Lao Động
Lao Động eMagazine

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game
Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Ở một ngôi trường đặc biệt, có những người thầy lặng lẽ với công việc giúp các em học sinh... cai nghiện game, trở về "thế giới thực".

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

"Đã đến giờ thức giấc. Các em sắp xếp nội vụ sạch sẽ, gọn gàng trước khi đi ăn sáng và đi học".

5h30 những ngày cuối tháng 6 nắng nóng oi bức, khi mặt trời chưa kịp ló rạng, 200 cô cậu học trò ở trường THCS-THPT Phùng Hưng (quận 12, TPHCM) đã bật dậy sau khi nghe tiếng loa quen thuộc.

Không ai bảo ai, tất cả xếp mùng mền, chiếu gối ngăn nắp, thay quần áo chuẩn bị một ngày mới ở ngôi trường rộn rã những tiếng cười. Nếu không nói, chắc có lẽ ít ai biết được, 80% trong số những học sinh ở đây đều từng là "game thủ lừng danh" trong các diễn đàn game.

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Học sinh bước xuống phòng ăn, thầy giáo Nguyễn Đình Quỳnh (giáo viên quản nhiệm nhà trường) vẫn đứng từ xa "điểm danh ngầm" từng em. Khi các em đã ngay ngắn chỗ ngồi, thầy mới ngồi xuống ăn cùng. Các em bước vào lớp học, thầy Quỳnh cùng 20 giáo viên quản nhiệm khác cũng theo vào lớp để quan sát từng bạn.

Khi buổi học văn hoá kết thúc, là lúc thầy trò cùng nhau ôn luyện võ thuật, chơi bóng đá, bóng rổ. Mọi sinh hoạt ở đây có kỷ luật thép nhưng vận hành bằng tình yêu thương.

Đến 18h, các em lên phòng thay phiên nhau đi tắm, rồi tự giặt quần áo. 19h là lúc thầy trò cùng nhau ăn tối. Ăn xong được ra sân hóng mát, nói chuyện phiếm với các bạn hoặc xem tivi, sau đó thì ôn bài. Đúng 22h học sinh tắt điện đi ngủ. Đến giờ này thầy Quỳnh mới hết ngày làm việc, nhắn vài tin hỏi thăm vợ con ở tít Bà Rịa - Vũng Tàu. Đã 3 tuần nay thầy Quỳnh chưa về thăm nhà, nhớ con quay quắt nhưng học sinh đang ôn thi nên thầy nán lại thêm để theo dõi các em.

Nhiều năm gắn bó với học sinh nghiện game, thầy Quỳnh vẫn không quên được những câu chuyện cười ra nước mắt.

"Là học sinh nghiện game, các em vào đây đa số đều được bố mẹ "yêu cầu" vào chứ không phải tự động. Nên có em bỏ ăn, có em đập phá, có em chống đối dữ dội. Có em vào còn không tự làm vệ sinh cá nhân, phải nhờ các thầy hỗ trợ. Có em thì ảo giác xem thầy cô như nhân vật trong game.

Tôi nhớ có một em khi vào trường đã nhịn đói 2 ngày, dụ thế nào cũng không chịu ăn. Hết cách, chúng tôi bàn nhau đến khuya, khi mọi người ngủ thì pha một bát mì, mùi hương mì tôm trong đêm làm ai cũng thổn thức. Đặt mì lên bàn xong thì tôi ra ngoài, lát sau quay lại thì phát hiện mì đã bị "chuột tha". Thế là thành công rồi!" - thầy Quỳnh cười lớn.

Lần khác, có chuyện xảy ra trong một ngày đầu tuần đón học sinh vào trường sau kỳ nghỉ về thăm nhà. Một giáo viên quản nhiệm báo: "Thầy Quỳnh ơi, có thuốc lá trong ba lô em H". Tới gặp H, em một mực từ chối và bảo rằng có người nào đó bỏ thuốc vào ba lô chứ không phải em.

"H, cuối giờ em ra gặp thầy" - lời thầy Quỳnh nhẹ nhàng mà thật đanh thép. Buổi gặp hai thầy trò hôm ấy, thầy Quỳnh cho H cơ hội "cuối" sửa sai. Bí mật sẽ chỉ có hai người biết, với điều kiện H phải thành thật. Lúc này, cậu trò nhỏ mới thú thật thuốc lá đó là của mình. Vì ngại bạn bè, sợ thầy cô mắng nên em đã chối. H xin lỗi đã làm thầy buồn và từ đó không tái phạm lần nào nữa.

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Những lần gặp mặt "face to face" như vậy giữa học trò và thầy Quỳnh không hiếm. Có bất cứ điều gì muốn nói, các em có thể gặp thầy Quỳnh ở phòng tham vấn tâm lý của trường. Với những học sinh vừa nhập học, xa gia đình, xa điện thoại, xa "người bạn game", thầy Quỳnh sẽ chủ động nói chuyện với các em.

Từ những lần mặt đối mặt như thế, thầy và trò ngày một khăng khít hơn, cũng là "liều thuốc" giúp các em nhận ra, game không phải là "người bạn tốt" mà tự động rời xa.

Thầy giáo Nguyễn Đình Quỳnh: "Chỉ khi dành tất cả tình yêu thương cho học trò thì mới mong chúng yêu thương mình. Trái tim của nhà giáo phải luôn bao dung để thấu hiểu từng lời nói, cử chỉ của các em"

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Các thầy giáo vừa đóng vai thầy, vừa đóng vai bố mẹ, có lúc lại là một người bạn. Tình yêu thương đã cảm hoá được các cô cậu tuổi mới lớn. Nhiều học sinh thay đổi ngoạn mục, được các em ví von như những cuộc "biến hình" của cuộc đời.

Gặp chúng tôi, nữ sinh N.T.A.N (17 tuổi, quê TPHCM) nước mắt giàn giụa, tay run run khi nhắc về ba mẹ. Những năm học tiểu học, N đều là học sinh giỏi. Đến cấp 2, hằng ngày cứ quẩn quanh đi học ở trường, tới lớp học thêm với đủ thứ môn lại không có ai tâm sự nên N chán nản và tìm đến game. Từ việc tìm game giải trí, N đâm ra nghiện những trò chơi này lúc nào không hay.

Đến lúc ba mẹ la mắng, em đã bỏ nhà đi cả tháng trời. Khi được gia đình đón về, bố mẹ khuyên N theo học trường Phùng Hưng và giới thiệu đây là nơi học võ. Em nghe lời vào học và đi tới cổng trường thì mẹ quay về nhà. Không có mẹ lại không có điện thoại bên cạnh, biết đâu lại là nơi "cai game", N đập phá, la hét rồi khóc lóc.

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Đến nay đã hơn 1 năm, cô nữ sinh như "lột xác" thành người mới. Thành tích học tập của em ngày một khá, mắt đã bớt lờ đờ, nói năng lưu loát và rành rọt, gặp ai cũng vui tươi và lễ phép chào hỏi người lớn.

"Khi được nói với ba mẹ, em muốn nói rằng ba mẹ hãy quan tâm em nhiều hơn, đừng vì lo kiếm tiền mà để con cái một mình em buồn lắm. Nhưng em cũng xin lỗi ba mẹ nhiều lắm, em sẽ cố gắng trưởng thành hơn để ba mẹ vui" - N nức nở.

Sau tiếng khóc như cởi mở tấm lòng, N bắt đầu kể về những ngày tháng vui vẻ gần đây của mình. Nữ sinh không còn mơ tưởng gì tới game, em tìm tới nhiều hơn đến võ thuật và đọc sách. N biết ơn thầy cô đã "khai sinh" ra mình lần 2, vì "nếu không gặp thầy thì chắc con là trẻ bụi đời rồi".

Là bạn học của N, nam sinh M.Q (17 tuổi, học sinh lớp 11) cũng gặp cảnh tương tự. M.Q thông minh, sáng dạ, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Đến khi chuyển cấp 3, bố mẹ bắt thi vào Trường chuyên của tỉnh làm M.Q stress nặng nề. Áp lực học tập quá lớn ở trường cộng với kỳ vọng từ gia đình khiến Q thấy mình thật thất bại. Tìm đến game, M.Q như tìm được bản thân khi luôn chiến thắng trong các trò chơi, cảm giác bản thân như "giải cứu cả thế giới" khiến M.Q ngày càng sa đà đến bỏ ăn uống mà chơi game.

"Ba mẹ cho 100 nghìn để ăn sáng và sinh hoạt trong ngày, em nhịn ăn lấy tiền "cày game". Game giúp em kiếm ra tiền nhờ bán vật dụng rồi thi đấu nên em nghĩ không cần học cũng có thể kiếm tiền. Ba mẹ nói gì em cũng không nghe, thậm chí em còn đòi nghỉ học" - M.Q kể lại.

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Sau nhiều lần vật vã đấu tranh với suy nghĩ của bản thân cộng với những động viên từ thầy cô giáo, M.Q đã rời xa được thế giới ảo. Mỗi lần về thăm nhà là mỗi lần ba mẹ M.Q bất ngờ về cậu con trai. Từ một cậu bé ù lì ít nói, chỉ cắm mặt vào điện thoại, M.Q đã biết tự giặt quần áo, gấp chăn màn, dọn rửa chén.

Thành tích học tập ở trường ngày một khá, M.Q đang ôn luyện để hiện thực hoá ước mở trở thành một kỹ sư Công nghệ ô tô. M.Q vui vẻ nói: "Hẹn khi nào gặp lại anh chị, em sẽ trở thành một tân sinh viên".

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Anh N.V.Q (ngụ quận Thủ Đức) có con gái đang học lớp 11 tại trường THCS-THPT Phùng Hưng nhớ như in khoảng thời gian quyết định cho con đi cai game. Con gái anh Q. lúc nhỏ cũng có thành tích học tập rất tốt, nhưng lên cấp 3 em học sa sút hơn, ít nói, thức đêm và dùng điện thoại nhiều. Nhận thấy con khác lạ, anh Q. hay mắng nên hai cha con có lúc cãi nhau lớn tiếng. Nhận thấy tình hình "không ổn", anh Q. tìm hiểu một môi trường cai game và cho con nhập học tại THCS - THPT Phùng Hưng.

"Tôi phải làm tâm lý cho vợ để vợ chấp nhận cho con đi cai game. 3 tháng đầu, chúng tôi không được gặp con, không được gọi điện thoại, chỉ được nghe thông tin từ con qua thầy giáo. Nhiều lúc tôi cầm lòng không nỗi, muốn lên đón con về nhưng sợ con về thì mình không quản lý được, con lại sa đà vào game mà bỏ bê học tập" - anh Q. tâm sự.

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Sau 3 tháng, con gái anh Q. về thăm nhà dịp cuối tuần và gia đình ngạc nhiên trước sự thay đổi của con. Cô con gái ra dáng thiếu nữ hơn, lễ phép và không còn nghiện game nữa. Gia đình đã có buổi nói chuyện cùng nhau để cởi mở tấm lòng. Con gái anh Q. gửi lời xin lỗi vì làm bố mẹ buồn và hứa sẽ không tìm đến game.

Lần đầu tiên sau 17 năm nuôi nấng, anh Q. có cảm giác tự hào về cô con gái rượu như vậy. Không phải vì con đạt thành tựu to lớn, mà đơn giản là con đã vượt qua chính mình.

"Nhờ các thầy cô mà con tôi tiến bộ. Tôi rất cảm kích vì điều này" - anh Q nói.

Cũng có con đang học tại trường, anh N.V.N (quận Tân Bình) rút ra được bài học xương máu cho bản thân trong việc nuôi dạy con.

Anh N. nhận thấy, nuôi dạy một đứa trẻ không phải chỉ cần trang bị đủ vật chất mà còn phải đồng hành cùng cảm xúc của con. "Tôi lo làm kiếm tiền nuôi con mà đôi lúc quên mất con còn cần sự quan tâm, cử chỉ yêu thương từ mình. Làm cha mẹ bây giờ phải như một người bạn, lắng nghe để hiểu con cần gì, như vậy con cái mới không dễ sa ngã vào các tệ nạn" - anh N đúc kết.

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

Ông Đặng Lê Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), nhà tâm lý chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game, cũng là người nhiều năm gắn bó, cố vấn phương pháp giáo dục cho trường THCS - THPT Phùng Hưng nhìn nhận, ngoài những học sinh yếu kém, có cả những học sinh có thành tích học tập khá giỏi, thậm chí sinh viên có học bổng du học nước ngoài cũng nghiện game.

Trẻ nghiện game có thể cắt cơn nghiện sau 6 tháng nhưng để dứt hẳn, không "tái nghiện game" thì không dễ dàng. Tức là, giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình cai nghiện game chính là giai đoạn "hồi phục", chứ không phải "cắt cơn".

Chuyện những người thầy ở trường... cai nghiện game

"Để trẻ không còn tìm đến game, người lớn phải tạo ra môi trường sống để học sinh cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Môi trường ấy không có áp lực học tập, không có sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ. Thay vào đó, trẻ được rèn luyện để học tập với tinh thần cầu tiến, không lười nhác, ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm" - ông Đặng Lê Anh nói.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực cai nghiện game, ông Đặng Lê Anh chỉ ra ba phương pháp trong một quy trình cai game, đây là "bài thuốc quý" ông đã áp dụng với nhiều học sinh và thành công.

Đầu tiên, phải tách trẻ ra khỏi môi trường nghiện với những giải pháp thay thế như chơi thể thao, tập võ thuật, tham gia các hoạt động tập thể, văn hoá văn nghệ, tập luyện yoga,...

Tiếp theo, khi trẻ đã tách được khỏi game, đến lúc các em được trò chuyện, hỏi han, quan tâm. Người đồng hành phải đưa ra mục tiêu phấn đấu để các em vượt qua chính mình, không bị cơn nghiện hành hạ nữa.

Điểm mấu chốt cũng là điều quan trọng nhất trong quy trình cai nghiện game, là phải dạy cho trẻ những kỹ năng để trẻ nhận biết tác hại của việc nghiện game. Khi ý thức được tác hại của game, các em sẽ tự động học tập, phấn đấu và hoàn thiện bản thân hơn và biết kiềm chế để không tái nghiện.

Ông Đặng Lê Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS): "Để trẻ không còn tìm đến game, người lớn phải tạo ra môi trường sống để học sinh cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Môi trường ấy không có áp lực học tập, không có sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ. Thay vào đó, trẻ được rèn luyện để học tập với tinh thần cầu tiến, không lười nhác, ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm".

Trường THCS-THPT Phùng Hưng đã trở thành ngôi trường “cứu vớt” những đứa trẻ nghiện game. Rất nhiều những cô cậu tuổi học trò đã thoát khỏi thế giới game để trở về với tuổi thơ hồn nhiên, học tập chăm chỉ. Và những bậc cha mẹ đã tìm lại đứa con thân yêu của mình sau thời gian “tu luyện” tại trường. Để có được những kết quả đáng mong đợi đó, phải kể đến công sức lớn lao của thầy cô Trường Phùng Hưng. Có lẽ những lời cám ơn đến các thầy cô chưa khi nào là đủ. Và chắc chắn rằng trong bước đường đời sau này của mỗi đứa trẻ đã cai nghiện game thành công sẽ không thể quên ghi dấu những thầy cô của Trường Phùng Hưng – Trường cai nghiện game.