BÀI THI VIẾT “VIỆT NAM - VẺ ĐẸP BẤT TẬN”:

Du lịch Huế nhìn từ thuyền rồng trên sông Hương

NGUYỄN Y VÂN |

Trong một năm thì từ tháng 3 đến tháng 9 là giai đoạn làm ăn được của thuyền rồng Huế trên sông Hương, nhờ vào sự “ăn nên làm ra” của du lịch. 

Những tháng còn lại, thuyền rồng Huế rơi vào cảnh “cắm sào… đợi ai”. Đó là một điều buồn cho một loại hình du lịch đặc sắc được quảng bá rộng rãi cả trong và ngoài nước. Với vốn lợi thế sẵn có là sông Hương và cảnh sắc hai bên bờ thì sự u ám như vậy quả là đáng buồn.

Thuyền rồng và những tháng buồn của du lịch

Bến Toà Khâm trước Trường Đại học Sư phạm Huế, cái ảm đạm không đến từ bầu trời u ám của TP.Huế mà đến từ ánh mắt của các chủ thuyền rồng. Họ ngồi lặng yên hướng mặt lên bờ, ánh mắt xám xịt, buồn bã. Đôi lúc những ánh mắt ấy sáng rực lên, đầy hy vọng khi có một nhóm khách du lịch đi ngang qua. Thỉnh thoảng có một chiếc thuyền ghé bến, trả vài ba người khách lên bờ, rồi lại neo đậu bên sông.

Bà Nguyễn Thị Ước (66 tuổi - chủ một thuyền rồng) lắc đầu buồn bã: “Mùa này là mùa ăn thâm, chú ơi”. Mùa ăn thâm là mùa thu nhập thấp vì ít khách, phải ăn thâm vào vốn. Tính từ chuyến xuất bến cuối, bà nhẩm tính tới nay là 7 ngày chưa có khách. Thuyền trưởng và thuyền phó thì đã bỏ lên bờ tìm việc khác để làm, một mình bà ở lại trông giữ thuyền.

Bà Ước kinh doanh dịch vụ thuyền rồng du lịch đến nay đã 28 năm. Bà bỏ ra gần 2 cây vàng để đóng một chiếc thuyền rồng đôi theo kiểu truyền thống có cải tiến, đó là chiếc thuyền nhôm, kính với cặp đầu rồng trang trí. Đến nay, chiếc thuyền rồng vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, chỉ khác là bộ ván sàn vừa được thay mới. Con thuyền khi không có khách trống hoác, với kết cấu nhôm, kính sắc lạnh, vài chồng ghế nhựa cho khách ngồi, những chiếc bàn chất đầy túi xách rẻ tiền và những món đồ lưu niệm chất lượng thấp không hấp dẫn du khách.

Mùa “ăn thâm” kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, không chỉ riêng bà Ước, các chủ thuyền còn lại cũng lâm vào cảnh đìu hiu. Thuyền nằm bến đợi, chủ ngồi ngáp dài ngáp ngắn trên bờ chầu chực khách, đôi lúc bức quá thì chạy theo chèo kéo. Nhưng rồi cũng chỉ nhận lại những cái lắc đầu của khách.

Trên chiếc thuyền rồng làm du lịch của bà Trương Thị Hoè (57 tuổi) ngoài nhiệm vụ kiếm tiền ra thì còn là nơi ở của 3 thành viên gia đình. Hôm chúng tôi đặt chân lên thuyền, bên trong bừa bộn chăn mền chưa xếp gọn, quần áo vắt quanh tường, bừa bộn trông rất khó coi đối với du khách.

Bà Hòe cười trừ: “Khi nào có khách tới thì mình dọn, chứ chỗ ở thì cũng có khi này khi khác”. Từ nhiều tháng nay, 5 đến 6 ngày bà mới có một chuyến khách thuê thuyền ngắm sông Hương. Trên thuyền có phục vụ nước ngọt, còn ăn uống thì trừ khi có khách đặt trước chứ nhà thuyền không nấu. Mỗi chuyến như vậy, trừ chi phí thì thu được vài trăm ngàn. Bà Hòe cũng giống một vài chủ thuyền khác, đăng ký hoạt động ở bến Phú Cát nhưng lén lút đậu “chui” ở bến Toà Khâm vì lý do “ở đây khách du lịch qua lại nhiều, lâu lâu có người thuê thuyền. Chứ đậu ở Phú Cát thì cả tháng không có một chuyến”.

Có lợi thế nhưng không biết dùng

Đi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương là một thú vui vương giả của vua quan nhà Nguyễn ngày xưa. Thuyền rồng hiện nay được thiết kế dựa theo những mẫu Long thuyền thời kỳ đó. Nó có một lịch sử lâu đời và là nền móng cho việc quảng bá du lịch đến với khách trong và ngoài nước. Khách du lịch đến Huế, ngoài việc tham quan kinh thành, lăng tẩm thì rất cần những nơi để giải trí, tiêu khiển. Tuy vậy, dù có lợi thế nhờ cảnh quan sông Hương thơ mộng với nhiều danh lam thắng cảnh 2 bên bờ, chất lượng thuyền rồng Huế hiện nay chưa đủ sức giữ chân khách du lịch.

Trên trang web Tripadvisor.com - một trang web xếp hạng chất lượng du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ, chủ tài khoản Maritanlin (Việt Nam) cho rằng: “Sông Hương thơ mộng với những điệu hò trên thuyền buổi tối gây ấn tượng tốt. Tuy nhiên thời nay hát dịch vụ nhiều làm mất đi tính chuyên nghiệp, lịch sự. Thuyền bè thu giá cao nhưng cần nâng cấp cho xứng đáng hơn”.

Một tài khoản khác có tên Joshua (đến từ Úc) sau một chuyến tham quan bằng thuyền rồng đã nhận xét: “Một trải nghiệm khủng khiếp. Ban đầu họ (chủ thuyền) yêu cầu mỗi người trả 10 đôla (nhóm 4 người) cho chuyến tham quan chùa Thiên Mụ. Người hướng dẫn của chúng tôi nói không trả quá 15 đô cho một chuyến đi. Sau khi chúng tôi bỏ đi thì họ gọi lại và đồng ý với giá chúng tôi đưa ra. Thực phẩm, nước uống không có bảng giá khiến chúng tôi bối rối. Khi lên đến chùa Thiên Mụ, họ thông báo chúng tôi chỉ có 20 phút tham quan. Trên đường trở về, họ yêu cầu chúng tôi trả mỗi người 80.000 đồng cho vé tham quan chùa mà họ đã mua cho chúng tôi (thực ra chùa không thu vé). Sau khi chúng tôi nói rằng chùa miễn phí tham quan, họ cố gắng mặc cả xuống còn 40.000 đồng. Sau đó chúng tôi bị chủ thuyền bỏ lại bên bờ sông, nơi không phải bến thuyền. Quả là một trải nghiệm tồi tệ ở Việt Nam”.

Một du khách khác từ Pháp nhận xét: “Chúng tôi đã bỏ ra 30 đô la cho 2 người với một chuyến đi chỉ hơn 20 phút. Nơi bạn ngồi trên một cái ghế nhựa không an toàn ở một không gian mà tôi cho là nơi ở của chủ thuyền”.

Dù đó không phải là tất cả những gì đang diễn ra với các chuyến tham quan bằng thuyền rồng, nhưng việc thiếu quản lý dẫn đến tình trạng các chủ nhà thuyền “chặt chém” du khách vẫn đang diễn ra, theo đó là chất lượng phục vụ không tốt gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Thuyền rồng xứ Huế sau mấy chục năm hoạt động nhưng tư duy không khác gì mấy so với lúc ban đầu, vẫn là trình diễn ca Huế dưới ánh đèn neon sáng trưng, giữa một không gian nhôm kính thô thiển, không có sân khấu phân chia giữa nghệ sĩ và khán giả để người xem không chỉ thoả mãn phần nghe mà cả phần xem. Sự thiếu đầu tư một cách nghiêm túc vào không gian và dịch vụ đi kèm đã khiến một loại hình du lịch đặc sắc trở nên nhếch nhác trong mắt người nước ngoài.

Anh Phan Ngọc Thành (37 tuổi, khách du lịch Hà Nội) sau một chuyến nghe ca Huế trên thuyền rồng đã tỏ ra thất vọng: “Có thể xem một chiếc thuyền rồng là một sân khấu thu nhỏ, nơi thưởng thức loại hình âm nhạc truyền thống. Tuy vậy, thiếu đi một không gian đẹp đã làm giảm mất hứng thú đối với món âm nhạc cung đình này rất nhiều”.

Giá mỗi show diễn ca Huế trên thuyền rồng kéo dài 1 giờ cho mỗi nghệ sĩ là 100.000 đồng, mức cát-sê bèo bọt nhưng thậm chí những người đã có vài chục năm đi hát vẫn đành chấp nhận. Theo những chủ thuyền thì “Ca sĩ luôn luôn trong tình trạng thừa”. Trong khi khách nước ngoài đến Huế than thở không có chỗ để vui chơi, thì từ một thú chơi vương giả ngày xưa chuyển biến thành loại hình kinh doanh đại chúng rẻ tiền vẫn trong tình trạng vắng khách quả là điều đáng buồn.

Khi các nhà làm du lịch vẫn đang loay hoay tìm cách thu hút khách, níu chân khách ở lại với Huế lâu hơn thì một loại hình du lịch trải nghiệm đặc sắc như vậy lại không được chú trọng. Và rồi những chủ thuyền thì không biết làm gì hơn là chờ đợi tới tháng 3 năm sau, khi mùa du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại.

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

NGUYỄN Y VÂN
TIN LIÊN QUAN

Dịu dàng Đà Nẵng

PHẠM THỊ NGỌC TUYỀN |

Có ai đã nói với tôi rằng: “Nếu không rời xa một thứ gì đó thì chẳng thể nào biết nó quan trọng đến nhường nào”. Nếu không có những ngày tháng một mình trên miền đất lạ, tôi đã chẳng nhận ra Đà Nẵng – dải eo biển miền Trung này lại thân thương với tôi đến vậy.

Rực rỡ “thành phố hoa” bên bờ sông Tiền

Lục Tùng |

Không giống với hình ảnh thường thấy của những chậu hoa đắp luống thẳng hàng, đến làng hoa Sa Đéc, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh vô cùng độc đáo: Hoa lủng lẳng vươn cành, khoe sắc rực rỡ trên các giàn cao, phía dưới là nước từ sông Tiền theo kênh, rạch chảy vào tạo nên bức tranh đẹp chỉ có ở làng hoa Sa Đéc.

Ngâm nga điệu ca trù Chanh Thôn

Lê Thị Khánh Linh |

Ca trù là loại hình diễn xướng dân gian Việt Nam mà không nước nào trên thế giới có. Làn điệu ca trù đã tạo nên nét bản sắc Việt bao đời nay.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Dịu dàng Đà Nẵng

PHẠM THỊ NGỌC TUYỀN |

Có ai đã nói với tôi rằng: “Nếu không rời xa một thứ gì đó thì chẳng thể nào biết nó quan trọng đến nhường nào”. Nếu không có những ngày tháng một mình trên miền đất lạ, tôi đã chẳng nhận ra Đà Nẵng – dải eo biển miền Trung này lại thân thương với tôi đến vậy.

Rực rỡ “thành phố hoa” bên bờ sông Tiền

Lục Tùng |

Không giống với hình ảnh thường thấy của những chậu hoa đắp luống thẳng hàng, đến làng hoa Sa Đéc, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh vô cùng độc đáo: Hoa lủng lẳng vươn cành, khoe sắc rực rỡ trên các giàn cao, phía dưới là nước từ sông Tiền theo kênh, rạch chảy vào tạo nên bức tranh đẹp chỉ có ở làng hoa Sa Đéc.

Ngâm nga điệu ca trù Chanh Thôn

Lê Thị Khánh Linh |

Ca trù là loại hình diễn xướng dân gian Việt Nam mà không nước nào trên thế giới có. Làn điệu ca trù đã tạo nên nét bản sắc Việt bao đời nay.