EVN lãi trăm tỉ năm 2018
Chiều 18.12, Bộ Công Thương họp báo "Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN và kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2020".
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.284 tỉ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doạnh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1,727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỉ kWh/giờ, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983 tỉ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.737,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỉ đồng tương ứng tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.
Thuỷ điện "cạn kiệt", ngành điện tìm nguồn thay thế

Bộ Công Thương dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỉ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.
Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,…
Trong điều kiện tình hình hạn hán xuất hiện ở nhiều khu vực từ năm 2019 sang năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước, tập trung vào các giải pháp cơ bản như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hệ thống bơm tưới hiệu quả và các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp tích nước để giảm sự phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ thủy điện.
Trong năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4300MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2000MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành; các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) cung cấp khoảng 10,868 tỉ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.
Đặc biệt, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỉ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3,4,5,6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỉ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 1-2.2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô.
Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc.