Lao Động
Lao Động eMagazine

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon
Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

“Thứ này mua về thì bán cho ai?”, mẹ của Dương Thùy Dung nói với con, khi cô gái tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội bỗng dưng nhập 1.000 giỏ cỏ bàng (mà cô quen gọi là làn cỏ) về bán. Còn Dung gan lì bảo mẹ bớt dùng túi nylon đi.

Việc thế hệ sau thuyết phục thế hệ trước giảm sử dụng nylon, thứ ăn sâu vào đời sống lâu nay, đã khó, khiến phụ huynh quay trở lại dùng làn, giỏ đi chợ càng khó hơn. Nhưng Dung, hiện sống tại Hà Nội, làm được và chứng minh có thể thay đổi quan niệm về môi trường của người có tuổi.

Không chỉ có bố mẹ, cô gái có biệt danh “Làn” này giúp đổi thói quen sử dụng nylon của những người xung quanh thông qua mô hình chỉ bán giỏ cỏ cùng tên, giữa vô vàn lựa chọn kinh doanh thứ điệu đà khác của con gái như áo váy, túi xách, mỹ phẩm…

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon
Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon
Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Nhưng bên cạnh đó, còn bởi làn cỏ – gọi theo cách của cô gái trẻ – là vật dụng nhỏ bé, tầm thường nhưng công năng rộng, mang đi được khắp nơi, đựng nhiều thứ. “Bạn có thể đem đi chợ, siêu thị nè, mang thú cưng, kèm hộp nhựa bên trong thì có thể mua đồ ăn đem đi. Với mình, mình mang theo ra ngoài mọi lúc”.

Theo Dung, loại bé đựng 5-8 kg vẫn tốt, to “cân” cả chục ký; uớt, dơ giặt dùng lại và giữ cẩn thận, làn gắn bó tới 1 năm hoặc lâu hơn thế. Chúng cũng hữu cơ, dễ phân hủy.

Trong khi đó, đồ đóng gói bằng nhựa, xốp, nylon dùng một lần tồn tại trên Trái Đất vài trăm tới nghìn năm sau có khi chỉ 10-15 phút sử dụng vì sự tiện dụng. Siêu nhẹ nhưng tải được khối lượng gấp rất nhiều lần khiến nylon “hấp dẫn”. Dung tin rằng còn bởi túi nylon gần như miễn phí ở mọi nơi, nên càng khó cưỡng. Đổi lại, nylon vương vãi trên vỉa hè, vào các rãnh cống, rừng, ra biển, và Việt Nam năm 2018 xếp hạng trong top 5 quốc gia thải rác nhựa đại dương. “Các bạn có nghĩ chiếc túi nylon mình vừa bỏ có thể sẽ thành nơi sống của con rùa không?”, Dung thường nói với người xung quanh cô.

Trần Bích Ngọc, 34 tuổi, một người kinh doanh làn cói và cỏ khác tại Mây Xinh Décor Hà Nội, lại thích gọi vật dụng này là “bị”. “Mình đi shopping nơi quen, các bạn nhân viên lần nào cũng hỏi "chị quên mang theo gậy à?’”, Ngọc kể vui. Cô thậm chí đem “bị” đi mua bia.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Điều Ngọc làm vượt ra ngoài cảm giác ngượng ngùng ban đầu có thể có, cô muốn chứng minh một thói quen vì môi trường hoàn toàn khả thi và gửi thông điệp tới những người xung quanh nhìn vào. Hơn nữa, với Ngọc, bị “thời trang” hơn túi nylon. Một chiếc thay thế được nhiều túi.

Ngọc đã làm mẹ, và một trong những điều đặc biệt nhớ về làn đi chợ nói chung là thuở bé, rất thích bới làn mẹ xem có gì. “Mẹ đi chợ với làn giống như đem một khó báu nhỏ về cho tôi khám phá”, Ngọc nói.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Giống Ngọc ở động lực muốn lan tỏa, Dung và người bạn cùng trường, Quách Thị Minh Thúy, mở shop Làn online từ tháng 4.2020, đặt nhẹ vấn đề kinh doanh. Với hai cô gái trẻ thường trực nụ cười, doanh thu của họ là niềm vui mỗi lần có người mua làn cỏ, bởi một thói quen vì môi trường nhen nhóm thay đổi. Trung bình bán 40 nghìn một chiếc, nhập từ Tây Nam bộ, tiền ship đôi khi khiến lãi chẳng còn là bao.

“Chúng mình nhớ có một anh ở Bắc Giang đặt mua hai làn, sau đó đặt luôn cả 50 chiếc giới thiệu cho bà con trong xã sử dụng. Vì thế, thường gọi vui mô hình của mình là ‘đa cấp’. Mỗi lần như vậy giữ Làn tiếp tục”, Dung kể.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Hiện, người hưởng ứng xu hướng dùng làn cỏ Dung bán thuộc nhiều độ tuổi từ sinh viên, người đi làm trẻ tuổi đến trung niên, nhưng chủ yếu phụ nữ. Cô nói nhân viên văn phòng có, giáo viên cũng có, họ khởi phát như những người khá giống “ngoài hành tinh” nơi làm việc nhưng là chính người phát ngôn cho môi trường, trong mô hình đa cấp của Dung và Thúy từ một thứ rất nhỏ đem theo.

“Đã mua làn rồi, nhớ mua hộp đựng thay thế túi nylon cô (bạn) nhé”, Dung thường “khích” khách.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

“Nhưng làn không phải là giải pháp”, Dung nhìn nhận. Hỏi về sự bất tiện được liệt ra để mọi người từ chối sử dụng, cô nói rằng “sự bất tiện ở chính thói quen không chịu thay đổi” và “nghĩ bảo vệ môi trường là việc của ai kia”. Còn Thúy thấy vấn đề đến từ những người bán hàng mà cô gọi “bàn tay vàng trong làng bọc túi”. “Họ thường đã bọc xong xuôi mấy lớp nylon đưa cho trước khi mình kịp nhận ra. Mình từ chối, họ sẽ vô cùng ngạc nhiên”, Thúy chia sẻ.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Quá trình thay đổi bố mẹ của Dung cũng không hề dễ dàng và “chẳng thể nói suông”. “Đem số liệu ra nói với bố mình, bố mình sẽ bảo ‘người ta’ còn thải ra hàng tấn túi nylon kia kìa, mấy cái là gì”, cô giãi bày. 3 năm, Dung làm miệt mài điều giống một dòng chảy lớn dần thuộc thế hệ cô hiện tại là nói “không” đến tối thiểu với túi nylon và đồ nhựa một lần. Cá nhân cô không thừa nhận mình có thể triệt để hoàn toàn không dùng những thứ đó.

Nhưng đi ăn, uống, Dung cố gắng dùng tại chỗ, hoặc thà chịu nhịn nếu không mang thứ gì đựng còn hơn lấy hộp xốp, túi bóng, cốc nhựa không phân hủy. Việc sống xanh của một người trẻ lỉnh kỉnh thêm với mang theo ngoài làn, còn hộp đựng, phích nước, ống hút tái sử dụng…

Vẫn biết khó khăn, nhưng Dung làm thay bố việc “mua 27 chiếc hộp đủ kích cỡ” về cho bố đựng từ trái ớt, quả chanh đến miếng thịt, thay vì bọc nylon cái nhỏ nhất đến to rồi bỏ tủ lạnh như trước đây. Nếu bố sau đó vẫn không làm, cô làm. Với mẹ, Dung đi chợ cùng và chấp nhận tay xách nách mang, ôm, còn hơn để mẹ lấy túi nylon đựng đồ.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Dần, mẹ Dung cuối cùng thuận theo con gái, tập thói quen đạp xe đi chợ và mang đồ về trong giỏ xe. Mua nhiều, bà đạp nhiều lần.

“Khoảnh khắc thấy bố đi quanh tìm cái hộp đựng cho chiếc bánh bao để tủ lạnh, thay vì nhanh tay rút một trong đống túi phía sau tủ, mình biết mình đã thành công”, Dung cười.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Những cô gái dùng làn cỏ bề ngoài có thể gây ấn tượng dùng đồ “đồng nát”, họ không sống xanh chỉ cho mình mà là “người gây ảnh hưởng” lĩnh vực môi trường tới cộng đồng theo cách rất riêng, bằng thông điệp trông thấy.

Cần những con người như vậy để con số mục tiêu đến năm 2020 giảm 65% lượng túi nylon sử dụng tại siêu thị và trung tâm thương mại lớn của Bộ Tài nguyên & Môi trường không đơn thuần là số liệu.

Cô gái 22 tuổi bán làn cỏ và hành trình thuyết phục bố mẹ bỏ dùng túi nylon

Dung không thấy đơn độc với việc bán chỉ làn cỏ của mình, bởi ngoài có Thúy, chính người Dung từng ảnh hưởng lên trước hết, cô luôn lạc quan có những thay đổi phía trước – những người sẽ đồng hành từ cả thế hệ cô, thế hệ trước, lẫn sau.

Vì thế, với công việc văn phòng mới nhận ba tuần gần đây cạnh nghề tay trái bán làn nối tiếp, cô chấp nhận đồng nghiệp rủ nhau gọi đồ về ăn trưa, còn mình xin từng cái hộp nho nhỏ về trồng cây. Cô cũng hy vọng cùng bạn kinh doanh các món đồ “eco” (eco-friendly: đồ thân thiện sinh thái) đa dạng hơn với Làn trong tương lai.

“Chúng mình nói bằng những thứ đời thường (như làn, bị) sẽ dễ cho người ta thấy bảo vệ môi trường không phải chuyện gì quá xa xôi hơn”, Dung nói.

LĐO | 12/11/2020 | 07:00