ. Công việc của tôi rất áp lực, áp lực từ lãnh đạo, dư luận, truyền thông. Tôi đang dẫn dắt một câu lạc bộ mạnh, nhiệm vụ bắt buộc phải thắng, mà thắng là phải thắng đẹp. Vì vậy hầu như lúc nào tôi cũng phải tập trung, thấy mệt nên muốn dừng lại để nạp năng lượng.

5 năm tôi làm công việc này, tôi muốn hoàn thiện hơn chứ không phải đập đi xây lại. Tiêu chí này đang làm cho đội bóng tốt thì tôi áp dụng, nhiều lúc tôi nghĩ mình có nhàm chán quá không? Và đặt câu hỏi có nên dừng lại để làm mới cho mình không?

Mùa giải 2019 tôi rất mệt mỏi, ngày nào cũng căng thẳng, trận này đến trận khác từ AFC Cup, V.League, Cúp Quốc gia. Và huấn luyện viên phải chịu trách nhiệm tất cả, tôi muốn dừng để giải tỏa nhưng rồi công việc bắt buộc chúng ta phải bước tiếp. Tôi đã chia sẻ điều này ở Triều Tiên, trước chung kết lượt về AFC Cup 2019 liên khu vực và lãnh đạo câu lạc bộ mong muốn tôi cùngđi tiếp.

Nhưng phải nói rõ là, tôi xin nghỉ không phải để theo đội khác mà vì dừng lại để cân bằng cuộc sống.

 

Tôi nói điều này, ông đừng tự ái nhé. Nhiều người cho rằng Hà Nội có dàn cầu thủ chất lượng, có mọi điều kiện tốt nên ai làm huấn luyện viên rồi cũng sẽ thành công. Ông nghĩ thế nào?

Những nhận định như thế không có chuyên môn. Tôi tiếp nhận khi Hà Nội ở mùa giải 2016 khi đội đang ở đáy bảng, tôi làm việc từ trận thứ 5, cuối năm Hà Nội vô địch. Khi ấy những Quang Hải, Văn Kiên, Hùng Dũng, Duy Mạnh... còn trẻ. Thành công được như ngày hôm nay chắc chắn lãnh đạo và cầu thủ phải hiểu nhất.

Tôi được biết ông là một người khá tự trọng về nghề nghiệp. Thế nên trong công việc chuyên môn, nếu bị tác động bởi lãnh đạo đội bóng chắc là điều khó chấp nhận với ông?

Trong công việc, có những người góp ý, tôi chỉ chỉ nghe và sàng lọc. Tôi lắng nghe nhưng bảo tôi phải làm cái này cái kia thì không. Tôi có tiêu chí riêng và tuân thủ theo nguyên tắc của mình.

Trong  suốt hơn 10 năm lên chơi V.League, CLB Hà Nội vẫn bị mang tiếng bởi câu chuyện một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng. Điều này có ảnh hưởng đến tâm lý của ông cũng như các cầu thủ nhiều lắm không?

Tôi luôn nói với cầu thủ thi đấu cho bản thân mình, người khác bàn luận thế nào là việc của họ. Mình có xin điểm hay không thì chính mình mới biết. Năm 2012, Hà Nội cầm hòa Sài Gòn Xuân Thành, Đà Nẵng vô địch, chúng tôi xác định không thể thắng được với đội hình đó nên cầm hòa để đứng vị trí thứ 2. Chúng tôi không giúp Đà Nẵng mà chỉ đá vì chính chúng tôi.

 

Mối quan hệ của ông với bầu Hiển vẫn tốt chứ?

Tôi coi bầu Hiển như một người anh, lãnh đạo tuyệt vời. Tôi bắt đầu với nghề ở Hà Nội từ giải hạng Ba, cùng Triệu Quang Hà đi cóp nhặt từng cầu thủ. Có thể thấy ở Việt Nam khó có ông bầu nào như bầu Hiển, xây dựng đội bóng như gia đình, giúp đỡ tất cả nhân viên và gia đình của họ.

Ông có nhiều cơ hội để trở thành HLV trưởng của Hà Nội sau thời HLV Triệu Quang Hà, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng. Thế nhưng chỉ  sau khi HLV Phạm Minh Đức từ chức ở đầu mùa giải 2016 ông mới chịu nhận nhiệm vụ. Phải chăng là tính thời điểm?

Tôi nghĩ, nhận dẫn dắt một đội bóng phải có đủ học thức, kinh nghiệm. Thời điểm đầu năm 2009 khi anh Hữu Thắng nghỉ, tôi chưa đủ kinh nghiệm và tự tin với một đội bóng luôn muốn ở tầm cao như Hà Nội. Vì vậy bầu Hiển và ban huấn luyện quyết định mời HLV Phan Thanh Hùng. Thời điểm anh Hùng nghỉ, lãnh đạo đề xuất tôi thay nhưng tôi chưa muốn. Điều tôi muốn làm mới, xây dựng một đội bóng có chất riêng để trau đồi và đưa triết lý của mình vào, tôi không muốn chủ thừa hưởng thành quả.

Nhưng đến thời điểm Hà Nội gặp khó khăn, sau trận đấu thua Khánh Hoà (vòng 3 V.League 2016 – PV), lãnh đạo tiếp tục đề xuất và tôi có giới thiệu anh Hoàng Anh Tuấn nhưng anh ấy chỉ muốn làm Giám đốc kỹ thuật. Tôi trở về đội, anh Hiển nói không bao giờ nói lần thứ 3, bắt buộc tôi phải đứng lên và nhận làm.

 

Hà Nội cũng đang có sự khởi đầu không tốt ở mùa giải 2020. Ông có thể chia sẻ những nguyên nhân cụ thể là gì? 

Nguyên nhân thứ nhất là do đội có sự chuẩn bị không tốt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhân sự chấn thương, như Duy Mạnh nghỉ hết mùa, Đình Trọng không quay lại. 2 nhân tố quan trọng không thi đấu, cùng với đó là Rimario cũng bị đau, khó khăn đến đồng loạt. Thứ hai là về tư tưởng của cầu thủ, họ chưa tiếp đất sau thành công, cần có thời gian để họ xuống mặt đất. V.League năm nay khốc liệt nên sự cạnh tranh cũng cao hơn.

Hà Nội là một trong những đội bóng có nhiều tuyển thủ quốc gia nhất tại V.League. Thế nhưng, theo thống kê ở các mùa giải đã qua, ngoại binh vẫn là lực lượng đóng góp chính cho đội bóng? 

Đối với tôi xây dựng đội bóng, ngoại binh đóng góp lớn nhưng không phụ thuộc. Tôi lấy ngoại binh nhằm mục đích xây dựng cho lối chơi đội bóng. Có nhiều câu lạc bộ lấy cầu thủ ngoại về xây dựng lối chơi xung quanh ngoại binh, chúng tôi thì không, ngoại binh phải gò ép theo lối chơi chung của Hà Nội.

Trước đây, có nhiều trận đấu, Hà Nội cũng chỉ có 1 ngoại binh, chúng tôi tuyển cầu thủ ngoại nếu không hợp thì cũng không thể lấy nhưng không phủ nhận sức mạnh của của họ mang đến vẫn rất quan trọng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, tầm vóc của cầu thủ Việt Nam chưa đủ để áp đặt hàng phòng ngự đối phương, sử dụng cầu thủ nội khó thể đáp ứng được.

 

Vậy những ngoại binh của Hà Nội đóng góp bao nhiêu phần trăm thành công của đội bóng?

Mọi sự so sánh là khập khiễng, tôi cũng chỉ đánh giá sự đóng góp của các ngoại binh là 30%, còn các nhân tố khác 70%. Có thể thấy nhiều ngoại binh ở đội bóng khác không có danh hiệu nhưng về Hà Nội thì có thành tích như Omar, Oseni... Hà Nội đã làm bệ phóng cho các bạn ấy thành công.

Trong suốt 14 năm gắn bó với Hà Nội, cầu thủ ngoại nào ông đánh giá cao nhất? 

Những cầu thủ ngoại thuộc lứa trước đây là chất lượng hơn cả. Với cầu thủ ngoại tôi ấn tượng nhất với 2 cầu thủ Cristiano Roland và Cause Benicion, họ đẳng cấp nhưng thời điểm sang Việt không sung sức. Tuy nhiên, tư duy và ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam của 2 cầu thủ này tôi đánh giá rất cao.

Theo ông, xu hướng dùng ngoại binh của V.League đã thay đổi thế nào kể từ khi lên chuyên nghiệp?

Thời điểm 10 năm trước, các câu lạc bộ xây dựng lối chơi dựa vào ngoại binh nhưng gần đây một số đã thay đổi, lấy ngoại binh để chơi theo cách của mình. Tuy nhiên, các đội yếu vẫn phải xoay theo ngoại binh để có thể xây dựng, chỉ đội bóng nào ổn định thì mới có thể ép cầu thủ ngoại phải theo lối chơi chung.

HLV Park Hang-seo từng đưa ra quan điểm rằng, các đội bóng V.League đang sử dụng nhiều ngoại binh ở các vị trí quan trọng, như hàng tiền đạo. Điều này làm triệt tiêu cơ hội phát triển của cầu thủ Việt Nam. Do đó mà muốn có những tiền đạo chất lượng cho đội tuyển quốc gia, V.League cần tính toán lại quy định số cầu thủ ngoại trong 1 trận đấu. Ông nghĩ sao về điều này?

Theo quan điểm của tôi, khi tiếp cận với mặt bằng chung của bóng đá Châu Á, những nền bóng đá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản đều lấy ngoại binh để sử dụng, hay Thái Lan còn sử dụng nhiều rất nhiều cầu thủ Đông Nam Á. Nếu tham dự sân chơi AFC, không đăng ký ngoại binh thì sẽ thua thiệt. Tại sao Nhật Bản vẫn cho cầu thủ Việt thi đấu? Đó là chính sách mở cửa đội bóng. Điều quan trọng nhất mỗi huấn luyện viên làm đội bóng phải làm gì phù hợp nhất. Ở Việt Nam, HLV Chung Hae-seong từng làm trợ lý đội tuyển Hàn Quốc nhưng khi dẫn TP.HCM vẫn sử dụng hợp lý ngoại và nội binh.

 

Vậy ông làm thế nào để vừa cân đối được thành tích của câu lạc bộ mà vấn có thể tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt được thi đấu?

Để cân bằng các cầu thủ phải đáp ứng được yêu cầu. Tôi nói thế này nhé cầu thủ Việt có thể kém hơn các ngoại binh nhưng tỉ lệ phải 8/10, chứ nếu dưới 5/10 thì tôi không thể sử dụng được. Điều này liên quan đến thành tích và chất lượng đội bóng.

Mỗi huấn luyện viên chuyên nghiệp đều muốn hướng đến mục tiêu cao nhất là dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Còn với bản thân ông thì sao?

Đó là ước nguyện cả cuộc đời với mỗi huấn luyện viên nhưng tôi không muốn điều đó. Khi còn trẻ, tôi từng rất khao khát nhưng đó là ước muốn, tôi biết mình ở đâu. Tôi không tham vọng để mặc một chiếc áo quá rộng.

Việc các HLV trước đây như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng thất bại có ảnh hưởng đến ông? Theo ông đâu là nguyên nhân khiến các HLV nội chưa thành công với đội tuyển quốc gia? 

Ở Việt Nam, huấn luyện viên nội khó thành công, nguyên nhân có rất nhiều vấn đề, từ kỳ vọng của truyền thông, áp lực quá cao. Nhiều huấn luyện viên bị áp lực vùng miền, lấy ai vào đội hình thì lại dễ bị nghĩ mang vây cánh nên rất khó. Nhiều thành phần lên đội tuyển tính đoàn kết không cao, huấn luyện viên rất khó kiểm soát. Dư luận khi thất bại lại xoáy vào điều đó còn huấn luyện viên nước ngoài thì họ đối mặt với những điều này dễ dàng hơn.

 

Đấy là một Chu Đình Nghiêm ở trong công việc, còn ngoài sân cỏ ông được nhiều người rất quý mến. Cuộc sống gia đình hiện tại của ông như thế nào? 

Bản thân tôi ra Hà Nội làm việc năm 2005 nhưng trước đó tôi là cầu thủ nên xa nhà cũng 23 năm rồi. Việc gia đình ủng hộ khiến tôi dễ cân bằng cuộc sống hơn. Tôi phải di chuyển nhiều nếu chuyển nhà ra Hà Nội cũng không gần nội ngoại, công việc của tôi không đảm bảo mà bản thân tôi muốn gia đình phải ổn định.

Công việc huấn luyện viên luôn chịu áp lực từ truyền thông, dư luận, điều này có ảnh hưởng đến gia đình ông?

Vợ con tôi có dùng mạng xã hội, công việc của tôi thì lại hay xảy ra tranh cãi vì vậy tôi luôn nhắc vợ và con tôi chỉ xem chứ không đôi co, bình luận. Khi thắng hay thua đều phải nhìn nhận. Tôi luôn nhìn lại mọi thứ bởi tôi rất nghiêm khắc.

Sau mỗi trận đấu, thắng hay thua tôi đều đi nhậu. Tôi thích nhậu, đó cũng là cách tôi giảm stress. Thắng mình uống bằng niềm vui, thua gặm nhấm nỗi buồn, nhìn nhận lại chính mình.

Trong mỗi cuộc nhậu như thế, chắc chắn ông không chỉ có một mình. Sau hơn 20 năm xa quê, HLV Chu Đình Nghiêm chắc hẳn có nhiều bạn bè giúp đỡ từ khắp mọi nơi?

Tôi có ngày hôm nay cũng có sự giúp đỡ của bạn bè. Tôi rất tự hào có nhiều bạn thân giúp đỡ tôi những lúc khó khăn. Bạn bè quan trọng nhất lúc hoạn nạn cho nhau lời khuyên, động viên đó là điểm tựa. Tôi rất thích đông bạn bè. Tôi hạnh phúc  với điều đó.

 

Có nhiều bạn sẽ nhiều niềm vui, còn ông có phải người ham vui?

Ngoài công việc, tôi thừa nhận mình là người ham vui.

Ông chắc hẳn có nguyên tắc trong việc lựa chọn bạn bè. Có cầu thủ nào trở thành chiến hữu của ông hay không?

Tôi không chọn cầu thủ làm chiến hữu. Tôi coi 30 cầu thủ Hà Nội giống nhau, tất nhiên tình cảm con người rất đặc biệt nhưng tôi tôn trọng 30 con người như nhau, tình cảm chan hòa tôi không lấy đó để thay đổi quyết định công việc. Tôi không ưu ái cho riêng ai cả kể cả ngôi sao hay cầu thủ trẻ.

Tôi không muốn cầu thủ coi mình là “đại ca”. Tôi cần khi cầu thủ gặp khó khăn thì sẵn sàng trao đổi. Tôi cũng không muốn họ gọi thầy vì tôi không đào tạo họ từ đầu.

Như Thành Lương gọi tôi là anh, còn Văn Quyết gọi tôi là chú, và quan trọng nhất là khi họ có vấn đề, gặp khó khăn thì có thể cùng mình chia sẻ. Có những cầu thủ không còn ở đội bóng, họ vẫn tâm sự với tôi.

Trong kế hoạch của ông ở mùa giải 2020, có chỗ cho câu chuyện dừng lại như đã từng không?

Tôi đặt mục tiêu bảo vệ chức vô địch V.League 3 năm liên tục. Còn việc ở lại hay ra đi, đó là công việc và thời điểm nào mệt mỏi tôi sẽ dừng lại. Ngay cả trong mùa giải này, nếu đội bóng không có thành tích tốt, tôi không đủ khả năng nữa thì sẽ chủ động dừng lại.

Xin cảm ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH - THANH XUÂN (THỰC HIỆN)
TIN LIÊN QUAN

Quang Hải đá chính trận Hà Nội - Bình Dương

PHẠM ĐÌNH |

Sau khi phải ngồi ghế dự bị trong hiệp 1 trong trận Hà Nội thua Sông Lam Nghệ An hôm 18.6,  Quang Hải được xếp đá chính trận trận Hà Nội - Bình Dương tại vòng 6 LS V.League 2020.

Hà Nội mất nửa đội hình trận gặp Bình Dương

Thanh Vũ |

Trước trận đấu gặp Bình Dương ở vòng 6 LS V.League 2020, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm xác nhận Hà Nội không có sự phục vụ của 5 cầu thủ.

HLV Hà Nội FC bảo vệ Quang Hải sau sự cố bị đánh cắp tài khoản facebook

Thanh Vũ |

Chia sẻ về sự cố bị đánh cắp tài khoản xã hội và công khai những tin nhắn nhạy cảm, riêng tư của Quang Hải, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm cho biết Hà Nội FC sẽ bảo vệ ngôi sao này.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Quang Hải đá chính trận Hà Nội - Bình Dương

PHẠM ĐÌNH |

Sau khi phải ngồi ghế dự bị trong hiệp 1 trong trận Hà Nội thua Sông Lam Nghệ An hôm 18.6,  Quang Hải được xếp đá chính trận trận Hà Nội - Bình Dương tại vòng 6 LS V.League 2020.

Hà Nội mất nửa đội hình trận gặp Bình Dương

Thanh Vũ |

Trước trận đấu gặp Bình Dương ở vòng 6 LS V.League 2020, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm xác nhận Hà Nội không có sự phục vụ của 5 cầu thủ.

HLV Hà Nội FC bảo vệ Quang Hải sau sự cố bị đánh cắp tài khoản facebook

Thanh Vũ |

Chia sẻ về sự cố bị đánh cắp tài khoản xã hội và công khai những tin nhắn nhạy cảm, riêng tư của Quang Hải, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm cho biết Hà Nội FC sẽ bảo vệ ngôi sao này.