Khu văn hóa báo hiếu của cụ ông ở tuổi "gần đất xa trời"

Phố Nhơn |

“Đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều điều trong cuộc sống, điều mà tôi quan tâm nhiều nhất là lịch sử, cội nguồn, những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc. Gắn bó cả đời cho sự nghiệp giáo dục, tôi mong muốn khu văn hóa báo hiếu này sẽ là một mô hình giáo dục đạo đức cho học sinh”, cụ Ba tâm sự.

Mô hình giáo dục đạo đức cho học sinh

Khu văn hóa báo hiếu nói trên là tâm huyết cả đời của cụ Phạm Văn Ba (88 tuổi, ở thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Muốn vào khu văn hóa phải đi vòng qua con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, nhỏ xíu ở cuối thôn Trà Thung. Đến nơi, cánh cổng khu văn hóa mở toang, đập vào mắt chúng tôi là dòng chữ “Cây có cội, sông có nguồn, con người phải biết tôn kính tổ tiên”. Vào bên trong, một cụ ông đang ngồi nhổ mấy bụi cỏ dại trước một ngôi mộ, hỏi ra mới biết đó là cụ Ba.

Sau mấy câu hỏi thăm, cụ Ba vui vẻ cho chúng tôi biết dòng chữ trước khu văn hóa cũng chính là tâm nguyện cả đời của cụ. Sáng nào cụ Ba cũng dậy sớm đi bộ từ nhà đến khu văn hóa (khoảng 1km) do chính mình lập nên này để hương khói, quét dọn sạch sẽ nơi yên nghỉ của tổ tiên và những chiến sĩ có công với đất nước được cụ tìm kiếm đưa về đây an nghỉ.

Bên ấm trà nghi ngút trong buổi sáng, cụ Ba cho biết, khu văn hóa báo hiếu luôn rộng cửa đón tất cả mọi người từ già trẻ, gái trai, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến cán bộ ở khắp nơi về ghé thăm, thắp hương tỏ lòng thành kính với những người đã mất, những người có công với đất nước. Nói rồi cụ kể chúng tôi nghe về mấy chục năm tâm huyết với công trình này, giải thích cặn kẽ tiểu sử của từng người nằm dưới mộ. Theo đó, khu văn hóa này được khởi công từ tháng 4.1998. Khoảng lương hưu hằng tháng của cụ phần lớn đổ vào công trình này. Một mình cặm cụi, mãi đến nay cụ mới hoàn thành tâm nguyện của đời mình.

Cụ Ba cho biết: “Từ khi còn làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Phù Mỹ, tôi đã có ý nghĩ sẽ làm việc gì đó để cho con cháu sau này. Có lẽ vì nặng nợ duyên với ngành giáo dục nên khi về hưu, tôi đã mạnh dạn lên ý tưởng và quyết định xây dựng khu văn hóa này. Ước nguyện của tôi là để cho con cháu, cho bao thế hệ trẻ của đất nước mình biết đến cội nguồn dân tộc, biết tôn kính những người đã hy sinh xương máu để giành độc lập dân tộc, cho chúng ta có cuộc sống ấm no, hòa bình như ngày hôm nay. Có thể nói đến giờ này khu văn hóa cơ bản đã được hoàn thành. Bây giờ tôi có nhắm mắt cũng an lòng”.

Sau gần một giờ đồng hồ giới thiệu sơ lược, cụ Ba dẫn chúng tôi tham quan khu văn hóa. Theo quan sát của chúng tôi, chính giữa khuôn viên khu văn hóa báo hiếu là tháp tưởng niệm. Xung quanh đó là 27 ngôi mộ, có những ngôi mộ đá rêu phong của tổ tiên họ Phạm, có những ngôi mộ mới xây còn tươi màu vôi của những anh hùng liệt sĩ. Trong đó có 2 ngôi mộ gió của liệt sĩ, còn lại là mộ của những người có công với cách mạng. Đi qua từng ngôi mộ, cụ Ba đều giải thích cho chúng tôi nắm rõ về cuộc đời mỗi người. Dù tuổi đã cao nhưng đôi mắt tinh anh và giọng trong veo, cụ Ba như một người hướng dẫn viên thâm niên.

“Quá trình tìm kiếm tổ tiên cũng như những anh hùng liệt sĩ về quy tụ ở đây cũng gian nan lắm. Có những người, tôi tìm rất nhanh nhưng có những người tìm đến mấy tháng mới đưa về được. Tôi đưa ông bà tổ tiên, cùng các anh em liệt sĩ về đây đoàn tụ, rồi mình còn sống ngày nào thì nhang khói ngày đó, chứ mỗi người một nơi làm sao mình báo hiếu, báo ơn được”, cụ Ba giải thích.

Cùng với những gian thờ ông bà, tổ tiên, thì những người có công với đất nước mà cụ Ba tìm kiếm được cũng lập bàn thờ để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Ở trung tâm khu văn hóa báo hiếu, cụ Ba lập bàn thờ Bác Hồ và bia tri ân 18 đời Hùng Vương. Ngay bên trái là bàn thờ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Và, bên phải là bàn thờ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đó là những người mà tôi vô cùng kính phục, họ làm được những điều không tưởng, có những người được cả thế giới vinh danh. Tôi mong muốn con cháu đời đời tạc ghi công ơn của những bậc anh hùng vĩ đại này”, cụ Ba tâm sự.

Trả ơn thế hệ trước và giữ gìn cho đời sau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụ Ba xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, luôn kiên cường, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Gia đình cụ có 7 anh chị em thì đều tham gia cách mạng, trong đó có 1 liệt sĩ. Riêng cụ 88 tuổi đời thì đã 66 năm tuổi Đảng, trải suốt quãng thời gian dài vào Nam ra Bắc cống hiến cho cách mạng, cống hiến sức trẻ qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Về quê hương, cụ làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Châu, rồi về hưu được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Trà Thung.

Được biết, cụ Ba còn là thành viên tích cực của Hội đồng họ Phạm huyện Phù Mỹ, một dòng họ nổi tiếng với bề dày truyền thống từ thời Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu - Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam. Chưa hết, cụ Ba còn là người đứng ra kết nối dòng họ và tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội đồng họ Phạm xã Mỹ Châu. Đó là tâm niệm của cụ để nhắc nhở các thế hệ sau phải luôn nhớ đến cội gốc của mình.

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Ba góp công, góp sức để giữ gìn truyền thống quê hương. Ông Đặng Thanh Nhàn - Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, cho biết: “Cụ Ba là một lão thành cách mạng của địa phương, cụ có nhiều đóng góp cho quê hương. Khu văn hóa báo hiếu một mình cụ lập ra để trả ơn cho những thế hệ đi trước và giữ gìn cho đời sau. Hàng ngày, người dân trong khu vực huyện Phù Mỹ và cả du khách thập phương đến đây để tỏ lòng thành kính biết ơn những người đã khuất. Ai đến đây cũng khâm phục cụ Ba, tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần thì luôn dũng mãnh, kiên cường”.

Nói về khu văn hóa báo hiếu này, ông Nguyễn Chí Nhanh, Bí thư Chi bộ thôn Trà Thung, cho biết: “Khu văn hóa báo hiếu của cụ Ba thể hiện tấm lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Chúng tôi nghĩ đó là việc nên làm, để giáo dục truyền thống cho con cháu sau này. Nhiều người cũng muốn làm khu mộ gia đình như cụ Ba, nhưng không có điều kiện. Ở xã Mỹ Châu, ai cũng quý cụ Ba, bởi cụ gần gũi với bà con, gương mẫu, luôn hết lòng giữ gìn truyền thống và những nét văn hóa tâm linh đẹp của dân tộc. Đặc biệt, cụ luôn quan tâm đến thế hệ măng non, cụ bảo đấy chính là thế hệ làm cho đất nước giàu mạnh hơn trong tương lai nên phải định hướng, trao dồi đạo đức cho các cháu ngay từ nhỏ”.

Rời khu văn hóa báo hiếu của cụ Ba, chúng tôi còn nghe một chiếc loa phát thanh bên trên cổng khu văn hóa vang vang bài ca “Họ Phạm Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Hanh như hun đúc những truyền thống cao đẹp của ông bà, tổ tiên dòng họ. Và rồi liên khúc “Dòng máu lạc hồng, dòng máu rồng tiên” cứ nối tiếp khôn nguôi.

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Người dân ngán ngẩm với món ăn nhiều đạm ngày Tết, rau xanh đắt hàng

MINH HÀ |

Với thời gian nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình cũng đã "ngán ngẩm" với những món ăn nhiều đạm đặc thù của ngày Tết. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao, các sạp hàng rau được bày bán chiếm số lượng nhiều hơn và đắt khách hơn so với các hàng gà, thịt, cá...

Sự nghiệp, cuộc sống của Trấn Thành và loạt nghệ sĩ nam tuổi Mão

ĐÔNG DU |

Trong năm qua, nhiều sao nam tuổi Mão như Trấn Thành, Hieuthuhai, Khắc Việt đều thành công trong sự nghiệp, sở hữu lượng fan hâm mộ lớn.

Khai thác du lịch từ các mỏ than: Vì sao không?

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Nói đến du lịch Quảng Ninh, dư luận thường nghĩ đến du lịch biển, vịnh Hạ Long, Yên Tử… Nhưng, còn một thứ tài nguyên du lịch đặc biệt, vô giá và độc nhất cả nước cũng được khá nhiều người quan tâm và hoàn toàn có thể khai thác du lịch là các mỏ than khai thác lộ thiên và hầm lò đẹp kỳ vĩ, với biết bao câu chuyện về văn hóa, lịch sử đầy hấp dẫn.

Bóng đá thế giới 2023 và tương lai có gì mới?

TAM NGUYÊN |

Tấm thẻ trắng được rút ra ở một trận đấu tại Bồ Đào Nha có thể là một trong những xu hướng cho bóng đá thế giới trong năm 2023 cũng như tương lai lâu dài…

Nghi lõi trong của Trái đất bắt đầu chuyển động khác lạ

Thanh Hà |

Lõi trong của Trái đất đang bắt đầu chuyển động theo hướng khác, một nghiên cứu mới chỉ ra.

NSƯT Chiều Xuân: "Tôi đi khắp nước Việt, đi đến đâu nhớ thương đến đó"

Nhóm PV |

Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới cùng Báo Lao Động, NSƯT Chiều Xuân đã có những chia sẻ về niềm đam mê nhiếp ảnh cũng như những trải nghiệm của chị khi đi khắp mọi miền Tổ Quốc.

Tuyển nữ Việt Nam trong năm 2023: Hy vọng thành công từ bóng đá nữ TPHCM

Như Thùy |

Tại World Cup nữ 2023, đội tuyển nữ Việt Nam với bộ khung gồm những trụ cột quan trọng của câu lạc bộ TPHCM được kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công trong lần đầu tham dự đấu trường này.

Khám phá bộ não điều hành giao thông thông minh TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Với gần 800 camera giám sát trên các tuyến đường, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM vận hành 24/7 trong cả 365 ngày được xem như "mắt thần" giúp phát hiện sớm, xử lý nhanh sự cố giao thông đô thị.