Bỗng dưng … đòi đất (?!)
Năm 1992, ông Thống ký hợp đồng chuyển nhượng lô đất từ ông Hồ Văn Hải. Lô đất có diện tích 12.271m2, tọa lạc tại xã Tân Quy Tây, huyện Nhà Bè – nay là khu phố 5, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM. Hợp đồng chuyển nhượng đã được UBND xã Tân Quy Tây xác nhận hợp pháp. Ngày 30.12.1995, ông Thống đã được UBND huyện Nhà Bè cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) số 387/QSDĐ/78 và gia đình ông Thống quản lý, sử dụng lô đất, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước từ đó cho đến hôm nay. Bất ngờ, vào năm 2008, xuất hiện ông Huỳnh Văn Cò (thường trú đường Dương Bá Trạc, Q.8, TPHCM), đứng ra tranh chấp với ông Thống, đòi chia một phần lô đất là 1.635m2. Theo ông Cò, phần đất này do ba ông Cò là ông Huỳnh Văn Tám khai hoang… Tuy nhiên, ông Cò không đưa ra bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào thể hiện là đất có nguồn gốc từ gia đình ông. Ông Cò chủ yếu vin một chứng cứ là trên đất có một số ngôi mộ mà ông Cò cho là mồ mả người thân, gia tộc của ông còn chôn trên đó.
Ông Cò gửi đơn kiện ra tòa tranh chấp đất với vợ chồng ông Thống. Do không đưa ra được chứng cứ, nên ngày 8.5.2009, Tòa án nhân dân (TAND) quận 7, đình chỉ vụ án với lý do “ông Cò chưa đủ điều kiện khởi kiện”. Năm 2012, ông Cò kiện theo đường hành chính, yêu cầu hủy một phần diện tích đất được công nhận trong sổ đỏ của ông Thống.
Tại bản án sơ thẩm ngày 5.8.2015, TAND quận 7 đã bác đơn khởi kiện của ông Cò. Bản án sơ thẩm còn kết luận: “Hợp đồng sang nhượng đất giữa ông Hồ Văn Hải và ông Nguyễn Đức Thống là phù hợp với Luật Đất đai, đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. UBND huyện Nhà Bè cũ cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 387 cho ông Thống là đúng thẩm quyền”. Ông Cò kháng cáo, nhưng rồi ngày 24.3.2016, ông Cò rút toàn bộ đơn kháng cáo và đơn khởi kiện…
Ngày 25.3.2016, TAND TPHCM đã ra phán quyết đình chỉ giải quyết vụ án; đồng nghĩa, luật pháp đã công nhận sổ đỏ, công nhận QSDĐ hợp pháp trên lô đất 12.271m2 của ông Thống. Tuy nhiên, kiện không thành đường tòa án, ông Cò gửi đơn khiếu nại việc chính quyền cấp sổ đỏ... Thế nhưng, ngày 27.5.2016, UBND quận 7 đã ra văn bản số 05/TB-UBND, khẳng định: “Ông Cò đã biết được hành vi hành chính của UBND huyện Nhà Bè (cũ) cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số 387 cho ông Thống và đã có đơn khởi kiện. Như vậy, ông Cò đã chọn hướng giải quyết tại TAND quận 7 và TAND TPHCM. Cho đến thời điểm hiện nay, căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011, trường hợp khiếu nại của ông Cò không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết vì đã hết thời hiệu khiếu nại”.
Tự tiện bán đất giấy tay và xây nhà “lậu”
Thấy mọi đường khởi kiện lẫn khiếu nại vẫn không cách nào thực hiện được ý định sở hữu lô đất của ông Thống, ông Cò chuyển hướng khác… Ngày 18.5.2016, dù không được bất kỳ cơ quan chức năng nào công nhận QSDĐ, nhưng ông Cò vẫn lập hợp đồng giấy tay, chuyển nhượng toàn bộ lô đất của ông Thống cho ông Lê Việt Thanh (sinh 1985), với giá… 6 tỷ đồng - trong khi giá trị thực tế trên thị trường khoảng 50 tỷ đồng (?). Ông Thống biết được đã tố cáo hành vi sang nhượng bất hợp pháp trên lên cơ quan luật pháp; dẫn đến ông Cò và ông Thanh phải hủy bỏ việc chuyển nhượng đất trên…
Tuy nhiên, sự việc vẫn không dừng, ngay sau đó, ông Cò và ông Thanh vẫn cho người vào lô đất của ông Thống xây dựng trái phép hàng rào tôn, cao từ 3-4m, dài hàng chục mét… Kế đó, hàng loạt căn nhà đã được xây dựng trái phép trên đất của ông Nguyễn Đức Thống. Thậm chí, ông Cò tự tiện cắt đất cho một vài cá nhân thuê làm điểm kinh doanh ăn uống, mà không theo bất cứ quy định nào của luật pháp.
Vì sao chính quyền và cơ quan chức năng bó tay?
Trước hàng loạt hành vi có dấu hiệu vi phạm luật pháp từ phía ông Cò, ngày 13.12.2016, UBND quận 7 đã ra quyết định số 3532/QĐ-XPVPHC. Theo đó, UBND quận 7 “Xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Huỳnh Văn Cò”, vì hành vi “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng”. Mức tiền phạt là 22,5 triệu đồng. UBND quận 7 buộc ông Cò phải tự tháo dỡ công trình xây dựng, gồm 6 căn nhà được xây dựng trái phép trên diện tích 326,94m2.
Ngay sau khi bị UBND quận 7 ra quyết định xử phạt hành chính trên, thì vào chiều ngày 15.12.2016, thấy nhóm công nhân của Công ty TNHH dịch vụ thể thao Tân Hưng – đơn vị thuê đất của ông Thống làm khu thể thao, vui chơi giải trí – đến dọn dẹp mặt bằng, thì xuất hiện một số thanh niên gần 20 người… Nhóm người này cầm ống sắt, ghế gỗ, gạch, đá…hung hăng đuổi đánh các công nhân Công ty Tân Hưng. Việc truy đuổi của nhóm thanh niên trên chỉ dừng khi lực lượng công an địa phương xuất hiện. Hậu quả có 7 công nhân bị thương, phải đi bệnh viện cấp cứu. Trong đó, có 3 công nhân bị thương nặng gồm: Ngô Hùng Khánh (sinh 1972) bị gãy tay, Nguyễn Hữu Sang (sinh 1972) bị gãy răng và Vang Tuấn Huy (sinh 1972) bị vỡ tĩnh mạch thực quản, bất tỉnh…
Trong khi đó, trả lời PV Lao Động xung quanh vụ ẩu đả gây bị thương cho 7 công nhân Công ty Tân Hưng, thượng tá Trần Văn Sơn – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận 7 - cho biết: “Vụ án đang được xác minh điều tra, các nạn nhân đang được giám định tỷ lệ thương tật, đang chờ kết quả để cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo đúng quy định luật pháp”.
Lẽ ra, với hàng loạt hành vi có dấu hiệu vi phạm luật pháp như kể trên, các cơ quan chức năng phải ra tay để giữ kỹ cương phép nước. Song ở đây, khi UBND quận 7 ra quyết định số 0421/QĐ-CC ngày 23.1.2017, để cưỡng chế việc xây dựng trái phép 6 căn nhà “lậu”, thì TAND TPHCM lại … chen ngang, ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt hành chính số 3532… và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính số 0421…” (?!).
Điều 66.1 - Luật Tố tụng Hành chính quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời…”. Thế nhưng, tại quyết định số 35/2017/QĐ-BPKCTT, ngày 6.3.2017 của TAND TPHCM, vội vã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “tạm đình chỉ thi hành” hai quyết định của UBND quận 7, không nêu căn cứ bất kỳ vụ án hành chính nào đối với 2 quyết định của UBND quận 7. Trong lúc TPHCM đang nhức nhối với nạn xây dựng trái phép tràn lan, vi phạm pháp luật về xây dựng; với quyết định “chen ngang” dừng xử phạt, cưỡng chế hành vi xây dựng nhà “lậu” của ông Cò, khác nào tạo điều kiện cho ông Có “lờn thuốc”, tiếp tục hành vi sai phạm ?
Rõ ràng, về mặt pháp lý, ông Huỳnh Văn Cò vẫn chưa đưa ra một chứng cứ nào đủ sức bác bỏ QSDĐ hợp pháp của ông Thống – vốn đã được nhà nước và pháp luật công nhận. Điều đó đã thể hiện rất rõ qua nhiều năm tranh chấp, khởi kiện ra TAND quận 7, TAND TPHCM, khiếu nại lên UBND quận 7…; ông Cò đều bị bác đơn và thua kiện. Từ chuyện khiếu kiện không thành theo đường tòa án của ông Cò, gần đây lại xuất hiện hành vi xây dựng nhà “lậu”, rồi bán đất bằng giấy tay trái phép... Những hành vi sai trái trên là không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm để giữ kỷ cương phép nước.