Về thăm “Việt Bắc miền Nam”

Nguyễn Phấn Đấu |

Ngay trong ngày lễ Độc lập 2.9.1945 ở Sài Gòn, thực dân Pháp đã gây hấn, lộ rõ dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Không cam chịu làm nô lệ, nhân dân Nam bộ đã đứng lên làm cuộc kháng chiến mùa thu, mở đầu 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vùng Đồng Tháp mười (ĐTM) heo hút, hoang vu được chọn làm “thủ đô kháng chiến” của Nam bộ. Trong bài thơ “Ta đi tới”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp – Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp”…

“Thủ đô kháng chiến” của Nam bộ

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng khốc liệt, giữa năm 1946 Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam bộ (UBHCKCNB) chuyển về vùng ĐTM, đóng trên 2 bờ kênh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Ngoài Xứ ủy Nam bộ và UBHCKCNB, hầu hết các cơ quan kháng chiến cũng dời về đây, như: Sở Công an Nam bộ, Sở Thông tin Nam bộ, Sở Y tế Nam bộ, Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ, Khu bộ Khu 8.... ĐTM trở thành “thủ đô” kháng chiến, “Việt Bắc” của miền Nam. Các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Nguyễn Đức Thuận,… từng sống và làm việc tại đây. Trung tướng Nguyễn Bình theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chiến khu Đông Triều – Hải Phòng vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang kháng Pháp cũng đặt bản doanh tại đây.

Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, như: Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ; Đài phát thanh Nam bộ phát buổi đầu tiên; tờ giấy bạc Cụ Hồ được in để phục vụ kháng chiến; bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng ra đời;… Nhiều chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307 gắn liền với vùng đất này. Đặc biệt, Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn đã sống, làm việc nơi đây, tại nhà ông Nguyễn Văn Siêu và nhà má Tám ở xã Nhơn Hòa Lập, để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Các cơ quan Nam bộ và Khu 8 được nhân dân nhường nhà ở, nhường nền nhà để cất cơ quan. Nhân dân đã cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm bộ lư, mâm thau, nồi đồng ủng hộ cho binh công xưởng sản xuất vũ khí… Vùng ĐTM đã chứng kiến nhiều cuộc “so găng” nảy lửa giữa lực lượng kháng chiến và quân Pháp xâm lược. 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ ba từ trái sang) cắt băng khánh thành Khu di tích Căn cứ Xử ủy và UBHCKC Nam bộ.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ ba từ trái sang) cắt băng khánh thành Khu di tích Căn cứ Xử ủy và UBHCKC Nam bộ.

“Cánh đồng hoang” ngày nay

ĐTM là khu vực trũng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rộng khoảng 600 ngàn hecta thuộc 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, tiếp giáp với biên giới Campuchia. Cho đến năm 1975, ĐTM vẫn là “cánh đồng hoang” bị chia cắt với bên ngoài như cái thời nơi đây được chọn làm “thủ đô kháng chiến” của Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp. Tân Thạnh là huyện trũng nhất, đặc trưng nhất của vùng ĐTM, sau ngày miền Nam giải phóng nơi đây chỉ sống nổi cây tràm và “lúa ma – lúa nước” (một loại lúa thiên nhiên, sống theo nước lũ, năng suất rất thấp), dân cư thưa thớt, nghèo khó. Mỗi năm vùng ĐTM nói chung, huyện Tân Thạnh nói riêng bị ngập sâu gần 6 tháng trong nước lũ, người dân chỉ biết sống bằng nghề giăng lưới, câu cá. Từ bên ngoài muốn vào Tân Thạnh phải “lụy” đường sông vì chưa có đường bộ. Khoảng cách từ TP.Tân An đến Tân Thạnh chỉ hơn 40km, nhưng khách phải ngồi đò dọc theo sông Vàm Cỏ Tây mất hơn nửa ngày.

Đầu thập niên 1980, tỉnh Long An ra quân “tiến công, khai phá vùng ĐTM”, Đồng Tháp, Tiền Giang cũng thực hiện tương tự. Chỉ bằng sức người và phương tiện thô sơ, hàng ngàn km đường giao thông đã được đắp lên giúp ĐTM thông thương với bên ngoài; hàng ngàn km kênh mương tưới tiêu được đào giúp thoát lũ, rửa phèn. Người dân khắp cả nước đã được mời gọi đến ĐTM xây dựng “kinh tế mới”… Từ một vùng đất hoang vu, sau 20 năm, ĐTM đã trở thành vựa lúa của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới.

Mùa lũ năm nay nếu có dịp đi ngang Tân Thạnh, bạn sẽ thấy cảnh đông người hai bên đường, nhưng không phải “chạy lũ” như xưa, mà là mua bán sầm uất. Từ khi có tuyến đường N2 xuyên ĐTM, xe cộ qua đây ngày càng nhiều, là cơ hội để người nông dân Tân Thạnh bán nông sản, mở dịch vụ ăn uống,… Thị trấn Tân Thạnh đã khang trang, bề thế, cải tạo tươm tất. Khu dân cư thị trấn được quy hoạch hiện đại, xây dựng hoàn chỉnh không thua kém các khu dân cư thành phố. Hai bờ kênh Dương Văn Dương giờ là đường nhựa và bờ kè thẳng tắp. Tỉnh lộ 829 cặp bên kênh được nhựa hóa rộng thênh thang chạy thẳng vào xã Nhơn Hòa Lập nơi đặt “thủ đô kháng chiến” một thời.

Khu di tích giữa vùng lúa chất lượng cao

Không chỉ là “vựa lúa” bình thường, Tân Thạnh đang nổi lên như là “vựa lúa chất lượng cao (CLC)” khi nơi đây được chọn là huyện điểm để tỉnh Long An quy hoạch xây dựng 50.000ha vùng lúa CLC cho xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) xác định xây dựng vùng lúa CLC là chương trình đột phá của huyện. Nhơn Hòa Lập là 1 trong 5 xã được chọn xây dựng vùng lúa CLC của huyện Tân Thạnh với diện tích 11.122ha, trong đó, 4.504ha lúa ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đồng thời, huyện xây dựng 10 trạm bơm điện phục vụ gần 4.000ha. Nhiều mô hình sản xuất hiện đại đã được xây dựng, như: Mô hình sinh thái trong sản xuất, số lượng giống sử dụng giảm xuống còn 80kg/ha; san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; xây dựng 5 tổ nhân lúa giống với diện tích 85ha;...

Đến nay, các xã trong vùng quy hoạch lúa CLC có gần 90% nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận và không sử dụng giống lúa thông dụng để sản xuất. Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập – ông Lê Phước Vẹn - cho biết: Với mục tiêu xây dựng vùng lúa CLC gắn với ứng dụng CNC, chính quyền xã đã vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương thủy lợi, xây dựng đê bao khép kín kết hợp làm đường giao thông liên hoàn trong từng khu vực trạm bơm, cánh đồng lớn; khuyến khích, mời gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm bơm điện, cơ sở chế biến, thu mua nông sản, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh – ông Mai Văn On - cho biết: Theo kế hoạch, mỗi xã quy hoạch vùng lúa CLC và ứng dụng CNC có ít nhất 1 HTX và 5-10 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; 100% diện tích lúa CLC và ứng dụng CNC có trạm bơm điện phục vụ; giảm 20-30% lượng giống gieo sạ so với cách truyền thống; giảm thất thoát trước và sau thu hoạch xuống dưới 10%. Toàn huyện hiện có 5 HTX hoạt động khá hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Ngoài sản xuất lúa, HTX còn mở nhiều dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ lúa do các thành viên sản xuất, dịch vụ thu hoạch lúa,...

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh – ông Trần Văn Trước – cho biết, xây dựng vùng lúa CLC, ứng dụng CNC là nhiệm vụ mới mẻ, nhưng là xu thế tất yếu phải hướng đến. Để vùng lúa CLC và ứng dụng CNC triển khai và đi vào cuộc sống, cần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua công tác tuyên truyền. Huyện ưu tiên nguồn kinh phí bố trí triển khai các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, từng bước quy hoạch và hoàn thiện mô hình trồng lúa CLC, ứng dụng CNC. Huyện Tân Thạnh có vinh dự là nơi đặt “thủ đô kháng chiến” của Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, cũng là huyện đi đầu trong khai phá vùng ĐTM trở thành vựa lúa của cả nước; nay huyện Tân Thạnh quyết tâm vươn lên giàu đẹp bằng lúa CLC, ứng dụng CNC!

Cách đây 1 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, tỉnh Long An đã tổ chức khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKCNB tại xã Nhơn Hòa Lập. Trước đó, Khu di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 3.8.2007. Khu di tích nằm bên dòng kênh Dương Văn Dương huyền thoại. Dòng kênh vốn có tên La-Gơ-Răng, sau khi vị thủ lĩnh xuất thân từ phong trào Bình Xuyên hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy phong Dương Văn Dương hàm thiếu tướng và lấy tên ông đặt cho con kênh này. Dòng kênh là tuyến giao thông thủy quan trọng bậc nhất vùng ĐTM, nhờ nó mà tàu thuyền có thể qua lại từ sông Tiền đến sông Vàm Cỏ Tây rất thuận lợi. Dòng kênh cũng góp phần quan trọng tưới tiêu, rửa phèn, góp phần làm cho vùng “địa linh” này trở thành “vựa lúa”, rồi trồng lúa CLC, ứng dụng CNC, đưa vùng ĐTM đi lên ấm no, giàu đẹp!

Nguyễn Phấn Đấu
TIN LIÊN QUAN

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Tổng LĐLĐVN ra Nghị quyết hỗ trợ người lao động mất việc, giảm giờ làm

Hà Anh |

Chiều 16.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã ký Nghị quyết 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.