Bánh chưng, món bánh đặc trưng của ngày Tết cổ truyền, ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có cách làm khác nhau nhưng cùng chung ý nghĩa để dâng đất trời, cúng tổ tiên và cầu mong cho năm mới no đủ.




Bánh được làm từ gạo nếp cẩm do bà con người Thái trồng trên nương, hạt nếp cẩm dài, mảnh, có màu tím sậm, mùi hơi hắc. Gạo được ngâm trước khi làm bánh khoảng nửa ngày và nhiều nhà trộn nếp cẩm, nếp trắng theo tỷ lệ nhất định. Nhân bánh là đỗ xanh tách vỏ, thịt lợn đen ướp qua gia vị.
Chiếc bánh chưng chín dền, vỏ bánh chuyển sang màu tím, bánh thuần gạo nếp cẩm thì màu càng đậm, thành tím đen. Nhìn miếng bánh, đỗ và thịt lợn tạo thành những vệt màu hấp dẫn.
Nếm miếng bánh, vỏ bánh dẻo quánh, mềm tan trong miệng. Vị thanh mát đượm ngọt của hạt nếp cẩm, tạo cảm giác khoan khoái. Xen vị bùi của đỗ xanh, vị đậm của thịt lợn, hương vị hòa quện ngon mát. vị thanh lạ miệng nên ăn no bụng mà không lo bị nóng như bánh chưng dưới xuôi.

Theo bà con người Thái, bánh chưng nếp cẩm còn rất tốt cho sức khỏe, nhất là người bệnh tim, dễ tiêu hóa và làm ấm bụng. Vì thế, bánh chưng nếp cẩm là thứ quà lạ miệng, ngọt thơm cho du khách khắp miền đất nước.