Tiếng gọi phía chân mây

Hoàng Dưỡng - Tâm Am |

Miền núi phía bắc, đặc biệt là “Tây Bắc ư có riêng gì Tây Bắc” luôn là một miền nồng say đắm đuối ở cuối chân mây diễm tình. Xưa, ngoài ít khách thương hồ du lãng, Tây Bắc vẫn ủ mình ngủ quên sau vách núi xa xôi. Còn bây giờ, chưa bao giờ như bây giờ, miền núi phía bắc nước ta luôn biết rõ thế mạnh riêng có của mình, để rồi tự thức gọi bạn bè muôn phương đến với mình: Lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang, hội dù lượn “Bay trên mùa vàng” ở Mù Cang Chải hay các kỳ lễ hội hương quế Văn Yên (Yên Bái), lễ hội ruộng bậc thang trên sóng lúa vàng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha. Lại cả các vòng đại xòe lớn nhất thế giới với 2.000 người tham gia ở xứ Thái Mường Lò…
Người ùn ùn đổ về cả trước, trong và sau lễ hội, “cháy” phòng nghỉ, tắc đường núi chênh vênh; nông đặc sản của bà con kìn kịt về xuôi. Và, chưa bao giờ người Tây Bắc lại tự hào về vẻ đẹp của đất và người quê mình đến vậy.
Anh bạn người Mông tần ngần ngắm nương lúa nhà mình
Lần này, năm 2016, trở lại Mù Cang Chải, khi mà mọi thứ tưng bừng rất lạ, tôi đã có cảm giác như từng mắt lá lấp lánh trong gió, từng tán cây nghiêng ngả trong mây đang vẫy gọi mình và những người khác nữa. Bởi khách du lịch đông lắm, người ở các thôn sâu, bản vắng tìm ra vui hội cũng đông chả kém. Mà cái việc căng mình tận dụng từng nếp nhà sàn để tiếp khách homstay (ngủ tại nhà dân) nó cũng chuyên nghiệp lắm rồi. Những người cả đời mê Tây Bắc như GS Tô Ngọc Than - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mà đem cái tuổi ngoài tám chục của mình lên Mù Cang Chải mùa này, chắc là mãn nguyện. Bởi, những bản làng tưởng như muôn đời, muôn kiếp ềm ệp trong mây, cả những con đèo huyền thoại trắc trở dài tới 20km như Khau Phạ (chiết tự tiếng Thái là sừng trời) phân chia hai vùng tiểu khí hậu cho miền tây Yên Bái, bây giờ, tất tật, đều trải lòng đón người muôn phương. Bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái đưa tận tay cho tôi bản báo cáo: Trong dịp lễ hội Mường Lò và ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016, cung đường này đã đón tới 30.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Bà không nói thêm gì, nhưng ai cũng hiểu. Đường núi độc đạo, không dễ gì có chỗ quay đầu xe ôtô, bà con làm du lịch một cách mộc mạc hoang sơ, nên tắc đường hay khan hiếm phòng ngủ trong dịp lễ hội là dễ hiểu. Tắc đường trong hoàn cảnh này, ở góc độ nào đó, còn là chi tiết về sự tự hào và đáng ngạc nhiên về một Tây Bắc đang thức giấc làm “công nghiệp không khói” cơ.
Tất nhiên, chẳng ai trên đời này lại muốn gặp cảnh tắc đường. Cũng chẳng ai muốn mình rã rời đi mấy trăm cây số lên ngắm núi rừng dốc đứng và bản sắc văn hóa sặc sỡ của đồng bào vùng cao mà lại... không tìm được chỗ ngủ. Nhưng, chắc là ai cũng thông cảm được cho Yên Bái, cho Hà Giang hay các tỉnh miền núi khi họ còn khó khăn về cơ sở vật chất trong quá trình nỗ lực mở lòng đón bạn hữu ghé thăm. Sự vụng về còn có thể có ấy, nó giống như sự rụt rè đáng yêu của sơn nữ má hồng trong vòng xòe rợp sắc vậy.
Một trong những cái được lớn nhất của Yên Bái khi tổ chức liên tiếp các lễ hội ở cuối chân mây và sau bạt ngàn núi, ấy là tôn vinh được vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa và con người vùng cao. Trước, khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải sắp được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia Việt Nam - một “của độc” trên thế giới - tôi cùng anh chàng người Dao Lý Kim Khoa (trong vai trò Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh) đi khảo sát vẻ đẹp của ruộng bậc thang để lập hồ sơ. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên, nghệ nhân nào, bàn tay vâm váp nào đã đẽo ra những thửa ruộng vằn vện khổng lồ mà tuyệt mỹ trên một diện tích 2.200 ha, trải rộng khắp nhiều triền núi cao như thế? Nó là những thang lúa vàng, mâm xôi vàng, có khi tròn xoe ảo diệu, có khi giăng mắc mơ màng. Lại nữa, bà con làm thế nào cung cấp nước được cho đủ các loại ruộng cao thấp từ đáy vực cho đến đỉnh trời như thế? Lý Kim Khoa hào hứng: Bà con dẫn nước bằng ống tre, từ đỉnh núi xuống các chân ruộng chằng chịt mênh mang. Bấy giờ, anh Thanh Miền (Báo Yên Bái) - người chụp ảnh ruộng bậc thang nhiều nhất và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam - đang loay hoay chụp ảnh ruộng mâm xôi ở La Pán Tẩn thì bà con kéo đến đông như hội. Họ xem “cái nhà báo” làm gì ở đây mà leo lên leo xuống bạc cả mặt thế. Họ xin được chụp ảnh và nói lên ước mơ giản dị của mình: Có được tấm ảnh chân dung mình, rồi được xuống phố huyện ăn bát phở. Thời gian trôi, từ chỗ chỉ coi thửa ruộng như công cụ mưu sinh, từ chỗ lạ lẫm với du khách, bây giờ, người Mù Cang Chải quá chuyên nghiệp trong đón khách. Bà con còn bảo, nhà báo chụp ảnh tao nhớ đưa lên phây (facebook) để tao xem với nhé. Bây giờ xe ôm đón ở tất cả các ngả đường, dân “phượt” nhô ra ở đâu là họ hỏi đi xem ruộng mâm xôi, ruộng đế giày không, chụp ảnh tắm suối ở Tú Lệ không, vào xem mây sà óng ánh ở Chế Tạo không? Ai có nhu cầu là họ đưa đi tận nơi. Đặc biệt, từ hoang sơ hồn nhiên không hề biết sự gào réo của cái dạ dày (ruộng bậc thang trồng lúa chống đói) đã biến ruộng bậc thang thành tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên danh tiếng, bây giờ, người Mù Cang Chải biết tự hào và thưởng lãm vẻ đẹp của quê mình nhiều lắm.
Tôi gặp gã trai người Mông, họ Giàng ở xã Dế Su Phình, vừa gặt xong một mảnh mùa vàng nhà mình, gã đứng trên đỉnh núi tần ngần nhìn xa xăm. Hỏi, nhìn gì đấy? Nhìn nương nhà mình. Đẹp quá, cắt lúa đi, tháo nước vào còn đẹp hơn lúc lúa vàng. Trước, chỉ trồng lúa, cắt lúa và về, chưa bao giờ tao ngắm ruộng nương nhà mình cả. Mùa này, núi kia tao trồng cây tam giác mạch, trồng cả cây cải dầu, hóa ra nó vàng còn đẹp hơn cả lúa. Thằng xóm trên, cũng họ Giàng, nó sang tận Hà Giang xin hạt giống tam giác mạch về trồng. Thằng nhà báo mày biết không? Bây giờ cả nghìn cả tỷ cái ruộng bậc thang quê tao đều cắm ống nhựa, ống kẽm dẫn nước cả rồi. Nhưng chúng tao vẫn để các ống tre dẫn nước cho người ta hiểu cách cổ truyền của người Mông canh tác.
Anh ta nói như một cán bộ văn hóa địa phương. Cái tự hào, cái kiến thức đó cứ ngấm vào bà con qua năm tháng vinh danh di sản ruộng bậc thang. Nếu ai đã từng đi Mù Cang Chải và cảm nhận cái nghèo khó, sự mông muội khi xưa, nếu ai đã từng đi xuyên Mù Cang Chải sang Khu tự trị Tây Bắc (ở Sơn La) cũ để học cái chữ như nghệ nhân Lò Văn Biến (hiện đang sống ở thị xã Nghĩa Lộ), thì mới hiểu thế nào là niềm vui đón nườm nượp du khách, niềm vui anh họ Giàng nhẩn nha ngắm thảm lúa vàng hôm nay. Độ ấy, anh thanh niên Lò Văn Biến đi bộ gần tháng trời mới đến trung tâm khu tự trị để học cái chữ về làm anh giáo cắm bản. Đi đến mức con sâu con bọ làm tổ trên đầu. Bây giờ thì đường nhựa khắp nơi. Xe ôtô lướt đường cao tốc chỉ có hơn 1 tiếng đồng hồ từ Nội Bài lên đến TP. Yên Bái!
Vòng đại xòe 2.000 người trên cánh đồng Mường Lò
Thật ra thì lễ hội chỉ là cái cớ để người miền tây Yên Bái cất tiếng khèn gọi bạn. Tiếng khèn kia cũng chỉ là cái cớ để người khắp nơi lên Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, bởi dường như kế hoạch lên với cánh đồng rộng lớn và màu mỡ thứ nhì miền Tây Bắc (Mường Lò), lên với kỳ quan ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã có trong... bất kỳ người Việt Nam nào rồi. Tây Bắc nói chung, bản thân nó đã có một sức quyến mời kỳ lạ. Nay, người Yên Bái lại thêm mấy cú hích xúc tiến du lịch bằng các lễ hội độc đáo.
Năm 2015, là năm thứ 5 người Mường Lò và người Mù Cang Chải tổ chức lễ hội văn hóa du lịch với điểm nhấn là ruộng bậc thang và múa xòe. Cứ lần sau lại quy mô và chuyên nghiệp hơn lần trước. Năm nay, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên lên dự, đại diện các tỉnh bạn, đặc biệt là nhiều tỉnh có cả lãnh đạo ủy ban đến dự và đoàn nghệ thuật của họ cũng tham gia nhiều tiết mục. Các ban ngành liên quan của cả tỉnh Yên Bái vào cuộc quyết liệt để có một lễ hội an toàn, hấp dẫn, giàu bản sắc, an toàn thực phẩm... Và họ đã hội tụ được nhiều sản phẩm du lịch hay, đẹp, ngon nghẻ cũng như quyến mời đến mức khó ai có thể từ chối được. Ở Mường Lò, thủ phủ cổ xưa bậc nhất của người Thái trên đất Việt Nam, trên cánh đồng dài 20km, rộng 4km (rộng lớn và màu mỡ thứ nhì Tây Bắc): Mường Lò (nhất Thanh, nhì Lò), Ban tổ chức đã mời gọi được đến 1.000 “vũ công” trong trang phục người Thái, phụ nữ thì áo cóm khăn piêu, lại cả xà tích bạc buông lơi ở eo thon ngực đầy - họ là diễn viên quần chúng, học sinh sinh viên, họ đến từ Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An (các tỉnh có đông đồng bào Thái). Họ biểu diễn nghệ thuật trên đường phố, mang tên “Lung linh sắc màu Tây Bắc”. Lại còn màn đại xòe của đồng bào Thái, có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, cùng bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cùng 2.000 người khác. Xòe cổ của người Thái đã lập kỷ lục ở Mường Lò, có lẽ đó là vòng xòe rộng nhất mà loài người từng biết đến, trước khi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận xòe Thái là Di sản văn hóa nhân loại được hoàn thiện. Bên cạnh lễ hội mô phỏng lại lịch sử hình thành ruộng bậc thang cũng như các bước đi huyền thoại của người Mông nơi này, thì các lễ hội khác cứ thi nhau khoe sắc, bà con người Mông, người Thái dường như lẻn cả ra góc các sân khấu để thi thố trò chơi dân gian. Người Nghĩa Lộ, Văn Chấn, rồi Trạm Tấu cùng lên ra quân, đủ kéo co, đi cà kheo, ném còn, tó mắc lẹ, bơi mảng. Ở Mù Cang Chải, tại một bìa núi lễ hội, các cuộc chiến một mất một còn của các cặp dê miền sơn cước rất hăng máu vịt. “Hội thi chọi dê” khiến người ta hò hét rầm trời, các chú dê tung ra đòn thế hiểm, kể cả khóa sừng vặn cổ nhau rất cay cú. 55 đấu sỹ dê đực được thi đấu ở 4 hạng mục cân nặng: 25-30kg, 31-35kg, rồi trên 40kg. Sự công phu khôi phục trò chơi dân gian ngộ nghĩnh trên núi cao này, là biểu hiện của quan điểm muốn tạo ra “của độc” thu hút khách du lịch của người Yên Bái. CLB võ thuật Nhất Nam của thị xã Nghĩa Lộ cũng đem tới 350 võ sinh ra biểu diễn, đúng là một Tây Bắc thượng võ vẫn chảy rần rật trong huyết quản các cậu bé, chàng trai “đêm đêm hát lượn ngày ngày bắt chim” nơi cuối trời mây trắng. Đủ trò chơi, đủ món ăn trong phiên chợ vùng cao mà mùi hạt sẻn, hạt mắc khén, thứ hạt tiêu núi rừng lừng danh ấy, cứ vương vất. Một mùi vị thoảng qua, có thể khiến người ta mở ra cả một trời thương nhớ. Vẻ đẹp tuyệt kỹ của cánh đồng Mường Lò và ruộng bậc thang tại Tú Lệ, Chế Cu Nha, Dế Su Phình được trưng ra trong 120 tác phẩm ảnh in khổ lớn, tại triển lãm “Sóng lúa nhịp nhàng”. Các bức ảnh ruộng bậc thang trắng toát hoa ban ở Trạm Tấu, mới cho người ta hiểu rằng, hoa tình yêu đâu chỉ có ở Sơn La, Lai Châu.
Những ngọn núi sẽ “dát vàng” hoa cải

Được chú ý nhất, gợi tò mò nhất và hoạt động đem lại góc nhìn cho sóng lúa vàng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp nhất, ấy là Festival dù lượn 2016, mang tên “Bay trên mùa vàng”. Khỏi cần nói ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp đến thế nào, cả Châu Á chỉ có 2 di tích ruộng bậc thang được công nhận là di sản quốc gia. Đèo Khau Phạ cao như cái sừng trời lồng lộng, đây là điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt kỹ. Lại cũng được các chuyên gia dù lượn bầu chọn là một trong năm điểm “bay” dù lượn đẹp nhất địa cầu. Nắm lấy thế mạnh này, người Yên Bái đã tạo điểm nhấn cho du lịch miền tây tỉnh nhà bằng cách tổ chức festival dù lượn ngắm ruộng bậc thang. Họ trân trọng, trải thảm đỏ mời 7 CLB dù lượn danh tiếng của trong nước và quốc tế, với 200 phi công, họ bay và dìu du khách cùng bay tới 300 lượt. Cả nước xốn xang xem những hình ảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín, nó đẹp diệu kỳ từ chín tầng mây. Những du khách bay đẹp, hạ cánh chính xác, trang phục ấn tượng còn được Ban tổ chức trao giải, trao bằng chứng nhận và chụp ảnh lưu niệm.

Trong Lễ hội Hương quế Văn Yên.

Từ những thành công đó, người Yên Bái tiếp tục tổ chức lễ hội Hương quế Văn Yên, các phiên chợ quế thơm ấm nồng tinh dầu quế, vỏ quế, lá quế, cả đồ mỹ nghệ làm từ quế ở nơi trồng nhiều quế bậc nhất Việt Nam. Và bà con Suối Giàng, Văn Chấn, Mù Cang Chải trồng mênh mông các triền núi hoa tam giác mạch, hoa cải dầu vàng mê mải. Động viên bà con làm đẹp quê mình bằng các loài hoa, rồi lúc thu hoạch, giúp họ sản xuất tinh dầu hoa cải, tỉnh bao tiêu sản phẩm luôn. Người Hà Giang có lẽ sẽ phải lo lắng vì “bản quyền” lễ hội tam giác mạch đang bị hút về Yên Bái. Riêng các cánh đồng hoa cải dát vàng trên núi cao, kéo mãi đến tận chân mây cuối trời Tây Bắc kia thì là đặc sản đầy hứa hẹn của riêng Yên Bái.

 Vẻ đẹp của ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Miền

Điệu khèn Mông nồng say trên sóng lúa vàng, hương quế ấm sực giữa miền rừng Văn Yên, điệu xòe buông lơi chiếc khăn hồng em gái Thái Mường Lò. Tây Bắc vốn đã đẹp, giờ lại còn đang được đánh thức một cách rất bài bản bởi các lễ hội trên mây. Và, mỗi lần một mảy may gì đó như một lọn mây vắt ngang trời, như một nốt nhạc xa xăm thắc thỏm hay thậm chí chỉ cần một cái mùi mê dụ của mắc khén thoảng bay lên, thế là hình ảnh đất và người ở phía sau các con đèo ngợp ngợp hương rừng sắc núi ấy cứ thế dội về. Phải nói không ngoa, rằng bất kỳ ai cũng thấy tê lòng để nhớ. Gai lòng nhớ.

 Cuộc sống của bà con người Mông ở Mù Cang Chải. Ảnh:Thanh Miền
Hoàng Dưỡng - Tâm Am
TIN LIÊN QUAN

Những xu hướng thương mại điện tử hứa hẹn đột phá năm 2023

TRÍ MINH |

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ tăng 10,15% so với năm 2021. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia nhận định, triển vọng ngành bán lẻ và thương mại điện tử (TMĐT) trong trung và dài hạn vẫn rất khả quan. Một số xu hướng TMĐT hứa hẹn sẽ lên ngôi trong năm 2023

Người dân TPHCM bất ngờ vì triều cường dâng cao mùng 4 Tết Quý Mão 2023

TÚ LY |

TPHCM - Mùng 4 Tết là ngày người dân bắt đầu đổ ra đường vui xuân đông hơn so với mấy ngày trước đó. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường đang bị ngập vì triều cường, khiến việc đi lại người dân bị ảnh hưởng.

Phải gọi đúng tên Thổ Châu là Thổ Châu

Hữu Nhân |

Kiên Giang – Chí ít cũng gần 200 năm chữ Chu được quy định trong “quốc huý” thành Châu nên phải viết, nói danh xưng Thổ Châu là Thổ Châu.

Người dân ngán ngẩm với món ăn nhiều đạm ngày Tết, rau xanh đắt hàng

MINH HÀ |

Với thời gian nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình cũng đã "ngán ngẩm" với những món ăn nhiều đạm đặc thù của ngày Tết. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao, các sạp hàng rau được bày bán chiếm số lượng nhiều hơn và đắt khách hơn so với các hàng gà, thịt, cá...

Sự nghiệp, cuộc sống của Trấn Thành và loạt nghệ sĩ nam tuổi Mão

ĐÔNG DU |

Trong năm qua, nhiều sao nam tuổi Mão như Trấn Thành, Hieuthuhai, Khắc Việt đều thành công trong sự nghiệp, sở hữu lượng fan hâm mộ lớn.

11 cầu thủ trẻ Châu Á đáng xem nhất năm 2023: Có sao trẻ Man United

NGUYỄN ĐĂNG |

Tương lai của bóng đá Châu Á rất sáng sủa, nhất là sau kỳ World Cup 2023 thành công, với việc có 3 đội tuyển lọt vào vòng 1/8. Dưới đây là 11 gương mặt trẻ triển vọng, trong đó có cả sao trẻ của Man United Zidane Iqbal, được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc trong năm 2023, theo bầu chọn của Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC).

Ngày hội nói trạng ở Vĩnh Hoàng, Quảng Trị dịp Tết

Hưng Thơ |

Tết Nguyên đán, xã Vĩnh Tú lại tổ chức ngày hội kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Với các câu chuyện được phóng tác dí dỏm, hài hước đã mang lại tiếng cười khoái chí cho người nghe.

Băng giá xuất hiện trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù ở Yên Bái đầu năm mới

Văn Đức |

Yên Bái - Băng giá xuất hiện trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù của huyện Trạm Tấu trong những ngày đầu năm mới.