Bài thi viết "Việt Nam - vẻ đẹp bất tận": “Đại siêu thị” mở giữa thiên nhiên

ĐỨC HẠNH |

Sẽ thật phi lý khi nói lên núi để đi “siêu thị”. Thế nhưng, khi lạc vào giữa những khu chợ phiên ngập tràn sắc màu rực rỡ của hàng hóa, thực phẩm, trang phục xúng xính…, giữa một vùng núi non xanh biếc mây trắng vờn quanh, sẽ không còn nghi ngờ mình đang lạc bước vào 1 “đại siêu thị” mở giữa thiên nhiên.

Nếu chợ phiên Bắc Hà nổi tiếng với những dãy rượu ngô thơm nồng hay hội đua ngựa sôi động giữa không gian đang được đô thị hóa, thì những khu chợ nằm ẩn giữa núi rừng như Lũng Phình, Cán Cấu hay Simacai lại mang đến những trải nghiệm không thể nào quên cho du khách vào mỗi cuối tuần.

Họ đi chợ mà như đi trảy hội

Chúng tôi quyết định theo con đường nhựa ngoằn nghèo theo triền núi lên đỉnh Simacai. Đường đi khá tốt, cảnh sắc núi rừng trùng điệp dưới làn mưa bụi và mây bay mờ mịt. Vượt qua tấm biển lớn mang dòng chữ “Simacai kính chào quý khách”, tôi chợt giật mình trước vẻ đẹp rực rỡ của khu chợ ven đường.

Hiện ra trước mắt, chợ Cán Cấu giống như 1 khu vườn địa đàng giữa 1 vùng đồi núi trập trùng xanh thăm thẳm xen lẫn mây trắng bồng bềnh, nơi những chú bướm muôn màu thong dong bay lượn.

Chợ nằm trong 1 thung lũng nhỏ bao quanh bởi đồi núi. Thung lũng được chia thành 5 bậc chính và bày bán các loại nông sản khác nhau. Ở đó có những lán, chòi do người Mông, người Dao, Nùng, Giáy... quanh vùng dựng lên để họp chợ vào mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần.

Ven đường trước cửa chợ là nơi tập trung những bó mía cây tim tím, buồng chuối chín vàng, những bó cải Mèo to đùng xanh mát mắt, những xâu ớt khô, ớt bột nâu đỏ hay những khay bánh bột bang, bột dong thơm mát. Nhưng món đắt khách nhất vẫn là kem đá - thứ kem nhàn nhạt, vô vị lại được tất thảy người già tới con nít đón nhận một cách hào hứng.

Núi rừng Tây Bắc thật lạ, và cách họp chợ của người dân tộc nơi đây càng lạ hơn. Họ đi chợ mà như đi trảy hội. Suốt dọc đường từ Bắc Hà lên Lũng Phìn, Cán Cấu rồi Simacai, tuần nào cũng có những buổi chợ họp cuối tuần, mà chợ nào cũng đông, cũng vui tấp nập. Các cô gái luôn diện những bộ váy áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất. Các bà, các chị, người gùi dăm mớ rau, người mang vài xâu ớt khô, người cắp nách con lợn, con gà hay vài ba chiếc chổi đót, cuốc, xẻng,… Đàn ông thì người dắt ngựa, kẻ xách lồng chim cùng ra chợ vui vẻ giao lưu.

Thú chơi chim của các anh chàng người Mông quả đáng nể. Ngoài công việc đồng áng, họ lại chăm chút cẩn thận chú chim họa mi nhỏ để mỗi độ chợ phiên lại mang ra chợ thi thố tiếng hót với nhau. Sau mỗi trận chọi chim, họ lại sà vào khu hàng ăn với đầy ắp thịt gà, thịt lợn luộc hay thắng cố và những bát tô rượu ngô được rót tràn để rồi cuối buổi chợ say túy lúy, ra về hoặc ngủ gục ven đường hay một góc quán bên chợ.

Âm thầm thỏa thuận với nhau bằng ánh mắt, nụ cười

Nếu quán hàng ăn là nơi cánh đàn ông tụ tập, thì khu mua sắm giữa chợ lại hút các bà, các cô. Ngay giữa chợ, hàng chồng, hàng thếp váy, áo, vải vóc, chỉ thêu... được bày la liệt trên các giá tre, dưới mặt đất trải nilong hay treo trên các mỏm đá. Váy áo ở đây vô cùng phong phú và rẻ hơn hẳn ở chợ Bắc Hà.

Điều thú vị nhất là bạn có thể mua sắm với giá địa phương, dù là khách du lịch. Một chiếc váy Mông hoa thêu tay cầu kỳ ở đây được bán với giá 2 triệu đồng, trong khi bạn phải trả tới 5 - 7 triệu đồng nếu ở Sapa. Có lẽ, bởi vậy mà du khách nước ngoài cũng nô nức hòa vào dòng người tập nập, đầy màu sắc của khu chợ để mua sắm và chụp hình.

Qua khỏi khu bán vải và đồ thêu may hấp dẫn, tôi lạc vào khu nông cụ. Không kém phần đông đúc, các bà, các ông đang chăm chú chọn những chiếc bừa, chiếc cuốc hay chiếc chảo tốt nhất cho gia đình.

Khu này còn có vô vàn các vật dụng làm đẹp dành cho thiếu nữ như cặp tóc, ruy băng, gương lược... Đây đó xen lẫn giữa các gian hàng là các bà, các chị luôn tay bên chiếc gùi xôi ngũ sắc tỏa khói thơm nghi ngút. Những gùi xôi xanh, xôi đỏ, xôi tím, xôi vàng và xôi trắng đều được nấu từ thứ nếp nương mềm dẻo, nhuộm màu bằng các loại củ, quả, lá, rễ cây do những người phụ nữ trồng trên nương hay hái trong rừng. Đó là những loại thảo mộc gia truyền hàng ngàn đời nay của người dân tộc nơi đây.

Bước qua khu nông cụ chính là khu bán rượu. Không cần nếm, chỉ cần ngửi và nhìn những khuôn mặt đỏ phừng phừng của cả người bán lẫn người mua cũng đủ hiểu độ nặng của món rượu ngô trứ danh của người Mông.

Đi tiếp xuống đáy thung lũng là khu mua bán gia súc, gia cầm. Không sầm uất như phía trên nhưng ở đây, người ta bán đủ loại từ chim chóc, gà vịt, lợn cắp nách, chó con, mèo con tới trâu, bò đủ loại. Không còn tiếng rủ rỉ mà thay vào đó là tiếng bò trâu ò ò, lợn ủn ỉn, gà gáy... và tiếng các lái trâu từ miền xuôi lên lùa gia súc lên những chiếc xe tải lớn đỗ quanh chợ.

Mặc dù khá đông nhưng khác xa các khu chợ thành phố, chợ vùng cao không thấy tiếng mời chào, kéo khách, cũng không có tiếng mặc cả hay cãi cọ ồn ào. Dường như, người bán và người mua ở đây luôn âm thầm thỏa thuận với nhau bằng ánh mắt, nụ cười hay cái lắc đầu nhẹ. Khu chợ tĩnh lặng và thanh bình đến độ tôi có thể nghe thấy tiếng chim họa mi hót véo von ở góc xa tít phía đầu chợ.

Dạo 1 vòng quanh chợ Cán Cấu mới thấy khu chợ vùng cao này không hề nhỏ chút nào. Giống như “đại siêu thị” sầm uất giữa 1 vùng thiên nhiên hoang sơ, chợ Cán Cẩu là nơi du khách có thể tìm mua bất cứ sản vật đặc trưng nào của vùng cao Simacai một cách dễ dàng và đơn giản nhất.

Mặc cho mưa phùn giăng lối, gió lạnh thổi ào ào và mây trắng chốc chốc tràn kín khu chợ, đoàn người vẫn xúng xính, tấp nập đi tới, đi lui. Tất cả hòa vào nhau, tạo nên 1 rừng hoa muôn sắc giữa cái lạnh lẽo của núi rừng Tây Bắc.

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

ĐỨC HẠNH
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.