Lâm Quang Ky – dấu lặng “Lê Lai Kiên Giang”

Lục Tùng |

“Trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước, có rất nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh để cứu chủ tướng của mình, nhưng người được nhân dân ghi nhận và tôn thờ như hình tượng Lê Lai xả thân cứu chủ tướng Lê Lợi thì có lẽ đến nay chỉ duy có ông Lâm Quang Ky (1839-1868) - phó tướng duy nhất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực” - Giám đốc Sở VHTTDL Kiên Giang Diệp Hoàng Du đã hấp dẫn tôi ngay lời mở đầu câu chuyện về “Lê Lai Kiên Giang”.

Tàng thư còn một chút này...

Lâu nay, không chỉ riêng Kiên Giang, mà nhiều người dân vùng ĐBSCL đều biết và kính trọng ông Lâm Quang Ky với tư cách là vị tướng cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838-1868) - còn gọi là ông Nguyễn - lãnh đạo nhân dân đánh Tây, lập nên chiến công hiển hách. Tuy nhiên, khi đề cập đến nhân vật này, ngoài thông tin ngắn gọn là Lâm Quang Ky (1839-1868) và là phụ tá đắc lực của ông Nguyễn... thì hầu hết các thông tin còn lại đều ở dạng “tam sao, thất bổn” và mang đậm màu sắc huyền thoại. Chỉ riêng thông tin về nơi chôn nhau cắt rốn của ông cũng có đến 2-3 nguồn. Nguồn thì nói ông sinh ra ở ở làng Tà Niên (Vĩnh Hòa Hiệp - huyện Châu Thành – Kiên Giang ngày nay), nhưng cũng có nguồn nói ông sinh ra ở rạch Kim Qui, xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Có thể thời Pháp, nhà cầm quyền không thích lưu truyền về nhân vật đại nghịch này nên ít sách vở ghi chép. Còn ngày nay, có lẽ do những “dư chấn” về con cháu trong dòng tộc mà nhiều cây bút ngại đề cập. Trong khi đó, nhân chứng từ những người thân trong dòng tộc thì lại mù mịt, phần vì tứ tán khắp nơi...

Giám đốc Sở VHTTDL Kiên Giang Diệp Hoàng Du – người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Nam bộ, cho biết, qua các nguồn tài liệu chính thống hiện có được, bước đầu có thể khẳng định ông Lâm Quang Ky là phó tướng duy nhất của ông Nguyễn và có công rất lớn trong việc phụ giúp Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân đánh chiếm và làm chủ đồn Kiên Giang trong nhiều ngày. Cụ thể là sau chiến thắng trên Vàm Nhật Tảo, bị giặc truy kích, ông Nguyễn Trung Trực kéo quân về Rạch Giá. Tại đây, ông Nguyễn kết giao với nhiều nhân sĩ trí thức để gầy dựng lực lượng, trong đó có Lâm Quang Ky – người có nhiều uy tín địa phương.

Trước ngày xuất kích đánh đồn Kiên Giang, ông Nguyễn đưa quân về Tà Niên chuẩn bị. Tại đây ông Nguyễn và ông Ky kết giao và cùng chung tay lo đại cuộc. Ngoài ra, theo ông Du, các tài liệu điền dã còn cho biết, thời gian này, ngoài việc ở thường xuyên nhà ông Ky, ông Nguyễn còn lui tới nhà ông Lê Văn Quyền, tức cụ Cả Quyền - là chồng của chị ruột ông Ky. Điều này cho thấy, không chỉ giác ngộ mà ông Ky còn đưa nhiều người đến với cuộc chiến đấu đánh đuổi Tây do vị anh hùng làng chài đứng đầu, làm nên chiến tích lẫy lừng đến mức nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1882) cảm tác ra câu thơ đi vào lòng người:

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”

(Điếu Nguyễn Trung Trực)

Có thể xem đây là những tư liệu hiếm hoi. Bởi ngay tài liệu “nội bộ cuối cùng” đáng tin cậy nhất là nội dung văn bia trên ngôi mộ ông trong khuôn viên “Môn Lâm mộ sở” tọa lạc bên bờ rạch Tà Niên - khu mộ có trên 100 năm - cũng đã không còn manh mối. Trong khuôn viên hàng chục ngôi mộ cổ của dòng họ, được chế tác từ vật liệu ô dước với phần bia được viết bằng chữ Hán, mộ ông Ky nổi lên như sự lạc lõng bởi lớp gạch men bao bọc và nội dung bia bằng chữ Quốc ngữ. Theo người am tường ở Tà Niên, lúc trước các ngôi mộ đều cổ kính giống nhau, nhưng gần đây, con cháu ông về viếng, đã cho dán gạch men trùm lên ngôi mộ cổ và lắp bia chữ Quốc ngữ chồng lên bia chữ Hán... 

Ngôi thờ ông Lâm Quang Ky tại đình Nguyễn Trung Trực xã Gành Dầu (Phú Quốc - Kiên Giang). Ảnh: LỤC TÙNG
Ngôi thờ ông Lâm Quang Ky tại đình Nguyễn Trung Trực xã Gành Dầu (Phú Quốc - Kiên Giang). Ảnh: LỤC TÙNG

"Lê Lai Kiên Giang"

“Trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước, có rất nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh để cứu chủ tướng của mình, nhưng người được nhân dân ghi nhận và tôn thờ như hình tượng Lê Lai thì có lẽ đến nay chỉ duy có ông Lâm Quang Ky (1839-1868) - phó tướng duy nhất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực” - Giám đốc Sở VHTTDL Kiên Giang Diệp Hoàng Du nói.

Theo lời ông Du, sau khi để mất đồn Kiên Giang vào tay nghĩa quân do ông Nguyễn và ông Ky lãnh đạo, thực dân Pháp huy động lực lượng rất hùng hậu từ nhiều nơi về giải vây. Ngoài các viên sĩ quan cao cấp như Trung tá Hải quân Ansart từ Vĩnh Long sang còn có cả Trần Bá Lộc và Đỗ Hữu Phương – nhóm tay sai đắc lực của Pháp - để tái chiếm đồn Kiên Giang. Điều này cho thấy Pháp xem đây là cuộc chiến đấu thực sự chứ không phải là cuộc tiểu phạt. Qua đó cho thấy nghĩa quân do ông Nguyễn và ông Ky phối hợp chỉ huy là lực lượng tinh nhuệ, quả cảm... Hơn thế nữa, địch muốn dìm nghĩa quân vào biển máu.

Ngày 21.6.1868, sau khi quân Pháp tái chiếm được Sóc Suông (nay thuộc xã Tân Hội – huyện Châu Thành – Kiên Giang), thấy thế địch và nghĩa quân có sự chênh lệch quá lớn về tương quan lực lượng và trang bị vũ khí..., ông Nguyễn quyết định cho rút quân về Hòn Chông (huyện Kiên Lương – Kiên Giang ngày nay) để ra Phú Quốc bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội. Và đây cũng chính là thời điểm ông Lâm Quang Ky quyết định xả thân cứu chủ tướng của mình.

Theo nguồn tư liệu của ông Du, sau khi phát hiện địch đưa lực lượng truy kích nghĩa quân, ông Ky cố tình làm lộ tin về đường rút lui của cánh quân do mình chỉ huy kéo về khu vực xã Vân Khánh Đông (huyện An Biên, Kiên Giang ngày nay) là quân do ông Nguyễn trực tiếp chỉ huy nhằm gây cho địch chú ý để chủ tướng chạy thoát. Thế là giặc đổ quân đến vây bắt. Khi bắt được ông, phát hiện là Nguyễn Trung Trực giả, giặc đưa ông ra giết trước khi xuất quân truy kích. Nhờ vậy mà ông Nguyễn đưa quân đến Phú Quốc an toàn.

Tuy nhiên, dân gian cũng lưu truyền, ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực rồi đầu thú chính quyền Pháp để địch ngưng truy kích. Nhưng rủi thay, hôm đó có tên Lượm - một tên phản bội được thăng chức đội vì nhiều lần điểm chỉ bắt nhiều nghĩa quân cho Pháp - đã mách nước với giặc: Người đầu thú là Lâm Quang Ky, cận tướng tâm phúc của Nguyễn Trung Trực chứ không phải Nguyễn Trung Trực. Nổi giận, giặc đóng gông rồi đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém. Dân chúng cảm phục, xưng tụng ông là “Lê Lai Kiên Giang”.

Những ngày điền dã ở Vĩnh Hòa Hiệp mới đây, chúng tôi còn được nghe nhiều dị bản khác về câu chuyện xả thân cứu chủ của ông Lâm Quang Ky. Trước khi ra hàng quân Pháp, Lâm Quang Ky đã làm lễ xin chịu tang trước cho ông bà, cha mẹ và dâng khay trầu rượu bày tỏ với cha ý nguyện đóng giả chủ tướng, để nạp mình cho Pháp... Tuy màu sắc của những câu chuyện có khác nhau, nhưng tựu trung, tất cả đều có điểm chung là ca ngợi, tán tụng tinh thần xả thân cứu chủ tướng của cụ Lâm Quang Ky.

Dấu lặng... nặng lòng

Ông Lâm Quang Ky là người gốc Hoa, xuất thân từ tầng lớp hương chức, hội tề... nhưng ông lại được quần chúng nhân dân tôn thờ, kính trọng chỉ sau, thậm chí là “song hành” cùng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tại đình Vĩnh Hòa Hiệp (Tà Niên) nơi đầu tiên người dân tổ chức thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở ngôi chính điện, người dân cũng dành vị trí trang trọng bên trái để đặt ngôi thờ ông Lâm Quang Ky.

Với đình Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá và huyện Phú Quốc cũng thế, ngôi thờ ông Lâm Quang Ky vẫn được đặt ở nơi trang trọng, ngoại trừ việc chuyển đổi vị trí nơi an vị từ bên trái sang bên phải ngôi thờ ông Nguyễn (bên trái được bày trí ngôi thờ Nam hải Đại tướng quân). Đặt biệt hơn, tên ông Ky và ông Nguyễn còn được đặt cho 2 con đường lớn một ở huyện Châu Thành quê ông, và một ở ngay TP Rạch Giá. “Có 3 con đường “cửa ngõ” dẫn vào trung tâm tỉnh Kiên Giang, thì có 2 con đường mang tính huyết mạch được mang tên Lâm Quang Ky và Nguyễn Trung Trực chạy song song nhau. Đó là sự công nhận, tôn vinh của người dân với người có công với non sông, đất nước” - ông Du chia sẻ.

Tuy nhiên trên bình diện truyền thông, hành trạng của ông Ky như dấu lặng khi các tài liệu chính sử gần như ít đề cập đến. “Dù với lý do nào thì việc chưa tôn vinh đúng với sự nghiệp và hình tượng quả cảm của ông, không chỉ là dấu lặng - thiếu công bằng với cá nhân ông mà còn là thiếu công bằng với lịch sử” - ông Du cho biết thêm - “Việc tỉnh Kiên Giang quyết định tổ chức viếng mộ ông Ky (5.10.2018) đúng vào thời điểm kỷ niệm 150 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, chính là nét khởi đầu cho hành trình nhìn nhận lại”. Hy vọng từ khởi đầu này sẽ mở ra chặng đường mới về nhận thức, đánh giá và tôn vinh “Lê Lai Kiên Giang”!

Lục Tùng
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.