Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch": Tìm hướng đi cho du lịch Việt Nam "cất cánh"

Nhóm PV |

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch Việt Nam, để tìm hướng đi cho du lịch Việt Nam "cất cánh", sáng 29.8 tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp cùng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Liên tục tăng trưởng và thu hút 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ hơn 60 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2016 nhưng ngành du lịch Việt Nam (DLVN) vẫn còn phải vượt không ít khó khăn để “cất cánh” và khẳng định vị thế trong khu vực.

Thực tế cho thấy để đạt được mục tiêu đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2017, ngành du lịch đã và sẽ phải giải nhiều bài toán như các sản phẩm du lịch sẽ được khai thác ra sao, theo nguyên tắc nào, tiêu chí cũng như cách thức “chuẩn” đến đâu mới có thể phát huy tiềm năng vốn có một cách hiệu quả, hữu ích và bền vững trên tinh thần hiểu biết?

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch Việt Nam, Báo Lao Động phối hợp cùng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Toàn cảnh hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch". Ảnh: Hải Nguyễn

Hội thảo có sự tham dự của ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, lãnh đạo sở ban ngành của các thành phố du lịch nổi tiếng, cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các công ty, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch như Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Thiên Minh... 

Ông Jung Chang Wook, Trưởng đại diện Tổng cục du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam trao đổi cùng ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch. Ảnh: Hải Nguyễn

Báo Lao Động sẽ tường thuật trực tiếp hội thảo quan trọng này.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

12h00: Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch một lần nữa đánh giá cao những sáng kiến của Báo Lao Động trong việc tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Ông Tuấn cũng hoan nghênh và cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu góp ý trong hội thảo này.

Đặc biệt, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết sẽ tiến tới tổ chức sự kiện này thường niên, đồng thời phát động một cuộc thi trao giải báo chí về du lịch, trên cả lĩnh vực báo nói, báo viết, báo hình và báo điện tử.

“Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Tôi hy vọng hiệu ứng của hội thảo sẽ được truyền đi, để mỗi chúng ta thấy cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, để làm cho du lịch của Việt Nam được cất cánh, ngày càng chuyên nghiệp hơn” – ông Tuấn khẳng định.

11h30: Bà Lê Thu Trang, Giám đốc Marketing, Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (TCDL HQ) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm du lịch của nước bạn.

Ban đầu, TCDL HQ chỉ tập trung vào sản phẩm du lịch thông thường, đơn thuần trên thị trường. Nhưng 3 năm gần đây đã có chiến dịch mới, với những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cấp hơn của khách du lịch VN. Từ năm 2012 - 2016, lượng khách du lịch VN tới HQ đã tăng 2 lần và HQ coi VN là thị trường trọng điểm...

Cụ thể, năm 2016 chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch Việt Nam tới Hàn Quốc tăng 54%, TCDL HQ đã đưa ra mục tiêu trong năm 2017, số lượt khách Việt Nam du lịch Hàn Quốc đạt 306,542 người, tăng trưởng 21.93% so với năm 2016.

Bà Trang cho rằng, mô hình “du lịch thăm quan danh thắng” không còn gì quá mới mẻ. Do đó, cần tiếp cận “những phương thức mới” nhằm phát triển nền công nghiệp du lịch trong thời đại mới.

Bên cạnh đó, hình thức du lịch theo mùa cũng có hạn chế bởi không phải ai cũng sắp xếp được thời gian để thể tận hưởng. Bà Trang đánh giá cao mô hình “du lịch theo chủ đề”.

Theo đó, bà Trang đưa ra 9 chủ đề du lịch gồm: Nghệ thuật biểu diễn, Chợ truyền thống; Lễ hội du lịch văn hoá; Du lịch thể thao; Các sự kiện quốc tế; Trải nghiệm đặc biệt; Michellin Guide Seoul; Trường quay phim truyền hình; Olympic và Paralympic; Pyeongchang mùa đông 2018 với những chương trình riêng biệt, sáng tạo, đem đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc.

11h00: Tiếp tục tại phiên thảo luận, ông Hoàng Việt Cường - Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch của tập đoàn.

“Trong suốt 10 năm qua, kể từ khi Sun Group trở về nước năm 2007 và lấy lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí làm lĩnh vực đầu tư chiến lược, chúng tôi đã chứng kiến sự thay da đổi thịt của nhiều vùng đất và sự phát triển có thể nói là ngoạn mục du lịch Việt Nam. Và Tập đoàn Sun Group vô cùng tự hào được đóng góp một phần rất nhỏ bé của mình trong sự phát triển đó.

Ngay từ khi đặt chân về Việt Nam và chọn Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp, Sun Group đã mong muốn bằng những nỗ lực cao nhất của mình “tìm đến những vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng tầm, làm thay đổi những vùng đất ấy, kiến tạo và đóng góp cho xã hội những sản phẩm đầu tư, những công trình, những sản phẩm/dịch vụ có đẳng cấp chất lượng vượt trội, trường tồn theo thời gian; góp phần nâng cao vị thế đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, làm đẹp, làm giàu cho Tổ quốc, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới” - ông Hoàng Việt Cường khẳng định.

Ông Cường cũng nói thêm, trong tương lai, Sun Group vẫn kiên định đi theo định hướng trên, xác định sẽ lấy “đẳng cấp, chất lượng và sự khác biệt” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

“Chúng tôi nhận thấy rằng, con đường mình đang theo đuổi trùng khớp với những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đưa ra, đó là: Cơ cấu lại ngành du lịch, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong đó nêu rõ việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, khác biệt” – ông Cường cho biết. 

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group lên phát biểu. Ảnh: Hải Nguyễn

Đưa ra những câu chuyện phát triển du lịch ngoạn mục của các nước láng giềng như khu nghỉ mát Genting World Resort nổi tiếng của Malaysia hay quốc đảo Maldives, ông Cường khẳng định, nếu đầu tư bài bản, theo tiêu chí đẳng cấp, khác biệt, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thành công.

Tập trung vào các tiêu chí này, Sun Group luôn chú trọng đầu tư vào các tổ hợp du lịch - dịch vụ và nghỉ dưỡng tại các địa phương để tạo ra những sản phẩm tốt, kích thích du khách tới trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn. Đơn cử như: Khu nghỉ dưỡng ba năm liền 2014, 2015, 2016 được vinh danh sang trọng bậc nhất thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất châu Á năm 2017, Sun World Ba Na…

Đại diện của Sun Group cũng cho biết đang tiếp tục đầu tư tại Bà Nà như: Lâu đài, cầu đi bộ trên không dài nhất thế giới do chính tay kiến trúc sư lừng danh Peter Wyss, người đã thiết kế cây cầu Langkawi, một trong mười cây cầu nổi tiếng nhất thế giới, thiết kế.

“Ngay cả việc xây dựng tại Việt Nam những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng quy mô lớn như hiện tại Tập đoàn Sun Group đang triển khai tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Thơm (Phú Quốc), cũng là một minh chứng cho việc du lịch Việt Nam đang “bắt kịp xu thế” thế giới. Tương lai, khi những tổ hợp này được hoàn thiện, chúng ta cũng sẽ có một Phú Quốc đẹp không kém Maldives và thậm chí có nhiều điều thú vị hơn, một Hạ Long sánh ngang tầm với Bali, Phuket” – ông Cường cho hay.

Đằng sau những thành công này, ông Cường cho biết: Ngay tại các khu vui chơi giải trí và điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng thuộc Sun Group, chúng tôi luôn xác định, chất lượng, đẳng cấp và sự khác biệt phải đến từ những điều nhỏ nhất. Cần tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch. Sun World Ba Na Hills đã xây dựng riêng một quy trình đón khách khuyết tật.

Ông Cường cho biết, chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay.

Kết thúc ý kiến phát biểu của mình, ông Cường trích dẫn lời bài viết trên Facebooker khá nổi tiếng Nguyễn Quốc Trung: “Chỉ cần những nụ cười chân thật của người bản xứ là đủ để một du khách cảm mến và tương tư một đất nước hơn bất kỳ khẩu hiệu chiến dịch tuyên truyền nào khác”.

10h45: Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, trong năm 2017, Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 67 trên toàn cầu về vị thế du lịch. Có điều này là nhờ sự nổi trội của tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Một trong những vẫn đề bất cập là sản phẩm du lịch chưa đặc trưng hay tạo được nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường khách hàng tiềm năng.

Ông Kiên cho rằng, việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, phát triển quy mô sản phẩm du lịch đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam cần dựa trên cơ sở một số nguyên tắc phát triển như: Phù hợp nhu cầu du khách, Lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, Tính tiện ích của sản phẩm, Thỏa mãn kỳ vọng/gây bất ngờ cho khách hàng.

Theo chuyên gia này, việc định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam có thể theo các bước: Xác định thị trường mục tiêu Định vị sản phẩm du lịch -> Xác định các cảm xúc -> Xây dựng cấu trúc sản phẩm du lịch -> Thử nghiệm, phát triển sản phẩm du lịch -> Khai thác sản phẩm du lịch.

Do đó, ông Kiên đề xuất, cần xây dựng tiêu chuẩn cao cho các hãng lữ hành; Tránh tình trạng sao chép sản phẩm; Khuyến khích đầu tư các sản phẩm chuyên biệt đặc thù dựa trên tài nguyên sẵn có; Khuyến khích dự án liên doanh, liên kết tại các thị trường mục tiêu để năm bắt được nhu cầu và xây dựng nhiều sản phẩm phù hợp với khách hàng tại thị trường đó; Khuyến khích và cho phép doanh nghiệp đầu tư hàng không, tạo thêm trải nghiệm và lựa chọn cho khách hàng.

Ngoài ra, cần đảm bảo môi trường du lịch (môi trường tự nhiên lẫn môi trường kinh doanh) luôn an toàn, xanh, sạch, đẹp và thân thiện. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển một số trải nghiệm, văn hóa, thể thao hấp dẫn. Ví dụ: Khi thăm phố cổ, bảo tàng cần có sự đầu tư hơn, nhiều chương trình giải trí hơn… tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Cuối cùng là cần mở rộng, đơn giản hóa chính sách thị thực, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc tăng chi tiêu công cho du lịch (thành lập quỹ hỗ trợ du lịch nhằm phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch).

10h30: Bắt đầu phiên thứ hai của hội thảo, với nội dung: Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

TS Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ KHTC, TCDL là người điều hành phiên thảo luận này.

Theo TS Đỗ Cẩm Thơ, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính cạnh tranh, trong bối cảnh gay gắt hiện nay. Các nước đều thực hiện chất lượng sản phẩm du lịch một cách bài bản.

Các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch thực tế thể hiện rất rõ bản chất của du lịch - là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Điều này đòi hỏi công tác chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phải mang tính toàn diện và đồng bộ trong từng yếu tố và điều kiện cấu thành.

Để hình thành sản phẩm du lịch thì điều kiện tiên quyết là phải có yếu tố thu hút khách du lịch, đó thường là tài nguyên du lịch, tự nhiên hoặc văn hóa. Đây là yếu tố then chốt của sản phẩm du lịch.

Tiếp đó, yêu cầu thiết yếu để phát triển sản phẩm du lịch là các điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch để tổ chức được sản phẩm du lịch. Nội dung quan trọng nữa của sản phẩm du lịch sau khi có tài nguyên hấp dẫn, khả năng tiếp cận là sự hiện hữu, đầu tư hình thành của các loại hình cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi cũng như kèm theo đó là hệ thống các dịch vụ cần thiết giúp khách du lịch có thể trải nghiệm, khám phá, thưởng ngoạn được các giá trị tài nguyên du lịch. Trong đó có chuỗi các dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của khách về lưu trú, ăn uống, giải trí và các dịch vụ liên quan như y tế, bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, mua sắm hàng hóa...

Cuối cùng, các yếu tố mang tính điều kiện và tham gia đóng góp vào giá trị và chất lượng tiêu dùng của sản phẩm du lịch đó là các điều kiện khí hậu, môi trường, không gian cảnh quan chung, người dân địa phương, các tiện ích công cộng…

TS Đỗ Cẩm Thơ nhấn mạnh, hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng của nước ta là thế mạnh và đang được khai thác tương đối tốt trong xây dựng sản phẩm du lịch. Thứ hai là hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày càng được hoàn thiện. Thứ ba là giai đoạn gần đây, bên cạnh sự tham gia vào thị trường Việt Nam của các tập đoàn khách sạn lớn của thế giới là sự vào cuộc và đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh… đang hình thành nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tại nhiều địa phương trên cả nước, tạo dựng diện mạo mới về năng lực cung ứng của sản phẩm du lịch Việt Nam. Các dịch vụ du lịch mang tính thiết yếu được hình thành tương đối tốt trong các phân khúc dịch vụ cao cấp.

Đừng làm du lịch theo kiểu hồn nhiên tự phát

Phần một của hội thảo là bàn về tính chuyên nghiệp trong du lịch. Điều hành phần này là Phó Giáo sư -Tiến sĩ Trần Đình Thiên.

Phát biểu mở màn phiên thảo luận thứ nhất về tính chuyên nghiệp của ngành du lịch, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên khẳng định, hội thảo hôm nay là dịp để những người làm du lịch ngồi lại, cùng bàn thảo, tìm ra cách để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

9h40: Các đại biểu tranh luận sôi nổi đề tìm giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup. Ảnh Hải Nguyễn 

Bước vào phần thảo luận, ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng chuyên nghiệp là phần rất quan trọng của du lịch vì khách hàng đã bỏ nhiều tiền để sử dụng dịch vụ du lịch mà không được phục vụ chuyên nghiệp thì rất khó chịu.

Ông Hiệp đưa ra ví dụ cụ thể về một lần đi khách sạn ở Huế và đang ở trong phòng thì một kỹ thuật viên đạp cửa xông vào rồi nói, “Thôi chết em tưởng không có ai” và việc này tạo ra cảm giác rất khó chịu. Do đó, đại diện Vingroup cho rằng trong công tác kinh doanh du lịch cần có quy trình chuẩn chỉ cho tất cả các khâu từ những việc nhỏ nhất như vào phòng của khách thì phải gõ cửa thế nào, phải nói gì, ứng xử ra sao…

Theo đó, trong 1 cơ sở kinh doanh có nhiều bộ phận và nơi nào cũng cần chuyên nghiệp, do đó cần chuẩn hoá, đơn giản hoá, để làm sao động tác đơn giản mà rất chuyên nghiệp vẫn mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Ông Hiệp chia sẻ, Vingroup hiện có mấy chục khách sạn và dù ở miền Nam hay miền Bắc hay miền Trung thì cũng đều chuẩn hoá mọi khâu. Các món ăn cũng chuẩn hoá, phở phải là phở, chứ không thể có phở miền Nam hay miền Bắc và phở phải như nhau, mì Quảng phải như nhau, và không nên sáng tác thêm vào vì như thế sẽ không đúng.

Theo ông, cần chuẩn hoá từ mỗi món ăn để khách hàng biết vị phải thế. Mở rộng ra bên ngoài khi khách đến họ sẽ tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau từ quán cơm, taxi. Hiện nay, vẫn còn nghe một số câu chuyện lái xe chặt chém, đi lòng vòng để vòi thêm tiền hoặc đoạn ngắn mà đòi tiền nhiều.

Ông Hiệp cho rằng, đến lúc không chỉ tuyên truyền động viên giáo dục mà cần có chế tài. Với những hành vi lừa đảo, chặt chém khách hàng cơ quan chức năng không chỉ phạt taxi mà còn cần phạt cả chủ công ty taxi vì họ cũng phải chịu trách nhiệm và khi họ bị thiệt hại lớn về kinh tế thì họ sẽ phải giáo dục các tài xế của mình.

Còn theo bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc Đại diện Vietravel, tính chuyên nghiệp hóa thể hiện ở những việc như: Đến cửa khẩu nhân viên hải quan phải hoàn tất thủ tục nhanh, hướng dẫn viên không được trễ hẹn, đến nhà hàng phải nở nụ cười...

Bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc Đại diện Vietravel.

Hiện tại với ngành du lịch, tính chuyên nghiệp hóa phụ thuộc vào chính chúng ta, những người đang hoạt động trong ngành du lịch và mỗi người dân.

"Chúng ta có những tiêu chí đánh giá, hay quy tắc ứng xử… nhưng vấn đề khó nhất là quản trị sao cho đồng bộ, nhất quán. Du lịch là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và con người là tác nhân quan trọng nhất. Chúng tôi cho rằng để cho mỗi người hiểu được sự chuyên nghiệp hóa trong vấn đề du lịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên đang làm việc trong các doanh nghiệp về du lịch, DN cần quản trị và tăng cường đào tạo.

Đối với Viettravel, chúng tôi luôn hướng đến điều đó qua việc quản lý hiệu quả công việc qua KPI, chuyên nghiệp hóa chỉ có được khi những người thực hiện trong ngành du lịch hiểu được. Chuyên nghiệp hóa sẽ tạo nên thương hiệu tốt nhất cho DN" - bà Hương khẳng định.

Chia sẻ ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho rằng từ cơ sở lưu trú, cơ sở vật chất của ngành du lịch cần phải chuyên nghiệp hoá, con người cũng phải chuyên nghiệp hoá trong đó không chỉ người làm du lịch mà cần cả người dân sống ở khu vực đó.

Ông Chúc nhận định, hiện nay một trong những tồn tại của ngành du lịch Việt Nam là kinh phí truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch rất thấp mới chỉ 1% doanh thu ngành du lịch, giới báo chí tuyên truyền cũng chưa chuyên nghiệp vì chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu trải nghiệm để so sánh đánh giá và phản ánh.

Tham gia phần thảo luận, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất, nên chăng có thể thực hiện chuyên nghiệp hoá trong phục vụ du lịch qua 2 nhóm ngành. Thứ nhất với ngành du lịch chuyên nghiệp hoá trong du lịch như thế nào, hướng dẫn viên, lái xe, lái tàu nhân viên phục vụ nhà hàng, mua sắm điều hành tour.

Theo bà Hạnh, cần ban hành tiêu chuẩn phục vụ khách như thế nào, xây dựng dự thảo thống nhất chuẩn hoá do ngành du lịch thực hiện trong toàn ngành, thực hiện trên toàn quốc. Hiện nay, các lực lượng phục vụ đã có tiêu chuẩn riêng, nhưng vẫn cần nhấn mạnh về hành vi thái độ để chuẩn hoá để có hiệu quả tốt hơn.

Với nhóm ngành hỗ trợ, có liên quan đến du lịch như an ninh, ngoại giao, công thương các ngành đó tự đăng ký tiêu chuẩn chuyên nghiệp hoá trong hoạt động du lịch như thế nào. Ví dụ khách quốc tế qua cửa khẩu nếu nhân viên hải quan không có ứng xử quy trình nhanh gọn, quy trình chuyên nghiệp thì sẽ giảm bớt sự hấp dẫn, ấn tượng tốt đẹp của người khách khi đến Việt Nam. Do đó, theo đại diện Sở du lịch Đà Nẵng, các ngành quản lý liên quan tới ngành du lịch cũng cần chuẩn hoá, góp phần tuyên truyền tăng cường nhận thức để nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.

Trước những kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đưa ra ý tưởng về việc thiết kế một bản đồ ISO trong ngành du lịch.

Theo đó, ông đề nghị Tổng cục Du lịch thiết kế 1 bản đồ ISO của du lịch trong lập nên một quy trình đầy đủ của 1 tour du lịch từ A đến Z từ quảng bá tới đặt vé máy bay tới cửa khẩu tới taxi tới khách sạn, chỗ ăn uống, chỗ tham quan mua sắm rồi vui chơi giải trí rồi quay lại sân bay. Một lộ trình như thế cần được chuẩn hoá trong đó nêu rõ, ai chịu trách nhiệm khâu nào, phương pháp quản lý ra sao.

Trong khâu quảng bá điểm đến, ai làm nhiệm vụ quảng bá, phối hợp với bộ nào, công ty nào, cần vạch ra các chuẩn để chuyên nghiệp hoá.

Tới khâu đăng ký visa muốn nhanh gọn thì cần yêu cầu gì, phải thế nào, Bộ hoặc Tổng cục du lịch cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an ghi rõ nội dung động tác sao cho chuyên nghiệp rồi tới sân bay, taxi, phải mô tả thành ISO để kiểm tra và Tổng cục giao các vụ xây dựng xử lý rồi báo cáo thường xuyên để tháo gỡ. Bằng phương pháp, Thứ trưởng nhận định sẽ giúp cho bộ quản lý tốt hơn và khi vướng mắc bộ sẽ gửi Thủ tướng, các bộ các doanh nghiệp để cùng phối hợp. Hiện nay, đã có quy tắc ứng xử nhưng mới chỉ dừng ở kêu gọi còn trong bản ISO này có thể đề xuất hướng xử lý để chuyên nghiệp hơn.

9h35: Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cộng đồng du lịch thân thiện, văn minh.

Theo đó, những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, Tổng Cục Du lịch, Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở ngành, địa phương cùng nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của thành phố...

 

Tuy nhiên, trong những năm trước đây, thành phố cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như thiếu sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, địa phương và cộng đồng trong triển khai xây dựng và giữ gìn môi trường du lịch thân thiện văn minh.

Các Sở ban ngành, địa phương chưa chủ động thực hiện hết chức năng thẩm quyền chuyên ngành để thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch.

Nhận thức của cộng đồng địa phương vẫn còn hạn chế, thể hiện qua các hành vi chèo kéo khách du lịch, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, phân biệt giữa người địa phương và du khách, chặt chém về giá bán...

Thấy được những tồn tại nêu trên, Thành ủy, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt bằng các đề án, Kế hoạch, chương trình hành động với những giải pháp đồng bộ và ý tưởng sáng tạo. Cụ thể, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình thành phố “5 không” “3 có”, đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của và “3 có” : có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Năm văn hóa văn minh đô thị 2015-2016, Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020 tập trung triển khai thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm quản lý đô thị, hành vi nếp sống và văn hóa...

Kết thúc tham luận, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng kiến nghị cần nâng cao nhận thức về sự chuyên nghiệp trong du lịch trên tất cả các lĩnh vực từ người bán hàng rong, xích lô xe thồ - những người đầu tiên phục vụ khách tới các cơ quan ban ngành của nhà nước. Theo đại diện này, riêng ngành du lịch nỗ lực không là chưa đủ cần có sự nhận thức đồng bộ từ cấp trên đến các thành phần tham gia phục vụ du lịch, lực lượng an ninh sân bay mới tạo ra hiệu ứng rộng rãi và cần sự chung tay tất cả các lực lượng tham gia phục vụ cho ngành du lịch.

9h25: Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang phát biểu tham luận với chủ đề “Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường”, trường hợp nghiên cứu đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

 Các đại biểu "hiến kế" nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động liên quan đến du lịch Việt.

Theo đại diện tỉnh Kiên Giang, tỉnh này đang định hướng mạnh về phát triển du lịch để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi lẽ Kiên Giang, trong đó, nổi bật nhất là đảo Phú Quốc, nơi chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, có lợi thế về phát triển du lịch, một trong các ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Ông Dũng cho rằng, du lịch biển đảo Kiên Giang phát triển được như hiện nay là do có sự chỉ đạo từ phía tỉnh, cũng như sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành liên quan. Do đó, lượng khách du lịch đến Kiên Giang tăng cả khách trong nước lẫn quốc tế.

Trong tham luận của mình, ông Dũng cho rằng, để thu hút được du khách, điểm đến du lịch Phú Quốc phải có sức hấp dẫn vì khách hàng luôn có một ấn tượng nào đó về sản phẩm mà họ muốn đến. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch đồng nghĩa với việc tiếp thị, quảng bá cho đảo Phú Quốc.

Để thành công, Phú Quốc phải làm cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng có trách nhiệm, chia sẻ lợi ích một cách hài hoà, cũng như đáp ứng sự hài lòng của du khách. Trong đó, định hướng đầu tư du lịch: Từ năm 2016-2020, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại hóa, chất lượng cao...

Phấn đấu xây dựng đảo Phú Quốc là khu hành chính - kinh tế đặc biệt với trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, phát triển Phú Quốc với trụ cột chính là công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính - ngân hàng và kinh tế biển có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Giải pháp xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Phú Quốc an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường.

9h15: Đề xuất giải pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch - UBND TP.Hạ Long, nhấn mạnh: 

Hạ Long là thủ phủ của Quảng Ninh, là điểm chung của tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng và 2 vành đai của Việt Nam với Trung Quốc.

Liên quan đến việc phát triển du lịch Vịnh Hạ Long có các giải pháp tổng thể, cơ bản, trong đó, chúng tôi tập trung vào công tác lý nhà nước trên Vịnh Ha Long. Trước đây, Vịnh Hạ Long nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách du lịch nước ngoài cũng như người dân trong nước đến tham quan, du lịch. Trong đó, mặt trái là công tác quản lý nhà nước đang hết sức phức tạp, gây mất thiện cảm cho du khách.

Dù Vịnh Hạ Long có tiếng là di sản thiên nhiên thế giới nhưng ấn tượng để lại rất xấu. Khi tỉnh bàn giao Vịnh Hạ Long cho TP.Hạ Long quản lý, cách quản lý cũng khác hẳn. Trước đây, chúng tôi phải thông qua sở ban ngành, kéo xuống việc rất lâu, hiện nay chúng tôi trực tiếp quản lý chỉ đạo, cụ thể là việc chèo kéo khách, bán cần câu, quả chuỗi, bánh kẹo… làm ảnh hưởng đến du khách.

Trong bối cảnh đó, Hạ Long đã quyết tâm làm, lúc đầu chúng tôi đình chỉ hàng trăm chuyến tàu trong một năm, không cho ra Vịnh. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra rất nhiều vấn đề nội bộ như: Cháy tàu hay để khách mất đồ trên tàu không có người chịu trách nhiệm, hàng thủy sản từ 2kg nói vống lên là 3kg để ăn tiền, chia hoa hồng của HDV, người lái tàu, chủ đập… , có thể nói tình trạng chặt chém diễn ra khắp nơi.

Ông Sơn cũng cho biết, từ giữa năm 2018, từ Hà Nội đến Hạ Long sẽ chỉ mất khoảng 1,5 tiếng, từ Hạ Long ra Móng Cái cũng vậy... Ngoài ra, Sungroup hiện cũng đang cho xây dựng những cảng kết nối tour du lịch để tăng tính chuyên nghiệp hơn. Nhờ có những tập đoàn như Sungroup đầu tư, nếu khách du lịch đến có thể giữ lại từ 2 - 5 ngày mới chơi được hết các trò chơi trong đó. Thành phố cũng đang tiến hành trồng các loại hoa theo tuyến, có những tuyến toàn hoa phượng, bằng lăng… “Khi các vị có thời gian xuống hạ Long có thể thấy sự thay đổi từng ngày, từng giờ” – ông Sơn khẳng định.

9h00: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên phát biểu mở màn phiên thảo luận thứ nhất về tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên phát biểu mở màn phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Thiên chia sẻ, ông không phải là dân du lịch nhưng luôn trăn trở về vấn đề phát triển tính chuyên nghiệp ngành du lịch và nhận định chủ đề thảo luận về tính chuyên nghiệp là rất có ý nghĩa.

Theo chuyên gia này, sau 30 năm đổi mới đẳng cấp nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn chậm thay đổi, ngành nông nghiệp vẫn thế, công nghệ không có gì đặc biệt, ngành công nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở việc lắp ráp, gia công, ở việc khai thác tài nguyên là chính nên rất ít tính chuyên nghiệp. Chuyên gia này cho rằng, lĩnh vực dịch vụ chắc là khá hơn về tính chuyên nghiệp, đặc biệt là mấy năm vừa qua, nhưng vẫn trong nền kinh tế mà đẳng cấp chưa thay đổi nhiều.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đặt du lịch trở lại thành ngành mũi nhọn sau hơn 25 năm và lần này khái niệm gắn với tính chuyên nghiệp. Nhóm tư vấn Thủ tướng khi thảo luận về việc 5 năm tới làm gì đã đưa ra ý kiến về câu chuyện thị trường hoá nhưng không chuyên nghiệp hoá và nay phải chuyển hướng từ thị trường hoá sang trọng tâm chuyên nghiệp hoá, đặc biệt là chuyên nghiệp hoạt động kinh doanh.

Bàn về tính chuyên nghiệp là vấn đề mũi nhọn, TS Trần Đình Thiên cho rằng đây là hội thảo khởi động để bàn về tính chuyên nghiệp mà 2 nội dung chính là chuyên nghiệp của quản trị nhà nước và chuyên nghiệp của quản lý kinh doanh, Trong đó, chuyên gia này cho rằng cần nhấn mạnh về chuyên nghiệp về chức năng quản lý trong du lịch và chuyên nghiệp trong quản lý nàh nước và quản lý kinh doanh.

Trong thời gian qua, cách phát triển của Việt Nam vì sao vẫn không chuyên nghiệp? Theo chuyên gia này đó là vì cơ chế xin cho tồn tại quá lâu. Cơ chế này có thể có nhiều ưu điểm nên bỏ khó quá nhưng làm sao mà chuyên nghiệp được trong cơ chế xin cho. Hiện nay, du lịch ở nhiều nơi vẫn đang phát triển một cách tuỳ nghi tuỳ hứng, phát triển theo tầm nhìn kiểu “đánh cờ nước 1 thiếu chuyên nghiệp”.

Trong khi đó, chuyên nghiệp trong quản trị quốc gia phải bắt đầu từ tầm nhìn định hướng chiến lược, tạo ra cơ chế khuôn khổ cho du lịch chứ còn tuỳ nghi tuỳ tiện dựa trên quan hệ xin cho thì không thể chuyên nghiệp. Do đó, chuyên gia này cho rằng cần lật lại cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp giữa Tổng cục du lịch với các địa phương giữa các bộ, ngành liên quan.

Hiện nay, tinh thần hội nhập ở Việt Nam rất cao nhưng tâm lý kiểm soát khách đến chưa cởi bỏ được nên khó phối hợp.

8h35: Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu đề dẫn hội thảo. Ông Tuấn trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến và đề xuất của Báo Lao Động trong việc tổ chức hội thảo hôm nay.

Ông Tuấn khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính chất liên ngành, liên vùng nên cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành.

“Đề xuất của Báo Lao Động về việc tổ chức hội thảo hôm nay là hành động có trách nhiệm, thể hiện sự chung tay cùng ngành du lịch để đưa Nghị quyết 08 vào cuộc sống và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. 

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, chưa bao giờ du lịch nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như sự kỳ vọng của xã hội như trong thời gian vừa qua. Tác động của sự kiện giàn khoan 981 trên Biển Đông đã tạo ra sự sụt giảm, đặt ra đầy thách thức cho ngành du lịch, tuy nhiên từ tháng 7.2015 – nay, ngành du lịch đã có sự phát triển bứt phá.

8h20: Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá du lịch VN trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch và thu hút khách du lịch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn 

Cũng theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, năm 2016, ngành du lịch đã thu hút được 10 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu đạt hơn 400 nghìn tỉ đồng.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành ngày 6.1.2017 có quan điểm phát triển và giải pháp mang tính đột phá về du lịch.

Nghị quyết chỉ rõ quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành của toàn xã hội.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2017 đã được Thủ tướng chỉ đạo thông qua chỉ thị 24/CT-TTg, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt từ 13-15 triệu lượt khách, tăng trưởng từ 30-50% so với năm 2016. Đây là mục tiêu rất lớn vừa là nhiệm vụ, vừa thể hiện rõ yêu cầu và vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước các chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, trước yêu cầu và bối cảnh phát triển cũng như những dư địa quan trọng của du lịch, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, phát triển du lịch trong thời gian tới phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có bước phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và phát triển lâu dài. Cần tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự quyết tâm của ngành du lịch và các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là của ngành du lịch. Đây là việc Bộ VHTTDL đang ráo riết chỉ đạo ngành du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

8h15: Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập báo Lao Động phát biểu tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

 Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập báo Lao Động tuyên bố lý do tổ chức hội thảo.

Ông Nguyễn Đình Chúc đưa ra những đánh giá sơ bộ về ngành du lịch cũng như tính cấp thiết của việc tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

“Làm gì và làm thế nào để du lịch Việt Nam bứt phá không chỉ với các nước láng giềng mà so với chính mình? Đó là câu hỏi trăn trở mà báo Lao Động và Tổng Cục du lịch đặt ra khi tiến hành tổ chức hội thảo ngày hôm nay với chủ đề “Chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.