Lao Động
Lao Động eMagazine

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ
"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

“Họp chợ” bất động sản ngay giữa cánh đồng, từng đoàn xe nối đuôi nhau đi xem đất, giá đất tăng lên từng giờ… đó là trước kia. Những vùng đất bỏ hoang bỗng chốc trở thành “mỏ vàng” vì cơn sốt đất ảo. Hàng trăm nhà đầu tư đổ xô đi mua và không ít người khóc ròng khi cơn sốt đất qua đi.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ
"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Cuối tháng 5.2021, PV Lao Động về lại khu vực cánh đồng thôn Đồng Táng (Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội) nơi từng diễn ra cảnh “họp chợ” bất động sản ngay giữa cánh đồng thì vẫn còn nhiều dòng chữ ghi số điện thoại của “cò” mời chào giao dịch đất, nhưng đã vắng bóng người qua lại.

Bà Nguyễn Thị Chuyền (một người dân ở xã Đồng Trúc) cho biết, cảnh tượng xe hơi đỗ đầy ngõ như trước đây không còn lặp lại như trước. Hồi đó, khi người người đổ về mua đất, chính người dân như bà cũng bất ngờ. “Lâu nay thì không thấy ai đến hỏi han về đất cát nữa, tôi nghĩ họ chỉ đổ về theo dư luận”, bà Chuyền nói.

Dọc Đại lộ Thăng Long, lối dẫn vào xã Đồng Trúc, hàng chục chiếc băng rôn quảng cáo xanh đỏ, nhăn nhó, xộc xệch bám đầy bụi. Đất khu vực này được rao bán 600 triệu đồng một lô 100m2 thế nhưng chẳng ai mua.

Tình trạng tương tự tại Hải Bối (Đông Anh), cách đây khoảng 3 tháng rộ tin đồn xã nằm trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ngay lập tức giá đất “leo thang”, nhiều khu vực lên tới 34 - 35 triệu đồng/m2. Nhưng hiện giờ, lô đất 48m2 tại thôn Yên Hà (nằm vị trị đắc địa cách cầu Thăng Long 1km, cách cầu Nhật Tân 3,5km, cách khu vực Thành phố thông minh 1km) đang được chào bán giá 26 triệu đồng/m2, giảm hơn 10%.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Hay như khi đề xuất sân bay vùng thứ 2 của Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, ngay sau đó “cò” đổ về đây thổi giá, khiến không chỉ đất thổ cư mà đến đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa cũng được săn tìm ở các xã: Trầm Lộng, Đại Hùng, Đại Cường (huyện Ứng Hòa). Tuy nhiên, khẳng định với Lao Động, ông Phạm Nam Tiến - Chủ tịch UBND xã Đại Hùng cho biết, từ đầu năm đến ngày 11.5, trên địa bàn mới có 2 giao dịch về đất ở. Lãnh đạo xã Đại Cường cho hay từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 5 trên địa bàn xã chưa có một giao dịch nào về đất đai.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Sau cơn sốt đất, chúng tôi trở lại xã An Khương và Tân Lợi, huyện Hớn Quản - vùng phụ cận sân bay Técníc Hớn Quản (Bình Phước). Vùng quê đã trở lại yên bình, không còn tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo như mấy tháng trước. Tuyến đường liên xã An Khương - Tân Lợi đã không còn nhiều điểm tư vấn mua bán đất, băng rôn rao bán và quảng cáo cũng đã được gỡ bỏ. Giới “cò” đất đã không còn cắm chốt, chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất như những ngày trước đó.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Lần theo số điện thoại trên bảng rao bán đất nền còn sót dọc hai bên đường, phóng viên ghi nhận hầu hết là số điện thoại của giới đầu cơ và “cò” đất. Họ không còn hét giá trên trời như những ngày trước, "200 triệu đồng 1m ngang anh ơi. Em kêu giá để bán chứ những ngày trước 350-400 triệu đồng" - một nhà đầu cơ báo giá.

Ở một thửa đất đang rao bán tại ấp 5 xã An Khương (ngang 10m, dài 60m), qua số điện thoại rao bán, một người phụ nữ cho biết, đất này chưa có thổ cư, giá bán là 2,4 tỉ đồng. Những ngày trước, thì phải 3,5 tỉ đồng mới bán. Người này cho biết thêm, nếu đặt cọc, công chứng thì 2 tháng sau sẽ có sổ đỏ.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Sau khi các địa phương có chỉ đạo kiểm tra việc giá đất bị đẩy lên cao và tình trạng phân lô bán nền tràn lan thì giá đất đã hạ nhiệt, cơn sốt nhanh chóng nguội lạnh chỉ sau vài tuần.

Ở các khu vực trước đây mỗi ngày tập trung đông “cò” đất ghé thăm, nay vắng bóng. Không ít người ôm đất lúc giá cao, nay muốn bán lại cũng khó dù giá rớt thảm.

Trong cơn sốt đất xảy ra tại huyện Gia Viễn, Thành phố Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình trong khoảng thời gian từ tháng 11.2020 đến tháng 2.2021 rất nhiều người vì hám lợi, không nắm bắt thông tin chính xác đã vội đầu tư nay bạc mặt. Anh Nguyễn Thanh Tú (người dân tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) cho hay, vào thời điểm tháng 4.2020, giá đất ở đây chỉ khoảng 400 triệu đồng/lô thì đến đầu năm 2021 đã tăng lên đến 1,2 tỉ đồng/lô.

Nhiều người thấy giá đất tăng nên đã đi vay mượn, cầm cố tài sản để đầu tư vào đất nhưng đến nay không bán được. Như vợ chồng anh N.K.C (trú tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) đã vay mượn của bạn bè, người thân và “cắm” cả sổ đỏ để đầu tư mua 2 mảnh đất với diện tích 100m2/mảnh.

“Thời điểm vợ chồng tôi mua là vào tháng 3.2021, giá là 900 triệu đồng/lô, với mong muốn đầu tư kiếm lời, ai ngờ khi làm thủ tục xong và bàn giao tiền thì giá đất lại giảm, chào bán không có ai mua. Hiện tại khách mua chỉ trả với giá 550 triệu/lô” - anh C. nói.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Trong cơn sốt đất vừa qua, ông Đoàn Quốc Việt, ngụ ở Thành phố Thủ Đức cũng tham gia thị trường theo bạn bè rủ rê vì nghe nói một lần trúng đất kiếm lời tốt hơn để tiền kinh doanh thứ khác. Anh Việt cho hay, thời điểm đầu năm theo một nhóm nhà đầu tư xuống Bình Phước để săn đất khu vực Quốc lộ 14, đoạn qua huyện Chơn Thành. Theo thông tin ông nghe ngóng được thì khu này đang có kế hoạch mở rộng đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước và TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Khi trực tiếp tham gia, ông mới thấy dân đầu tư đã “cày nát” thị trường từ trước đó khá lâu, giờ giao dịch phần nhiều là mua sang tay từ người cũ với giá chênh 60-70%. Tuy nhiên, dân đầu tư rủ rê anh Việt mua vì cho rằng sẽ sang tay được với giá chênh do thị trường còn nóng. Anh đã quyết định xuống tiền mua vì thấy giá tăng nhiều, cũng ham. Ngay sau đó, do không có kinh nghiệm, anh đã không sang tay bán cho người khác ngay mà giữ vài tháng nên giờ đây lại không kịp ra hàng.

“Bây giờ, tôi giữ một lô đất với giá mua vào chênh vài trăm triệu đồng so với giá trị thật, khi hết sốt không thể bán cho ai, đành cắn răng chờ xem tình hình sắp tới có gì khả quan hơn không. Khi thực sự nhảy vào thị trường, mới nhận ra bản thân chẳng những không có cơ hội săn được sản phẩm ưng ý mà có khi phải “đổ vỏ” cho nhà đầu tư khác vì giao dịch và giá đất ảo", anh Việt tâm sự.

Anh Lợi (ngụ ở Tân Bình, TPHCM) cũng đang phải gánh khoản nợ 2 tỉ đồng vì không thoát được hàng từ việc chạy theo cơn sốt đất Bình Ba từ đầu năm 2020. Anh kể, nghe bạn bè bàn tán về đất nền ở các khu vực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng giá mạnh vì có thông tin tốt về những nhà đầu tư lớn, anh đã vay tiền để thử vận may đầu tư đất và chọn khu vực Bình Ba khi đó đang sốt nóng. Thời gian đầu, giá đất tăng thì anh lại có tâm lý quyết đợi giá lên tiếp. Đến nay, miếng đất của anh vẫn chưa bán được, hàng tháng đi làm chỉ đủ để trả tiền lãi ngân hàng, anh Lợi tiếc nuối.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Theo chân anh Lợi, chúng tôI đến xã Bình Ba khi cơn sốt đất đã không còn. Tuy nhiên, các “cò” đất vẫn hoạt động khắp các tuyến đường, len lỏi trong các thôn xóm, hễ thấy bóng dáng người lạ mặt là vây quanh chào mời mua đất. Thăm dò người dân địa phương được biết các “cò” này đang ráo riết “giải cứu” cho những người đã trót mua đất nhưng chưa tìm được mối để bán lại.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ
"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Trong lúc đất sốt, nhiều khách chen chân đặt cọc giữ chỗ, "lướt sóng" kiếm lời trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thương vụ bất thành, họ quay lại tìm cách "bẻ" cọc, đòi tiền.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Theo ông N.V.A (Hớn Quản, Bình Phước): Có người đến hỏi mua khu đất nông nghiệp của ông với giá 23 tỉ đồng, với ý định “lướt sóng”. Người này đã đặt cọc 4 tỉ đồng. Hôm sau, có một nhóm khác đến hỏi và trả giá mua khu đất tới 30 tỉ đồng. Biết rằng đây là chiêu trò của giới “cò” đất để dụ dỗ mình phá cọc và đền bù nên ông N.V.A quyết định không bán. Hiện nhà đầu cơ ban đầu vẫn chưa tìm được người để bán ra. Người dân địa phương cho biết, lô đất trên chỉ có giá khoảng vài tỉ đồng. Nếu vẫn quyết tâm mua bán thì xem như nhà đầu cơ ban đầu trên bị lỗ cả chục tỉ đồng, còn nếu như bỏ cọc thì mất 4 tỉ đồng.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Chị Nguyễn Thị Thanh (Ba Vì, Hà Nội) là một trong những “nạn nhân” của một nhà đầu tư đòi lại số tiền đã cọc trước đây. Chị Thanh chia sẻ, vào giữa tháng 3.2021, khi gia đình đang cần tiền và nghe đồn đất được giá, chị đã đăng thông tin quảng cáo bán gấp mảnh vườn 924m2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ, cấp năm 2011, giá bán 4 triệu/m2.

Theo chị Thanh, anh Nguyễn Hữu Toàn, một "cò" đất địa phương đã đến xem, nâng lên hạ xuống, cuối cùng chốt giá bán 3,8 triệu/m2. Tổng giá trị mảnh đất là hơn 3,5 tỉ đồng bao sang tên. Hai bên thống nhất đặt cọc trước 200 triệu đồng, số còn lại thanh toán sau 15 ngày khi chị hoàn tất thủ tục sang nhượng.

Nhưng điều chị không ngờ tới, hơn 10 ngày sau anh Toàn quay trở lại, dẫn thêm hai người đến yêu cầu đo diện tích thực. Kết quả diện tích thiếu 4m so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc này anh Toàn một mực đòi lại tiền cọc, nhất quyết không thương lượng dù gia đình đã đề nghị giảm toàn bộ diện tích thiếu hụt.

"Biết là họ có ý định bẻ cọc nhưng thấy anh Toàn căng thẳng nên bố chồng tôi quyết định trả lại toàn bộ số tiền cọc để tránh kiện cáo. Gia đình đều làm nông nghiệp, hiểu biết pháp luật hạn chế nên không thích phiền hà" - chị Thanh bộc bạch.

Nằm sát khu công nghệ cao Hoà Lạc (Thạch Thất), một trong những địa bàn bấy lâu nổi tiếng sốt đất, lô đất hơn 100 m2 của anh Nguyễn Văn Quang chốt bán cho khách ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) gần 1 tỉ (9 triệu/m2), đặt cọc trước 100 triệu, khi có sổ sẽ sẽ thanh toán nốt.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

Một tuần sau khi chốt bán và nhận tiền cọc, khách đến xem nườm nượp, mỗi ngày 2-3 đoàn. Giá đất được chủ mới chào bán lên cao hơn nhiều lần giá anh bán trước đó. Đỉnh điểm lên tới 13 triệu/m2. Bước sang những ngày đầu tháng 4, khách đến xem giảm dần. Vị khách của anh đã đặt cọc 100 triệu quay ra đòi tiền với lý do đất có tranh chấp. Lời qua tiếng lại cuối cùng hai bên đồng ý trả lại 90 triệu, anh giữ lại 10 triệu coi như "giải đen".

Làm trong nghề đầu tư, môi giới bất động sản lâu năm, anh Nguyễn Trần Kháng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, tình trạng "bẻ" cọc là có. Nó diễn ra ngày càng nhiều khi giá đất bị "thổi" lên cao sau đó lại xuống thấp.

Những đối tượng trên chủ yếu là "cò” đất, lái buôn không muốn chi tiền, không có nhu cầu đầu tư dài hạn và không có khả năng thẩm định giá bất động sản. Họ lợi dụng chiêu trò thổi giá, đặt cọc giữ đất vài ngày rồi "đẩy" luôn cho khách kiếm chênh lệch. Nếu thành công thì kiếm được món hời với chi phí bỏ ra ít ỏi.

Thương vụ bất thành thì quay ra "lật mặt", "bới lông tìm vết" để đòi lại tiền cọc. Các lý do thường gặp: Đất có tranh chấp, thiếu diện tích, vạch các câu từ được cài trong hợp đồng đặt cọc nhằm đe doạ đối phương.

"Khóc ròng" vì ôm vùng đất hoang được nâng giá lên bạc tỉ

XEM THÊM


LĐO | 17/06/2021 | 14:00