Theo đó, bản án phúc thẩm đã giao cho ông Vũ toàn bộ số cổ phần ở các công ty và tiếp tục giữ quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Sau khi bản án được tuyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bình tĩnh, ngồi trầm ngâm hồi lâu trước khi mở lời.
Ông Vũ cho biết cũng không muốn nói nhiều về chi tiết bản án phúc thẩm. "Hôm nay những gì mà toà tuyên là phù hợp, đúng đạo lý, pháp lý thôi. Nhưng dù sao qua cũng không bao giờ vui khi giờ phút cuối cùng rồi, người vợ của qua đã không có mặt".
Trả lời câu hỏi của PV về quan điểm điều hành Trung Nguyên sau này, ông Vũ cho biết: "Từ trước đến nay qua vẫn điều hành đó thôi. Một người lãnh đạo mà càng ít can thiệp nhất vào hoạt động của công ty, của tập đoàn mới là lãnh đạo giỏi.
Nghĩa là khi đó bộ máy mình thiết kế đã hoàn chỉnh. Từ xác định tầm nhìn, hoạch định chiến lược từng giai đoạn, mình chỉ cần nói một câu mà những nhân sự phía dưới hiểu thành một hệ thống thì lúc đó mình yên tâm. Chứ không phải đầu tắt mặt tối, mình làm mọi thứ, đâu mình cũng can dự".
Trong khi đó, trao đổi với PV Lao Động, luật sư Lê Thị Hoài Giang cho biết, bà Thảo vắng mặt buổi phán quyết hôm nay "có thể do bị sốc". Đồng thời, vị luật sư cho biết phía bà Thảo sẽ có kiến nghị giám đốc thẩm xem xét lại bản án.
Theo bản án phúc thẩm, hội đồng xét xử chấp thuận cho ông Vũ và bà Thảo ly hôn. Về phần trợ cấp nuôi con, toà phán quyết giao các con cho bà Thảo chăm sóc. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng mỗi năm, tính từ năm 2013 cho đến khi các con học xong đại học
Về tài sản, toà giao cho ông Vũ quản lý tất cả cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Đồng thời, toà giao bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ.
Về công ty Trung Nguyên Singapore, toà công nhận việc ông Vũ giao cho bà Thảo toàn bộ tài sản của ông Vũ tại công ty này. Về bất động sản, tòa giao ông Vũ quản lý 6 bất động sản trị giá 350 tỷ; giao bà Thảo quản lý 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.