Đã xuất hiện một “tham vọng” du lịch mang tên “Đồng Tháp”

Lâm Tuyền |

“Đông du khách tới thăm, người trồng hoa được hưởng lợi gì?”, nghe câu hỏi của chúng tôi, anh Tuấn - làng hoa Sa Đéc ngừng tay bỏ phân vào từng giỏ mào gà, ngẩn người một lúc, rồi cười xòa: “Nếu tính từng xu tiền, những người trồng hoa như tôi đâu nhận gì. Nhưng khách tới đông, như dịp tết con gà 2017 này, ngắm hoa, chụp ảnh, bốt phây (đưa ảnh lên facebook), nhiều người biết tới làng hoa Sa Đéc, là coi được rồi!”.
Hàng loạt câu hỏi bật ra  khi chúng tôi về Đồng Tháp nơi chọn du lịch là bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, với mục tiêu “Đồng Tháp - thủ phủ du lịch miền Tây 10 năm tới”.
Ngôi làng thuần hậu “đốn tim” du khách
Trước khi dạo bước dọc 2km đường làng cồn Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) - điểm du lịch dân dã theo mô hình làng Nam Bộ thân thiện từ tháng 12.2016 nổi lên như một điểm đến “đốn tim” du khách, chúng tôi mặc áo phao đi tắc ráng, thuyền gỗ để thăm 6ha rau thủy sinh, chủ yếu rau nhút (rau rút) của làng. Như một bức tranh “siêu thực” - những bè rau xanh mướt được chặn cho rau khỏi bị nước cuốn trôi bởi phao là những chiếc chai nhựa các màu đựng nước ngọt, suối loại 1,5l. Ồ, du lịch Việt, lần đầu có nơi mời khách đi thăm bè rau rút. Băn khoăn quá! Du khách nào muốn trải nghiệm làm nông dân thăm ruộng bằng việc “mạo hiểm” ra một nhánh sông Tiền thăm thứ rau không mấy đặc trưng như rau rút hay không? Chắc hẳn, sắp tới, những người làm du lịch Đồng Tháp phải “động não” dữ lắm sáng tác câu chuyện hay đủ để khách có hứng nhất định muốn tới tham quan 6ha rau rút ấy…
Cồn Phú Mỹ với 227 hộ dân, xanh rợp bóng cây ăn trái, các ruộng ớt, vườn xoài - hai đặc sản của cồn đều treo biển “Sản xuất theo hướng an toàn”. Ven con đường chạy xuyên làng là những vạt hoa, những ngôi nhà sàn chống lũ đặc trưng của người Nam Bộ, và thật đặc biệt, một vài nhà mở toang, không lắp cửa. Một không khí thanh bình yên vui ngự trị khắp làng! Chủ vườn xoài sinh thái rộng 6.000m2 Huỳnh Văn Ngạn cười bộc trực: “Chúng tôi chưa có kinh nghiệm làm du lịch. Xuân 2017 là lần đầu mở cửa đón khách đó, với tất cả tấm lòng của mình”. Về chơi cồn Phú Mỹ ngày xuân, có được một cuộc gặp, có thể nói hào hứng nhất, là với “kỳ nhân” - kỹ sư chân đất - lão nông Nguyễn Văn Cường - người cải tiến xe Honda Cup thành máy xới đa năng.
“Cồn Phú Mỹ chưa bén mùi du lịch…”, chúng tôi nói vui với chị Trần Thị Phiến - PCT UBND huyện Thanh Bình. Chị Phiến cười tươi: “Người dân cồn vốn thuần hậu, chất phác. Chúng tôi tái tạo ở đây một làng quê Nam Bộ truyền thống, đặc trưng, kiểu mẫu thân thiện”.
Những nét riêng và những lần đầu
Đầu tháng 1.2017, nhà sàn Bác Hồ - mô hình được phục chế theo tỉ lệ 1/1 nằm trong khuôn viên rộng 9ha Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc (TP. Cao Lãnh) lần đầu tiên mở cửa đón khách nghỉ qua đêm. Chưa hết, sắp tới, 9 ngôi nhà Nam Bộ xưa được phục dựng lại trong khu di tích như một góc của làng Hòa An xưa - nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc sống, hoạt động, an nghỉ vĩnh hằng cũng sẽ được khai thác lưu trú cho khách. Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp cho biết: 9 ngôi nhà này trước chỉ mang tính trưng bày, khi đưa vào khai thác lưu trú, làng Hòa An thêm sống động. Khách tham quan tới, sẽ không chỉ tìm hiểu cuộc đời cụ Phó bảng, mà còn trải nghiệm cách sinh sống của người Nam Bộ…”. Một sự dũng cảm của những người làm du lịch Đồng Tháp!
Hy vọng, kể du khách nghe câu chuyện về cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Hồ Chủ tịch, về làng Hòa An xưa, những người làm du lịch Đồng Tháp sẽ không bỏ qua câu chuyện về nhân vật cũng hết sức kỳ thú - cụ Lê Kim, tên thật là Trần Trọng Khiêm (1821-1866, người làng Xuân Lũng, tỉnh Phú Thọ) - một người yêu nước, là người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ, trước cả nhà ngoại giao Bùi Viện. Cụ Lê Kim 10 năm phiêu dạt, bôn ba hải ngoại, đến Mỹ tham gia tìm vàng ở San Francisco, là ký giả người Việt đầu tiên viết cho báo Mỹ, sau khi trở về quê nhà, 1855 - 1856, cụ tới vùng Đồng Tháp Mười, là người khai hoang, lập ấp, dựng thành Hòa An (lúc đó thuộc tổng An Tịnh, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, nay thuộc TP. Cao Lãnh), được dân suy tôn là Hương cả của làng.
Du khách, với một nhãn quan lịch sử không định kiến, về Đồng Tháp, sẽ biết tới miếu thờ vua Gia Long ở vùng Nước Xoáy (ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò), sẽ tới thăm Nam phương Linh Từ - đền thờ các anh linh có công mở đất Phương Nam ở huyện Lấp Vò, trong đó có cả những người lâu nay bị lãng quên bởi định kiến…
Một nét mới tinh cho du khách, ấy là “Ngôi nhà Hoa Ếch” của vợ chồng anh nông dân Trần Thanh Hùng - điểm du lịch homestay đầu tiên ở làng hoa Tân Quy Đông (làng hoa Sa Đéc) mở cửa đầu tháng 1.2017 đón khách du xuân Tết Đinh Dậu. Cũng đầu tháng 1.2017, chùa Bửu Lâm (chùa Tổ Cái Bèo) - di tích văn hóa lịch sử ra mắt điểm du lịch văn hóa chùa cổ Bửu Lâm. Những món chay của chùa với những tên gọi vừa mỹ miều, vừa dân dã mộc mạc thấm cái tình của người nấu, lần đầu đưa vào thực đơn cho khách, xứng đáng đứng trong bản đồ ẩm thực món ngon chay!
Một điểm mới hết sức “Đồng Tháp”, sắp tới sẽ khiến du khách vô cùng ngạc nhiên, ấy là khu nghỉ dưỡng phức hợp xây trong khu vực tận dụng 220 lò gạch cũ tuổi đời 70 năm tại huyện Châu Thành. Ông Dương Minh Bình - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH tư vấn & phát triển du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Cty Lửa Việt Tours - hai trong số những người được Đồng Tháp mời tham gia tư vấn dự án phát triển du lịch hết sức hào hứng với dự án biến lò gạch thành chỗ ra tiền. Phải nói rằng, dự án độc đáo này có được cũng bởi sự thức thời biết lắng nghe góp ý của lãnh đạo tỉnh, huyện, họ cho dừng ngay việc đập bỏ các lò gạch dễ gây ô nhiễm môi trường. “Việc giữ, cải tạo những lò gạch cũ ở Châu Thành cũng là một cách tôn vinh những người làm gạch xây nhà gần trăm năm nay”, ông Bình nói.
Du xuân ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Â.T

Bảo nhau, cần biết nghe nhau, thuận hòa cùng làm du lịch

Ngày 29 và mùng 3 Tết Đinh Dậu, UBND tỉnh mở cửa trên đường 30.4 cho người dân, du khách vào tham quan chụp ảnh. Từ tháng 1.2017, Đồng Tháp lắp đặt bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch đối với du khách tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh: Làng hoa Sa Đéc, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Xẻo Quýt, khu ramsar Tràm Chim... nhằm nâng cao ý thức của du khách, hình thành các chuẩn mực hành xử đúng đắn trong hành vi, thái độ. Thật dễ chịu khi nhìn thấy những tấm bảng với hình ảnh búp sen cách điệu thành “Bé Sen” trong trang phục thể thao, học sinh, bác sĩ... với những thông điệp “Xin bỏ rác đúng nơi quy định”, “Xin đừng thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng” , “Xin đừng đeo bám, chèo kéo, làm phiền du khách”… Có những động thái thể hiện Đồng Tháp xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng người dân, gần dân, và có những chuyển động tích cực trong cách người xứ sen hồng làm du lịch, bắt đầu từ những “món” nho nhỏ dễ thấy.
Từ chỗ đón 1,6 triệu khách năm 2013 lên 2,5 triệu khách năm 2016 và đứng thứ ba về doanh thu du lịch, đạt 480 tỉ đồng sau Bến Tre và Tiền Giang, Đồng Tháp xếp thứ nhất cụm 6 tỉnh phía đông ĐBSCL về lượng khách du lịch - một trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2016. Tuy vậy, tại hội thảo “Du lịch trách nhiệm - mong muốn và hiện thực” tổ chức ngày 8.1.2017 tại TP. Sa Đéc - thủ phủ hoa kiểng miền Tây Nam Bộ, một cách khiêm tốn, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết: Đồng Tháp là tỉnh còn yếu so với tiềm năng, chỉ đứng thứ 7/13 tỉnh, thành toàn ĐBSCL. Xác định du lịch là mũi nhọn song hành nông nghiệp, Đồng Tháp hơn 1 năm qua triển khai đề án đẩy mạnh hoạt động du lịch, biến chuyển tích cực về thương mại - dịch vụ, tôn tạo các điểm đến, tạo được nhiều điểm nhấn thú vị, tôi hướng tới một nền du lịch có trách nhiệm, bền vững.
Cũng tại hội thảo này, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khiến cử tọa... ngạc nhiên thú vị khi dùng cụm từ với 4 chữ “tự” nói về du lịch: “Chúng tôi làm du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế. Làm du lịch, chúng tôi theo hướng: Bỏ tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin, tăng tự hào”.
Thực tế, thành công của việc tổ chức thực hiện các công đoạn của đề án phát triển du lịch mới kiểm chứng, minh chứng cho sự cầu thị, sự thay đổi nhận thức về du lịch, quyết tâm làm du lịch của người Đồng Tháp! Vừa khéo, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết chọn năm 2017 là Năm quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững, gắn với ba trụ cột chính là kinh tế, xã hội, môi trường.
Chúng tôi rời Đồng Tháp sau chuyến du khảo đầu xuân, mang theo vẻ thân thiện, thuần hậu của người Đồng Tháp, nhất là những nụ cười trên những khuôn mặt tươi sáng của những đứa trẻ cồn Phú Mỹ.
Du lịch Đồng Tháp qua năm mới bộn bề nhiều việc phải làm. Hy vọng, người Đồng Tháp làm du lịch không “đẽo cày giữa đường”, không thực hiện các dự án theo lối rải mành mành, bình tĩnh làm du lịch một cách có hiểu biết và thẩm mỹ; còn các nhà tư vấn phát triển du lịch, nhà đầu tư vào du lịch Đồng Tháp là những người thực tâm, có hiểu biết về văn hóa, muốn làm điều tốt, và trên hết, làm du lịch - là câu chuyện của chính người dân, cùng bàn với họ, để không tham vặt, chụp giựt khi làm du lịch. Bởi nghĩ cho cùng, con người mới là vốn quý nhất, cơ bản nhất cho một cuộc “cách mạng du lịch” ở xứ sen hồng…
 Tôi được biết: “Đồng Tháp sẽ tiên phong trong đột phá du lịch trách nhiệm để thực hiện khát vọng trở thành “Thủ phủ du lịch miền Tây” trong 10 năm tới”. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông thấy rằng Đồng Tháp có những điều kiện, trước hết phải nói là cơ bản nào để có thể đặt ra mục tiêu lớn lao như vậy? Để đạt được mục đích của mình, nếu nhìn trong mối tương quan giữa Đồng Tháp với các tỉnh khác của ĐBSCL, trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, có thể nói, Đồng Tháp đi sau, thế thì Đồng Tháp sẽ chọn các bước đi, mô hình nào?
- Tất nhiên, mỗi địa phương có một thế mạnh khác nhau. Chúng tôi thấy rằng mình không tự cao, cũng chẳng tự ti, mà tự tin vào cách làm của mình - phát triển mạnh du lịch cộng đồng. Chúng tôi nghĩ rằng, du lịch - đó không chỉ là những nơi, những cách làm như là Bà Nà Hill, hay những khu nghỉ dưỡng (resort) đắt tiền, mà có những nơi là những khu du lịch dựa vào thiên nhiên và chăm chút vào đó với tất cả tấm chân tình của mình, đó là tạo ra sự khác biệt rồi.
Tất nhiên, trước khi chuẩn bị triển khai đề án đưa Đồng Tháp trở thành thủ phủ du lịch miền Tây trong 10 năm tới, chúng tôi đã đi rất nhiều nơi, khảo sát cũng nhiều, để thấy cái gì mình tương đồng với người ta, cái gì chỉ mình mới có, cái gì cũng dựa trên sự tương đồng, mình sẽ chuyển thành những “ngã rẽ” như thế nào đó để tạo ra sự khác biệt.
Thực ra du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn… thì các tỉnh khác ở ĐBSCL đã làm trước Đồng Tháp nhiều năm nay rồi, nhưng nói thiệt tình, chúng tôi có cảm giác cách làm đó vẫn chưa đi sâu vào trải nghiệm hồn văn hóa, và đã có nhiều những sự lặp lại, như đi thăm thì cũng xuống xuồng, chạy tới vườn cây trái, văn nghệ thì cũng đờn ca tài tử, ẩm thực thì cũng cá lóc nướng trui… Thế nên, chúng tôi càng phải cố gắng tạo ra sự khác biệt…
 Trong tính toán của Đồng Tháp cho việc phát triển du lịch 10-15 năm nữa, các ông có nhớ tính đến hai yếu tố cơ bản - thiên tai và nhân tai có thể ảnh hưởng tới dự án to lớn của mình?
- Chúng tôi cũng đang làm đề án liên kết với ba tỉnh trong không gian Đồng Tháp Mười là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, đó là một hệ sinh thái đất ngập nước và chắc chắn vùng này sẽ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của dòng chảy sông Mê Kông… Chúng tôi nghĩ rằng, nếu khai thác được tất cả những điều mà khách du lịch tới coi con người Đồng Tháp Mười sống và thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào, sản xuất trong điều kiện này như thế nào… - thì tất cả những điều này, cũng có thể coi như là tài nguyên du lịch rồi.
 “Thuần khiết như sen” là slogan hiện thời của du lịch Đồng Tháp. Là người Đồng Tháp, ông thấy slogan đúng, hợp với du lịch Đồng Tháp không?
- Câu này không chỉ dùng trong lĩnh vực du lịch đâu, chúng tôi đang muốn xây dựng hình ảnh của địa phương, thì cũng dựa trên bản chất con người. Tất nhiên, nói đến yếu tố con người, thì không dễ đâu, còn là câu chuyện thế hệ nối tiếp thế hệ, chúng tôi nghĩ là đó là định hướng cho thế hệ sau, nếu chúng ta bắt đầu từ bây giờ.
- Xin cảm ơn ông.
Lâm Tuyền
TIN LIÊN QUAN

Cuộc chiến sống còn giữa chồn Mongoose với rắn độc dài nhất châu Phi

Bình Minh |

Hình ảnh về cuộc quyết chiến giữa chồn Mongoose với loài rắn độc dài nhất châu Phi được một hướng dẫn viên tại Công viên quốc gia Kruger (Nam Phi) ghi lại.

Novaland muốn hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản: Cẩn thận dao hai lưỡi

Đức Mạnh |

Một số doanh nghiệp hiện nay đã đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng cổ phần hoặc sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên giải pháp "hàng đổi hàng" này lại được các chuyên gia cho rằng rất cần lưu ý.

Bế tắc tìm việc làm

LƯƠNG HẠNH |

Đã hơn 1 tháng sau Tết Nguyên đán, chị Thắm vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Rơi vào bế tắc, thậm chí, chị đã nảy sinh ý định xuất khẩu lao động để thoát cảnh thất nghiệp.

Chính thức thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 10 tỉnh

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành các nghị quyết về việc thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10: Phụ huynh thở phào nhẹ nhõm

KHÁNH AN |

Nhiều phụ huynh cho biết cảm thấy bớt áp lực sau khi đọc được thông tin Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10.

Kiến nghị tạm thời chốt bảo hiểm xã hội để giải quyết quyền lợi của người lao động

HÀ ANH CHIẾN |

Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn phổ biến. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục tháng với số tiền hàng chục tỉ đồng, nhưng tìm cách né tránh, trây ỳ không đóng khiến người lao động (NLĐ) phải gánh chịu hậu quả… Theo ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - khi NLĐ đóng BHXH đến thời điểm nào thì cơ quan BHXH tạm thời chốt BHXH cho NLĐ đến thời điểm đó để giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ.

Dân chịu khổ vì tuyến đường thiếu vốn, nhiều hạng mục đình trệ

PHẠM ĐÔNG - VĨNH HOÀNG |

Hà Nội - Gần 3 năm triển khai, dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy vẫn chậm tiến độ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Khởi tố, bắt giam kẻ dùng tuýp sắt dài hơn một mét đánh shipper gãy 2 tay

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Chỉ vì phí ship 30.000 đồng dẫn đến tranh cãi mà một cặp vợ chồng ở Quảng Ngãi đã dùng tuýp sắt, ghế inox đánh một nam shipper gãy 2 tay.

Cuộc chiến sống còn giữa chồn Mongoose với rắn độc dài nhất châu Phi

Bình Minh |

Hình ảnh về cuộc quyết chiến giữa chồn Mongoose với loài rắn độc dài nhất châu Phi được một hướng dẫn viên tại Công viên quốc gia Kruger (Nam Phi) ghi lại.