Lao Động
Lao Động eMagazine

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang
Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Đại tá Mai Hoàng là một trong những đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Gặp Đại tá Mai Hoàng tại Hà Nội những ngày cả nước sống trong không khí vui mừng của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Dù biết trước đây là “khắc tinh” của các loại tội phạm nguy hiểm, đặc biệt là khi anh còn là Trưởng Công an huyện Mộc Châu, Sơn La nhưng suốt buổi trò chuyện, dáng vẻ hiền lành, gần gũi, trẻ trung cùng những câu chuyện về tuổi thơ chăn bò, làm đồng của Đại tá khiến phóng viên chúng tôi “rẽ hướng”, muốn khai thác câu chuyện ở một khía cạnh mềm mại, gần gũi hơn, thay vì viết về những chuyện gai góc nơi vùng đất nóng.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Đại tá Mai Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, nguyên Trưởng Công an huyện Mộc Châu, Công an tỉnh Sơn La vốn xuất thân từ một cậu bé nhà nông, lớn lên ở một xóm nhỏ vất vả, thiếu thốn. Ngày ngày, cậu bé Mai Hoàng năm ấy cũng như bao đứa trẻ khác, đều đi làm đồng, làm nông.

“Ở xóm nghèo ngày đó, chúng tôi đi chăn thả bò, tôi được gọi bằng một cái tên rất thân thương là “cậu bé chăn bò”, sau này đến khi tôi đã trưởng thành rồi gia đình vẫn gọi tôi bằng cái tên như vậy” – Đại tá Mai Hoàng tâm sự.

Dù vất vả, thiếu thốn nhưng tuổi thơ của cậu bé Mai Hoàng cũng đầy ắp kỷ niệm, Mai Hoàng cũng như bao đứa trẻ trong xóm nhỏ đó đều ước mơ một ngày nào đó có thể có một cuộc sống đỡ vất vả hơn và ước mơ đó bắt đầu bằng việc đến trường đầy đủ, cố gắng học tập. Sau khi học hết bậc học, đến cấp 3, Mai Hoàng thi tuyển vào các trường CAND, sau đó vào trường Trung cấp An ninh nhân dân 1 đóng tại Sóc Sơn rồi học tại Học viện An ninh và Học viện Cảnh sát.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Tốt nghiệp Trường Trung học An ninh nhân dân I, Mai Hoàng nhận nhiệm vụ về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) và được phân công phụ trách địa bàn xã Phiêng Khoài - xã biên giới trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là các “điểm nóng” về tội phạm ma túy, hình sự, tranh chấp đất đai, vượt biên trái phép... Mai Hoàng đã dựa vào dân, làm tốt công tác dân vận ngay khi vừa đặt chân đến địa bàn. Anh không quản ngại mưa nắng, đường sá xa xôi, trèo đèo lội suối đến với đồng bào các dân tộc.

“Chính những năm tháng đi cơ sở đã giúp cho tôi nhiều, chính xuất phát điểm của gia đình, cá nhân – con nhà làm nông từ nhỏ nên khi đến sống và làm việc tại các xã biên giới, vùng cao tôi tiếp xúc với nhân dân rất gần gũi, cùng làm với nhân dân những công việc thường ngày, chia sẻ, quan tâm yêu thương với người già, trẻ nhỏ, nhờ đó mà nhân dân tin tưởng, coi mình như con cháu trong gia đình”.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Sau khi dẹp cơ bản sự nhức nhối vốn tồn tại công nhiên ở Phiêng Khoài, đầu năm 2002, anh được rút về Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Yên Châu. Nhưng, bước ngoặt trong nghề đến với Hoàng vào tháng 8.2004, khi anh được chuyển về Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Mộc Châu - một “điểm nóng” của cả nước thời bấy giờ.

Đã có ít nhiều kinh nghiệm, sẵn sự nhiệt tình của tuổi trẻ, Mai Hoàng lại được cử đi phụ trách xã. Đó là Lóng Sập - một “điểm nóng” của “điểm nóng” - xã vùng biên hết sức nhức nhối về tình hình tội phạm buôn bán ma túy, là “cửa ngõ” tuồn ma túy từ Lào về qua biết bao con đường tiểu ngạch heo hút giữa rừng. Nhờ đã có kinh nghiệm, “máu” đánh án được hun đúc, bồi đắp qua thời gian công tác, Mai Hoàng lại nhiều lần một mình đi bắt các đối tượng, nhanh chóng dập tắt những tụ điểm buôn bán lẻ ma túy vốn trước đó nhan nhản, dày đặc...

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Cùng với những chuyên án về ma túy, Mai Hoàng cùng đồng đội còn góp công trong việc phòng chống buôn bán người. Ngày đó mỗi khi nghe thông tin về phụ nữ và trẻ em bị mua bán, ngay lập tức Mai Hoàng cùng các đồng đội xuống địa bàn thu thập thông tin, xác minh và tiến hành áp dụng biện pháp nghiệp vụ đề xuất lên lãnh đạo cấp trên để tiến hành điều tra, làm rõ những nguyên nhân, rồi theo tin báo tố giác của quần chúng nhân dân. Mai Hoàng cùng các đồng đội cũng đã giải cứu nhiều nạn nhân, đặc biệt là đấu tranh với các chuyên án mua bán người phối hợp với một số công an ở các tỉnh biên giới phía bắc giáp với biên giới Trung Quốc rất hiệu quả.

Câu chuyện dừng lại đôi phút nhường chỗ cho cảm xúc khi Đại tá Mai Hoàng nhớ lại hình ảnh đoàn tụ của những đứa trẻ là nạn nhân của mua bán người với gia đình, người thân của mình mà trong số rất nhiều vụ việc đó, hình ảnh cháu bé người Mông 6 tuổi ôm chầm lấy bố sau những ngày tưởng chừng như không còn có thể đoàn viên khiến Đại tá rưng rưng.

“Qua rất nhiều những vụ buôn bán người, bắt cóc, chiếm đoạt tài sản tôi nhớ một vụ án liên quan đến các đối tượng ở các tỉnh miền xuôi mà đối tượng này có biệt danh là Thọ “Sứt” là đối tượng cốt cán của băng nhóm hình sự đặc biệt nguy hiểm. Do mâu thuẫn trong quá trình buôn bán trái phép chất ma túy, rồi nợ nần tiền bạc với nhau, các đối tượng đã mang vũ khí quân dụng và lên bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (nay thuộc huyện Vân Hồ).

Khi đó vào năm 2012 tôi vẫn đang là trinh sát còn rất trẻ, được lãnh đạo cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp với đồng đội để truy bắt nhóm đối tượng và để giải cứu một cô bé 6 tuổi người Mông. Khi tiếp xúc với gia đình nạn nhân và đặc biệt là cấp ủy chính quyền địa phương thì không hề nắm được các đối tượng này, nhưng bằng công tác nghiệp vụ lực lượng tham gia đấu tranh với chuyên án đã xác định được nhóm đối tượng này.

Suốt 3 ngày liền chúng tôi đã phối hợp với nhiều lực lượng và đã giải cứu thành công cháu bé. Giây phút giải cứu được cháu bé, hình ảnh bố cháu bé ôm lấy con mãi mãi là hình ảnh rất xúc động trong lòng tôi và đồng đội. Đó thực sự là những cảm xúc đã chạm đến đáy trái tim của chúng tôi” – Đại tá Mai Hoàng kể lại.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang
Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Những ngày Tết đến chẳng còn xa, rồi mơ lại nở trắng rừng, đào phai lại khoa sắc, Mộc Châu trong tâm trí mọi người luôn là vùng đất đẹp để lui tới, để trải nghiệm, để đắm chìm trong cảnh sắc. Thế nhưng để giữ được sự bình yên đó, các chiến sĩ công an đã có những cuộc chiến đầy cam go, thử thách chống lại các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy. Thượng tá Mai Hoàng khi ấy đã cùng các đồng đội 106 lần vào rừng phá án và đánh thành công 57 trận đánh có vũ trang.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

“Có nhiều trận đánh tôi cùng đồng đội bị thương, mùa đông năm 2015, trong quá trình di chuyển rồi tác chiến ở trong rừng, do chúng tôi đều phải di chuyển vào ban đêm, ở điểm phục kích của chúng tôi cây rừng rất nhiều. Trong quá trình di chuyển tôi bị cành cây chọc vào hố mắt bên trái. Lúc ấy chỉ thấy nhói đau ở mắt, nhưng sau đấy thấy máu chảy xuống cổ rất nhiều, máu chảy ra ở mắt và mắt mờ đi, nhưng vẫn phải chiến đấu. Khoảng 2-3 tiếng sau thì thấy áo đầy máu, kiểm tra sơ bộ thì thấy thủng 1 hố ở mắt, lúc ấy thấy rất đau nhưng không hiểu sao lúc chiến đấu lại không hề thấy đau” – Thượng tá Mai Hoàng kể lại.

Có lẽ là tinh thần chiến đấu lên cao, trách nhiệm bảo vệ bình yên cho tổ quốc và nhân dân khiến cho những người chiến sĩ có thể quên mình, quên đói khát và đôi khi quên đau và có khi quên luôn cả sự an toàn cho tính mạng bản thân.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang
Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang

Gắn bó với vùng đất nóng Sơn La 20 năm, tháng 4.2020 vừa qua, Đại tá Mai Hoàng, Trưởng Công an huyện Mộc Châu được bổ nhiệm đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an. Mới đây, Đại tá Mai Hoàng đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Nói về chặng đường mình đã đi qua và con đường dài còn ở phía trước, Đại tá Mai Hoàng chia sẻ, đối với những người chiến sĩ CAND khi đến bất cứ miền quê nào thì đều coi đó là quê hương của mình và có nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho cuộc sống nhân dân ở đó.

“Kết quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì đó là nhiệm vụ mà chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự khi thực hiện, kể cả là thực hiện nhiệm vụ ở nơi mình sinh ra và lớn lên thì cũng đều cảm thấy rất thiêng liêng. Nhưng cảm xúc khi thực hiện nhiệm vụ ở vùng quê khác mà không phải là quê hương mình nhưng là miền quê của Tổ quốc Việt Nam thì tôi nghĩ rằng đó là cảm xúc còn tuyệt vời hơn rất nhiều. Vì bất cứ miền quê nào, địa bàn nào nằm trên lãnh thổ Việt Nam, đó đều là nhiệm vụ của tất cả người dân, đặc biệt là lực lượng vũ trang như chúng tôi”.

Trở thành đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại tá Mai Hoàng cho biết, cá nhân anh cùng đồng đội khi tham gia để đấu tranh những chuyên án đặc biệt nguy hiểm chống tội phạm về hình sự hay ma túy không ai nghĩ rằng mình đi chiến đấu sẽ nhận được huân chương chiến công, những phần thưởng cao quý, những danh hiệu cao quý bởi nếu như nghĩ đến thì chưa chắc đã hoàn thành được nhiệm vụ, chỉ có suy nghĩ trong sáng và cái tâm với nghề, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá Mai Hoàng: Từ cậu bé chăn bò đến Anh hùng lực lượng vũ trang