Nỗi buồn, cảm giác thất vọng, chán nản là những cảm giác mà chắc hẳn ai cũng đã từng gặp ở một số thời điểm nào đó trong cuộc đời. Nhưng nếu những triệu chứng này kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc, suy nghĩ và hành vi thì có thể chúng ta đang gặp vấn đề với trầm cảm.

Nhiều người vì sự hiểu biết không đầy đủ, hoặc sai lệch: cho rằng trầm cảm không phải bệnh lý mà là sự yếu đuối hoặc một khiếm khuyết về thần kinh dẫn tới hành vi xấu hổ, che giấu về tình trạng bệnh, thiếu sự thấu cảm của người thân…nên người bệnh không được điều trị kịp thời là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy mà nhận thức đúng đắn về trầm cảm là điều cần thiết để chúng ta có thể ngăn chặn trước khi mọi việc trở nên quá muộn màng.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm
Khi bị trầm cảm, bạn có thể gặp phải một trong những triệu chứng kéo dài như: Buồn nản kéo dài hay cảm giác đời không đáng sống, Ăn kém hay ăn nhiều hơn bình thường dẫn đến thay đổi cân nặng, Cảm giác mệt mỏi liên tục. Thậm chí người trầm cảm luôn cảm thấy mình không có giá trị hay mặc cảm tội lỗi không có lý do, dễ nóng nảy, giận dữ và nguy hiểm nhất là nghĩ về tự sát và chết chóc.
Bệnh trầm cảm được phân chia thành 3 mức độ:
- Trầm cảm nhẹ
- Trầm cảm vừa
- Trầm cảm nặng
Trong đó trầm cảm nặng là giai đoạn khó chữa và nguy hiểm nhất, bệnh nhân có thể có ý định tự sát hoặc hành động tự sát, cần phải kiên trì điều trị.

Trầm cảm có thể chữa khỏi
Theo ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm thần, Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City: Trầm cảm là một bệnh lý như những bệnh lý thường gặp khác và có thể điều trị được. Vì vậy những người có biểu hiện của việc trầm cảm cần tìm gặp bác sĩ để được điều trị bệnh một cách kịp thời.
Đặc biệt, Bác sĩ Long cũng khuyến cáo: người trầm cảm cần tránh những việc như: sử dụng rượu bia, tự ý sử dụng thuốc. Điều này sẽ làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, người bệnh nên chia sẻ, đối thoại với bác sỹ để tìm ra biện pháp thích hợp cho vấn đề của mình, tìm một người tin cậy để chia sẻ cảm xúc. Ăn uống điều độ và vận động hợp lý cũng giúp ích rất nhiều trong điều trị trầm cảm.
Bệnh nhân trầm cảm cần được chăm sóc và quan tâm đặc biệt. Nếu họ không được điều trị, trầm cảm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng hãy luôn nhớ rằng trầm cảm là điều trị được. Bằng cách nhận được sự giúp đỡ và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sỹ sẽ ngăn ngừa được những biến chứng phức tạp.