




Dự án Công viên địa chất toàn (CVĐC) cầu Non nước Cao Bằng đã thành hình hài rành mạch, cơ sở vật chất tươm tất, hồ sơ hoàn chỉnh đã trình lên Mạng lưới CVĐC quốc tế và nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2018, Việt Nam ta sẽ được nhân loại tiến bộ ghi nhận thêm một kho di sản thiên nhiên, địa chất, văn hóa, lịch sử, tộc người lừng danh thứ hai (sau CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang).
Một trong những địa điểm khiến giới yêu thích du lịch khám phá chắc chắn phải ngỡ ngàng sửng sốt. Ấy là địa danh Núi Thủng Nậm Trá (xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh), dân “phượt” thì đặt nó cái tên mỹ miều thời thượng “Tuyệt tình cốc Cao Bằng”. Các nhà khoa học quốc tế lên nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng lại dùng cả một trường liên tưởng mộng mơ để gọi tên Núi Thủng: Mắt của Thần núi, “Mountain Angel Eye”.












Đến với Mắt của thần núi, người ta cũng sẽ hiểu được vì sao có hệ thống hồ 36 hồ liên thông nhau nổi tiếng: Thang Hen. Khu vực Núi Thủng là một trong các hồ đó. Trong năm, sẽ có một ngày bỗng dưng 36 con hồ đầy ắp nước xanh trong tự dưng gào réo, nước sôi lên ùng ục, rồi lần lượt các hồ cạn trơ đáy, các loài thủy sinh nằm giãy giụa ngơ ngác. Bà con vớ bẫm. Rồi mùa cạn đến, đáy hồ xanh cỏ, gia súc lớn thung thăng. Ít ngày sau, trời không mưa, trên nguồn không một giọt nước, nhưng các hồ lại ào ào dâng lên đầy hự tất tật. Thế giới "cửa biến" và "cửa hiện" của các dòng sông suối ngầm đó vẫn còn nhiều bí ẩn. Và vì thế nó thêm quyến rũ.








Khu vực Núi Thủng trong mùa cạn, có thể thấy hệ thống đá bị ngập nước thường xuyên rất lạ, chất đất tốt, cây cỏ lên nhanh sau khi nước rút. Thác Nậm Trá ào ạt chảy từ lòng núi ra, là nơi cung cấp nước vô tận cho hệ thống liên thông hồ tự nhiên Thang Hen.