Nói về nguyên nhân bà Thảo vắng mặt tại buổi tuyên án phúc thẩm chiều 5.12, bà Giang cho biết: "Bởi thực sự bà Thảo cảm thấy bất an về sự công tâm của hội đồng xét xử. Có thể bà ấy đã bị sốc".
Theo luật sư Giang, một số luận cứ từ phía các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã không được hội đồng xét xử ghi nhận.
Cụ thể, theo bà Giang, hội đồng xét xử nhận định gia đình ông Vũ và ông Vũ đã có công đóng góp và thành lập Trung Nguyên từ năm 1996 đến nay nên nói rằng ông ấy có nhiều công sức hơn.
"Nhưng cơ sở Trung Nguyên lập năm 1996 đã giải thể từ 2 tháng sau và không có bất cứ sự tiếp nối nào của cơ sở đó với 7 công ty hiện tại của tập đoàn. 7 công ty này hoàn toàn được thành lập mới và ra đời sau khi hai ông bà kết hôn" - luật sư Giang cho biết.
Bên cạnh đó, theo luật sư Giang, hội đồng xét xử nhận định vụ án này không cần áp dung luật Doanh nghiệp vì không có chuyển nhượng cổ phần là không đúng.
"Ngay tại phiên sơ thẩm, luật sư của ông Vũ đã nói tốt nhất chia bằng cổ phần là hợp lý. Nên cần phải giữ lại cổ phần mỗi bên được chia. Hơn nữa, hồ sơ vụ án đã không định giá giá trị thương hiệu Trung Nguyên.
Như các bạn thấy Trung Nguyên hiện nay giá trị của nó rất lớn, như một con gà đẻ trứng vàng mà tước quyền chị Thảo được chia cổ phần là một thiệt hại vô cùng lớn" - luật sư Giang nói.
Nữ luật sư cũng khẳng định, chắc chắn phía bà Thảo sẽ có kiến nghị giám đốc thẩm bản án. "Và tôi tin Viện kiểm sát cũng sẽ có kiến nghị. Có thể luật sư chúng tôi đưa ra những căn cứ để bảo vệ cho thân chủ nhưng Viện kiểm sát họ sẽ có nhìn nhận đánh giá khách quan" - vị này nói.
Trước đó, ngày 4.12, Viện kiểm sát cấp cao tại TPHCM có đề nghị hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm ở phần phân chia sản, trả hồ sơ để toà sơ thẩm xét xử lại. Tại bản án sơ thẩm, Viện kiểm sát cũng có kháng nghị chỉ ra 11 điểm bất hợp lý của bản án.
Theo bản án phúc thẩm được tuyên chiều 5.12, hội đồng xét xử chấp thuận cho ông Vũ và bà Thảo ly hôn. Về phần trợ cấp nuôi con, toà phán quyết giao các con cho bà Thảo chăm sóc. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng mỗi năm, tính từ năm 2013 cho đến khi các con học xong đại học
Về tài sản, toà giao cho ông Vũ quản lý tất cả cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Đồng thời, toà giao bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ.
Về công ty Trung Nguyên Singapore, toà công nhận việc ông Vũ giao cho bà Thảo toàn bộ tài sản của ông Vũ tại công ty này. Về bất động sản, tòa giao ông Vũ quản lý 6 bất động sản trị giá 350 tỷ; giao bà Thảo quản lý 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.