Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tàu của Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới bị mắc cạn khi di chuyển qua Kênh đào Suez khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên Kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này.
Kênh đào Suez dài 190km, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế. Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua Kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỉ tấn.
Trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo vọng (Nam Phi) sẽ khiến hành trình từ Châu Á tới Châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu với kim ngạch 43,7 tỉ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỉ USD, và nhập khẩu 3,1 tỉ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc.
Ngoài một khối lượng nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, đi qua Kênh Suez. Do vậy, việc Kênh bị ngừng lưu thông sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Châu Âu.
Trước thông tin này, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết trong trường hợp sự cố tại Kênh Suez kéo dài.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố tại Kênh Suez góp phần làm tăng thêm các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Các vấn đề trên cho thấy vai trò thiết yếu của logistics trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và phát triển thương mại nói riêng. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh... chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, đứt gãy bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường. Đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.