Xóm “tiều phu” giữa Sài Gòn

Trường Sơn |

Họ gồm khoảng chục người, đa phần đều đã cao tuổi cư ngụ trong các xóm nhỏ thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Do tuổi đã cao, trình độ thấp, không xin được việc nên họ chấp nhận vào bãi rác của Cty Công viên cây xanh thu gom cành cây để kiếm kế sinh nhai.

Cả nhà mưu sinh bằng củi ở bãi rác

Một ngày giữa tháng Ba, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về bãi rác này để mục sở thị cảnh các “tiều phu” kiếm củi. Trong chiếc lán được dựng lên bằng mấy thân cây khẳng khiu, bên trên lợp một tấm bạt mỏng, các “tiều phu” thời hiện đại đang nằm nghỉ trưa trên những chiếc võng. Tiếp chuyện chúng tôi là ông Nguyễn Văn Tới, 54 tuổi. Không giấu được vẻ mệt mỏi, ông nói mấy hôm nay trời nắng quá, xe chở rác cũng chưa về bãi nên vô lán nghỉ tạm, tranh thủ uống miếng nước. Ngồi cạnh ông là bà Võ Thị Châu- 51 tuổi - vợ của ông. Bên ngoài lán, một thanh niên khoảng 30 đang dùng dao chặt những khúc củi nhỏ rồi cẩn thận xếp thành một đống dài, ngay ngắn. Ông Tới nói đó là người con rể của mình tên Nguyễn Đức Huy. Lúc này, nhiệt độ ngoài trời khoảng 39 độ, mùi hôi từ mấy đống rác bên ngoài nghĩa trang xộc vào. Thấy chúng tôi khó chịu, ông Tới cười rồi nói ai đến đây cũng vậy nhưng ông và mọi người ở đây quen rồi nên thấy bình thường.

Trò chuyện với chúng tôi một lúc thì gần chục con người bật dậy, chạy vội ra bãi đất trống – nơi những chiếc ô tô sẽ đổ xuống đủ loại cành lá cây thu gom từ khắp Sài Gòn. Khi 3 chiếc xe tải cỡ lớn vừa quay đầu thì những “tiều phu” này đã tập trung ở phía sau. Sau mấy thao tác của anh tài xế, hàng tấn cành cây được đổ xuống bãi. Lúc này, ai cũng tranh thủ nhặt cho mình những cành cây to rồi tỉa dần để lấy củi. Thi thoảng có mấy cành lớn, hai ba người xúm lại, kéo ra. Cứ thế, những thân cây to nhỏ mau chóng được phân loại, chặt gọn. Chừng 30 phút sau, những bãi cây phế thải này đã được dọn sạch và những đống củi lại được chất cao thêm một đoạn.

Tâm sự về cái nghề của mình, bà Châu nói suốt 6 năm nay, cả gia đình ngày nào cũng ra đây để mót củi. Bà kể, không riêng gì gia đình mà ở đây ai cũng phải dậy từ 5 giờ sáng để ra đây chờ xe về, làm mãi đến 4-5 giờ chiều mới xong. Mùa nắng thì còng lưng mót củi dưới cái nắng bụi mịt mù, trời mưa thì phải đánh vật với sinh lầy. Ngày nào xe chở về nhiều củi thì ai cũng mừng nhưng cũng có nhiều hôm chỉ có cành nhỏ và lá. Tuy không thu được gì nhưng ai cũng có ý thức phải phụ mấy bác tài xế tháo bửng, quét dọn, có vậy mấy chú ấy mới thương.

Tiếp lời vợ, ông Tới nói rằng do tuổi đã cao, sức yếu lại không được học hành tới nơi tới chốn nên phải chọn cái nghề bấp bênh này để kiếm sống. Cách đây một thời gian, thấy người con rể đang rảnh sau khi bỏ nghề làm cửa sắt, ông nói ra phụ cùng. Thương cha mẹ vợ vất vả, anh Huy đồng ý. Từ đó, đạo quân “tiều phu” nơi đây thêm một thành viên mới. 

Dù đã gần 76 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Ra vẫn ngày ngày mót củi. Ảnh: Trường Sơn
Dù đã gần 76 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Ra vẫn ngày ngày mót củi. Ảnh: Trường Sơn

Nghĩa tình nơi xóm “tiều phu”

Dù vất vả mưu sinh là thế nhưng do đặt cái nghĩa, cái tình lên trên hết nên nơi đây luôn đầy ắp tiếng cười. Theo bà Châu thì tuy ai cũng đều kiếm củi từ những xe rác nhưng tuyệt nhiên không có cảnh tranh giành. Khi thấy đã có “đồng nghiệp” cầm vào thân cây nào rồi thì người khác tự động đi tìm cây khác để nhặt. Mỗi khi trong xóm có ai bị đau ốm hay sự cố gì thì mọi người đều thăm hỏi, giúp đỡ. Có lẽ vì thế mà họ gắn bó với nhau rất lâu và xem nhau nhưng những người trong nhà. Cùng suy nghĩ với vợ, ông Tới nói, tuy là người đến với bãi rác này sau cùng nhưng sau 6 năm trời kiếm cơm ở đây, ông chưa hề thấy ai tiếng nặng tiếng nhẹ với nhau. “Mình cực khổ, người ta cũng cực khổ nên mới chọn cái nghề mót củi này sinh sống nên cứ nhường nhau một tí thì sẽ hòa thuận, gắn kết với nhau thôi” – ông Tới thổ lộ.

Chỉ tay về phía một cụ bà đang kéo một cành me to vào đống củi của mình, bà Châu nói đó là bà Hai – tên thân mật mà các “đồng nghiệp” đặt cho bà Nguyễn Thị Ra (76 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh). “Bà ấy tuy đã gần 80 tuổi nhưng nhanh nhẹn lắm. Mỗi khi xe về, bà luôn là người nhặt được nhiều củi nhất. Số củi kiếm được bà để khô rồi mang về nhà chụm, nếu ai mua thì bán để kiếm tí tiền tiêu vặt” – bà Châu kể. Tiếp cận với cụ Ra, chúng tôi hỏi cụ lôi cành cây lớn như vậy có thấy mệt không thì cụ cười, lắc đầu nói không mệt. Một tay giữ cành cây, một tay dùng dao tỉa mấy cành nhỏ, cụ Ra nói mình không ở nhà được, phải ra đây mới thấy khỏe. “Tui ở gần đây, ông chồng sau mấy chục năm đi cắt cỏ đã mệt rồi, giờ còn tui là có thể đi kiếm củi. Mấy đứa con nói ở nhà cho khỏe nhưng tui thấy có khỏe gì đâu? Ra đây mót củi kiếm tiền ăn trầu vui một, nói chuyện với mấy đứa thì vui mười” – cụ Ra vừa nói vừa chóp chép miếng trầu trong miệng.

Gia đình bà Võ Thị Châu đang nhặt những cành cây trên bãi rác. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Gia đình bà Võ Thị Châu đang nhặt những cành cây trên bãi rác. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Nói đến những người đã từng làm “tiều phu” nơi đây, ai cũng nhớ đến cậu thanh niên tên Phan Văn Lời. Cách đây mấy năm, vì thương bố bị bệnh, mẹ vất vả bán vé số nên Lời vô đây mót củi kiếm tiền vừa đi học, vừa phụ gia đình. Thấy thằng nhỏ sáng láng, học giỏi lại có hiếu với gia đình nên ai cũng thương. Có dạo thương lái vào mua củi, mọi người nói mua của nó sớm để nó có tiền đi học, phần mình tính sau. Bây giờ dù đã không còn làm “tiều phu” nữa nhưng mỗi khi rảnh, Lời lại vô đây chơi với các cô chú, thấy có củi thì nhảy vô phụ. “Nó dễ thương nên ai cũng quý. Thấy nó bỏ học giữa chừng vì nghèo quá, ai cũng xót cả. Trước Tết nó vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về nhà là chạy ra chơi với mấy cô chú liền khiến ai cũng xúc động” – bà Châu kể.

Chúng tôi tạm biệt xóm “tiều phu” sau khi ánh mặt trời cũng vừa nhá nhem. Sau làn bụi mờ mịt và mùi hăng hắt của đám khói len lỏi lên từ đống rác cháy dở, những “tiều phu” lại í ới tạm biệt nhau sau một ngày mưu sinh vất vả. Sau lưng họ lúc này không chỉ là những đống củi chất ngay ngắn để chờ người đến mua mà còn cả những nỗi lo toan cho một cái nghề mưu sinh có phần lạ đời trong thời buổi ngày nay giữa chốn Sài Gòn hoa lệ.

Trường Sơn
TIN LIÊN QUAN

Cận cảnh vườn cam cho lãi gần 1 tỷ đồng/năm của nông dân Hòa Bình

Đăng Khoa |

Nhiều năm nay, anh Bùi Văn Niết ở xóm Muôn, xã Kim Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) cần cù chăm sóc hơn 2ha cam Canh và cam V2. Cũng như nhiều nông dân khác, anh Niết cho thương lái đến thu mua tại vườn và mỗi năm gia đình anh lãi gần 1 tỷ đồng.

Tình người ấm nồng ở “xóm chạy thận”

Phố Nhơn |

“Xóm chạy thận” là tên gọi của nhiều người dành cho những bệnh nhân chạy thận và người nhà đang lưu trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Từ tứ xứ, những người chạy thận quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau như chòm xóm láng giềng ở quê. Ở nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh, tình người lại thêm bền chặt, ấm nồng…

Tang thương nơi xóm nghèo của 8 nạn nhân xấu số vụ chìm tàu

Hoài Thu |

Con đường vào xã nghèo Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chìm trong không khí đau thương, tang tóc khi cùng một lúc có tới 6 đám tang trong vụ chìm tàu vừa qua.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Cận cảnh vườn cam cho lãi gần 1 tỷ đồng/năm của nông dân Hòa Bình

Đăng Khoa |

Nhiều năm nay, anh Bùi Văn Niết ở xóm Muôn, xã Kim Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) cần cù chăm sóc hơn 2ha cam Canh và cam V2. Cũng như nhiều nông dân khác, anh Niết cho thương lái đến thu mua tại vườn và mỗi năm gia đình anh lãi gần 1 tỷ đồng.

Tình người ấm nồng ở “xóm chạy thận”

Phố Nhơn |

“Xóm chạy thận” là tên gọi của nhiều người dành cho những bệnh nhân chạy thận và người nhà đang lưu trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Từ tứ xứ, những người chạy thận quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau như chòm xóm láng giềng ở quê. Ở nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh, tình người lại thêm bền chặt, ấm nồng…

Tang thương nơi xóm nghèo của 8 nạn nhân xấu số vụ chìm tàu

Hoài Thu |

Con đường vào xã nghèo Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chìm trong không khí đau thương, tang tóc khi cùng một lúc có tới 6 đám tang trong vụ chìm tàu vừa qua.