Xả lũ kiểu “bất chấp”
Theo ông Tuấn, việc vận hành xả lũ của các hồ chứa của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa chưa thực hiện đúng theo quy trình vận hành điều tiết và phương án phòng, chống lụt bão đã được UBND tỉnh phê duyệt, chưa điều tiết cao trình mực nước hồ để đón lũ theo đúng quy định. Theo đó, hồ Cam Ranh các ngày 29,30.11 cao trình mực nước hồ vẫn ở mức 31,67m (cao trình mực nước cho phép tích nước của hồ cuối tháng 11 là 31,50m), Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã có đôn đốc việc điều tiết nhưng Công ty vẫn không thực hiện nên tại thời điểm xả lũ (lúc 1.12) cao trình mực nước hồ (32,50m) đã vượt mức nước dâng bình thường 0,5m.
Ngoài ra, thông báo thông tin xả lũ các hồ chứa cho chính quyền địa phương và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh không đúng theo quy định như thời gian ban hành thông báo (xả rồi mới thông báo), hình thức thông báo (gửi mail nhưng văn bản không ký tên đóng dấu). Công ty xả lũ không thông báo hoặc không đúng theo thời gian đã thông báo (hồ Cam Ranh, Suối Dầu xả lũ lúc 15h nhưng đến 20h30 cùng ngày mới gửi thông báo; hồ Tà Rục, Suối Hành theo thông báo thời gian xả lũ vào lúc 20h ngày 1.12, thực tế xả lũ cả 2 hồ vào 17h cùng ngày).
Đặc biệt, việc xả lũ được Công ty thực hiện vào ban đêm, gây nguy hiểm đến an toàn của người dân khu vực hạ du.Theo thông báo số 50 ngày 1.12 của Văn phòng Đại diện Cam Ranh thuộc Công ty, thời gian xả lũ hồ Tà Rục, Suối Hành được bắt đầu thực hiện vào lúc 20h ngày 1.12. Điều tiết tăng, giảm lưu lượng xả lũ các hồ chứa nhưng Công ty không thông báo cho chính quyền địa phương và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh biết để chủ động ứng phó.
![]() |
Xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) bị ngập lụt mấy ngày qua do mưa lớn, kèm xả lũ của các hồ chứa. Ảnh: N.BĂNG |
Yêu cầu chấn chỉnh, kiểm điểm
Chiều 8.12, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết ông phản ứng rất mạnh mẽ việc xả lũ không đúng quy định của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa tại 2 hồ Tà Rục và Suối Hành. “Hôm đó (1.12), mưa trên nguồn nhiều. Sáng đó mưa, sau khi chúng tôi kiểm tra tình hình đã liên hệ Ban quản lý thủy lợi các hồ chứa, yêu cầu báo cáo xả lũ. Vì nếu để nước lũ về nhiều sẽ ảnh hưởng hạ du, gây thiệt hại.
Sau đó, Ban quản lý công trình thủy lợi có báo nhưng mãi đến chiều đó Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa mới đi kiểm tra, rồi thông báo 6 tiếng đồng hồ sau sẽ xả lũ, nhưng nếu 6 tiếng lại lọt vào ban đêm. Lúc đó, mưa lớn, lũ về nhiều nữa. Đúng ra, từ sáng đó, Công ty này phải chủ đọng có thông báo, đến trưa xả dần là được rồi, nhưng “ông” làm hơi chậm. Mưa lớn, kèm xả lũ đã gây ngập hoa màu” - ông Sơn nói.
Ông Tào Anh Tuấn - Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh - cho biết, đã yêu cầu Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa chấn chỉnh công tác vận hành điều tiết hồ chứa do Cty quản lý; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý để đảm bảo an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du; rà soát vùng ngập lụt hạ du trước khi xả lũ các hồ chứa và có thông báo cụ thể cho các địa phương biết để chủ động bố trí lực lực xung kích chốt chặn tại các khu vực ngầm, cầu, tràn, đảm bảo tính mạng cho người dân; thường xuyên báo cáo kết quả vận hành điều tiết về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh để theo dõi và chỉ đạo. Sở NNPTNT cũng đề nghị Cty tổ chức trực 24/24, chủ động tính toán lưu lượng lũ về hồ, điều tiết xả lũ trước để hạ mực nước hồ nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho hạ du.
Chánh văn phòng huyện nói ngược...
Mặc dù ông Tào Anh Tuấn nói thế, nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Nam - Chánh Văn phòng UBND huyện Cam Lâm lại nói ngược lại: “Cty xả lũ có thông báo cho mình kịp thời, phối hợp thường xuyên với địa phương. Trừ trường hợp khẩn cấp, còn bình thường, họ có văn bản hết”. Khi PV đề cập việc xả lũ trước khi thông báo, người dân huyện Cam Lâm có bị động không và ứng phó như thế nào? Ông Nam không trả lời và bảo: “Anh liên hệ Cty đi”.