Nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác với ASEAN
Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ có các phiên làm việc gồm: Phiên họp giữa các lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden; phiên thảo luận giữa các lãnh đạo ASEAN với Phó Tổng thống Harris về an ninh biển và phòng chống COVID-19; và phiên thảo luận với các Bộ trưởng Nội các về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững.
Tổng thống Indonesia Widodo đã đồng chủ trì với Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris các hoạt động này. Lãnh đạo các nước đã trao đổi về an ninh biển, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Lãnh đạo Mỹ đã công bố nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác với ASEAN. Mỹ sẽ đầu tư 40 triệu USD tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, dành 60 triệu USD tăng cường hợp tác biển, 150 triệu USD để triển khai sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN - Mỹ, hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và 70 triệu USD cho các chương trình giáo dục, giao lưu nhân dân …
ASEAN và Mỹ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Về tình hình Myanmar, các nước kêu gọi kiềm chế, giảm căng thẳng, bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm của ASEAN, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của Chủ tịch ASEAN hỗ trợ Myanmar sớm ổn định tình hình, tìm giải pháp bền vững cho các vấn đề hiện nay.
Trao đổi về tình hình Ukraina, các bên kêu gọi kiềm chế, duy trì các nỗ lực đối thoại tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời bảo đảm an toàn cho dân thường. Các nước nhấn mạnh tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình bất đồng, tranh chấp.
Thực chất, hiệu quả và cùng có lợi
Tại phiên họp với Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phải tiếp tục thúc đẩy đối thoại chân thành trên cơ sở lòng tin và trách nhiệm, đoàn kết, chung tay hợp tác, kiểm soát bất đồng, thượng tôn pháp luật, góp phần hiện thực hoá một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nước lớn, những đối tác của ASEAN, có thể đưa quan hệ đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm, đồng thời tham gia đóng góp cho khu vực trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tham vấn đầy đủ với ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982. Thủ tướng hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Tại phiên thảo luận về vấn đề an ninh biển và phòng chống COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các sáng kiến của Mỹ về tăng cường hợp tác biển với khu vực. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tất cả các quốc gia, bao gồm các nước ASEAN và Mỹ, chia sẻ tầm quan trọng và lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới.
Thủ tướng đề nghị Mỹ tiếp tục giúp đỡ các nước ASEAN phòng chống dịch bệnh, nhất là chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị, nâng cao năng lực y tế và chất lượng nhân lực y tế; đồng thời, hỗ trợ các nước ASEAN và Việt Nam quan tâm, chăm sóc, trợ giúp những nhóm yếu thế bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Thủ tướng cũng mong Mỹ triển khai hiệu quả hơn nữa hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ, góp phần bảo đảm chất lượng phát triển, hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững tại khu vực. Thủ tướng đồng thời đề cao nỗ lực của các nước, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng chất lượng cao, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Phát biểu tại phiên họp về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững giữa các lãnh đạo ASEAN với các Bộ trưởng Nội các do Phó Tổng thống Harris chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong Mỹ triển khai hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Mekong - Mỹ, góp phần bảo đảm chất lượng phát triển, hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững. Thủ tướng đồng thời đề cao nỗ lực của các nước, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng chất lượng cao, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai. Trong đó, các nước cam kết thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN -Mỹ có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10 vào tháng 11.2022, trông đợi sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết.