“Nhộn nhịp” những cung đường buôn lậu: Thủ đoạn không mới, vẫn qua mặt cơ quan chức năng

CAO NGUYÊN - TRẦN VƯƠNG |

Chúng tôi đi theo đường Đài để sang nước bạn, sau một hồi leo núi, tất cả cũng đặt chân đến khu vực Lũng Vài (Trung Quốc), tận mắt chứng kiến cảnh buôn bán tấp nập với đủ loại hàng gia dụng, hàng tiêu dùng. Những lời chào mời giá rẻ cứ như ma trận, khó phân biệt đâu là giá trị thật của các mặt hàng...
Hàng hiệu giá bèo

Khi đang chọn hàng với Xuân - người dẫn đường thì tôi được một người xưng tên Mai. Mai mồi chài: Nếu muốn chuyển hàng trọn gói thì liên hệ với cô. Người này sẵn sàng đứng ra nhận thầu trọn gói chuyến đi buôn của khách. Cụ thể, loại hình dịch vụ này sẽ lo liệu tất cả, việc của khách hàng chỉ cần sang Lũng Vài, chọn hàng rồi về lại Việt Nam yên tâm chờ đợi, hàng sẽ được giao đến tận tay sau tối đa một tuần lễ. Chi phí cho mỗi tấn hàng hóa là từ 5 - 10 triệu đồng.

Xuân ghé tai sang nói nhỏ, những dịch vụ này chủ yếu dành cho những người mới vào “nghề”, chứ với dân lão làng thì chủ yếu tự họ đánh hàng để tiết kiệm chi phí. Nhiều nhất ở đây vẫn là tất chân, áo quần, chăn màn, giày dép và đồ điện tử. Quần áo với giá dao động từ 30 - 50 tệ/chiếc (khoảng 120.000 - 160.000 đồng). Theo anh Xuân, những mẫu quần áo cỡ tiền như vậy sau khi về các cửa hàng tại Việt Nam có thể được bán với giá từ 300 - 500 nghìn đồng.

Những thùng hàng, bao tải hàng được tập kết tại Lũng Vài (Trung Quốc), các cửu vạn cũng đứng cạnh để sẵn sàng nhận việc khi có lệnh. Ảnh Cao Nguyên. 

Theo giới thiệu của các con buôn và cửu vạn, hàng hóa ở Lũng Vài có giá rẻ như bèo. Tuy nhiên, một đặc thù riêng đó là các chủ hàng không hề bán lẻ. Ít nhất mỗi loại hàng phải trên một trăm đôi tất chân, tay. Các loại khác cũng phải có số lượng lớn thì chủ hàng mới bán.

Tạt vào một cửa hàng chuyên bán tất chân, quần áo, quan sát thấy đầy đủ các loại mẫu mã nổi tiếng như Lacoste, Gucci, D&G và một số loại tất thương hiệu khác… Nhưng giá cả khi hỏi chủ cửa hàng thì rẻ bất ngờ, mỗi đôi không quá 5 tệ (tức không quá 15.000 đồng).

Sờ vào đôi tất hiệu Lacoste tôi cảm thấy hàng đẹp từ chất liệu đến đường may. Đúng là không thể phân biệt được! Tôi lật thử bên trong thấy đường may rất sắc sảo. Nhãn mác in mờ tên hãng “Lacoste”, các tem size... đều đầy đủ các đặc điểm mà thương hiệu này hay sử dụng. Trong cửa hàng, còn một số mẫu quần áo không thấy in nhãn mác, nhưng khá bắt mắt. Người chủ cửa hàng giải thích: “Đó là quần áo đặt riêng. Anh muốn gắn nhãn của hãng nào, chúng tôi xin phục vụ như ý”.

Cũng theo ông chủ này, tại Lũng Vài hàng nhái ít hơn ở Quảng Châu (Trung Quốc). “Nếu các anh muốn đặt hàng nhái số lượng lớn thì đến chợ Bạch Mã (Trung Quốc), ở đó các anh chỉ cần gửi mẫu và cho ngày giờ, ngày nhận hàng thì công ty sẽ có hàng gửi sang theo đúng hợp đồng. Tùy yêu cầu của từng sản phẩm nhưng tất nhiên giá sẽ rẻ hơn đến 1/10 so với hàng chính hãng”, người này nói.

Sau khi khảo giá xong, tôi và Xuân trở về Lạng Sơn để tránh bị phát hiện. Trên đường về, chúng tôi bắt gặp khá nhiều người mọi lứa tuổi cả nam lẫn nữ đang cõng những bao hàng hóa lớn trên lưng. Xuân cho biết, đây đa phần là những người dân bản địa được giới buôn lậu thuê thành cửu vạn khuân hàng lậu qua đường mòn với giá rẻ mạt. “Mỗi lần nếu nhiều hàng cửu vạn phải khuân được 80kg, thậm chí có người còn khuân được 100kg. Có trường hợp do hàng nặng quá khi trèo lên vách đá đã ngã xuống dưới chân núi”, Xuân nói.

Khi được hỏi công xá của những người cửu vạn này, Xuân cho biết, cuộc sống của gia đình họ chủ yếu dựa vào khuân vác hàng lậu này. Giá khuân vác một chuyến như vậy cũng tùy từng loại hàng khác nhau và dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg/chuyến. Để được làm cửu vạn, ngoài chuyện có sức khỏe còn phải có uy tín. Một cửu vạn nếu không có người quen giới thiệu thì phải đặt cọc, trong trường hợp để mất hàng sẽ bị mất tiền công và mất luôn khoản đặt cọc này. Bởi vậy, cửu vạn thường chống trả rất quyết liệt mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

 Hình ảnh các cửu vạn "cõng" trên lưng những thùng nặng khoảng 40-60kg đi theo đường Đài để tránh mặt cơ quan chức năng. Trong những thùng hàng này, chủ yếu là áo quần, đồ điện tử, điện lạnh... Ảnh Cao Nguyên. 

16h ngày 8.12, trên cung đường trở về, chúng tôi thấy hàng hóa khi được cánh cửu vạn gùi bộ vào địa phận Việt Nam sẽ được “nằm nghỉ” dọc sườn núi và trong những nhà cấp 4 bên cạnh. Những tải hàng hóa có ghi tên người nhận bằng tiếng Việt ở các địa chỉ nhận hàng như BX Giáp Bát, BX Nước Ngầm, Hà Nội nằm la liệt. Để kịp vận chuyển, thời điểm về chiều hàng hóa tập trung tại bìa rừng được đội cửu vạn khẩn trương thực hiện, đi sau những người cửu vạn chính là các con buôn thúc giục. Từ đây, phi đội “cửu bay” sẽ túa ra như ong vỡ tổ chở hàng đi tập kết tại các kho hàng lớn xung quanh thị trấn Đồng Đăng.

Khác với cửu vạn, ở đây cũng có “cửu bay” là những gã đàn ông ăn vận kín mít, điều khiển xe máy chở theo những bao hàng cồng kềnh và phóng xe với tốc độ kinh hoàng. Theo giải thích, họ làm vậy để khi lực lượng chống buôn lậu có phát hiện cũng ra tay không kịp. Đội ngũ “cửu bay” Lạng Sơn rất đông đảo, làm việc bất biết ngày đêm.

Nhờ “cỗ máy buôn lậu”, mỗi ngày, một khối lượng lớn hàng hóa Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam. Số lượng hàng lớn đó sẽ tiếp tục được các con buôn hợp thức hóa rồi phân tán đi các tỉnh tiêu thụ.

Chủ hàng ảo, cửu vạn thật

Có lẽ, không chỉ riêng cửu vạn đối phó mà các con buôn cũng đã thuộc lòng các bài để qua mặt cơ quan chức năng. Với phương thức thủ đoạn là chia nhỏ lẻ hàng hóa, sử dụng đội ngũ cửu vạn là những người mang vác hàng thuê, dùng bộ đàm, điện thoại di động theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu, đồng thời, cử người hộ tống, từng bao hàng…

 Tại một số đường mòn có ghi rõ biển cấm nhập cảnh trái phép nhưng theo quan sát và được biết có nhiều trường hợp vẫn "thoát" qua đường này. Ảnh Cao Nguyên. 

Ngoài ra, lợi dụng cửa khẩu có nhiều đường ngang, lối tắt, barie kiểm soát mở cho các xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu ra vào, các đối tượng điều khiển xe máy hai bánh chở hàng thẩm lậu, bám theo sau các xe ôtô có trọng tải lớn chở hàng hóa nhập khẩu để tránh bị đuổi bắt nên gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng chức năng triển khai bắt giữ.

Nhiều ngày thâm nhập và quan sát, từ mốc 1105 qua mốc 1106 (mốc 1106 thuộc địa bàn do Đồn Biên phòng Hữu Nghị quản lý) các cửu vạn đã vận chuyển hàng xuống “khe Bà Lan” hoặc vắt ngang lưng trừng núi xuống “gốc nhãn” hoặc qua đường “dốc khỉ”… rồi chuyển hàng xuống đường mòn phía sau bãi xe của Công ty CPĐT Thăng Long. Khi hàng xuống đây tiếp tục men theo tường rào đến khu vực Miếu, chuyển xuống nhà dân tại ngã ba Tềnh Tạm hoặc ngõ 3, thôn Cốc Nam để chuyển vào nội địa. Như những gì chúng tôi chứng kiến được sau những ngày ở đây, số lượng cửu vạn tham gia vận chuyển hàng trái phép tại khu vực này mỗi ngày có đến 150 người.

Hoạt động càng về lúc chiều tối, khi lực lượng chức năng chuyển ca trực, thiếu khuyết người thì việc chuyển hàng lậu càng trở nên nhộn nhịp. Những tải hàng được chuyển về lối đường mòn, xuyên qua phía hàng rào, phía sau kho của một số nhà dân khu vực gần đồi càng được thực hiện một cách nhanh chóng.

18h ngày 8.12, trời bắt đầu nhá nhem, những tiếng ý ới gọi nhau càng trở nên nhộn nhịp. Những chiếc dây thừng màu xanh cột chặt các loại hàng hóa. Những cửu vạn không có thời gian để nghỉ ngơi, chỉ chốc chốc dừng chân một lát lau mồ hôi rồi tiếp tục vượt đồi với hàng chục kilôgam hàng trên vai. Thời gian này, phía bên ngọn đồi, các kiện hàng xếp chất đống chờ để mang về Việt Nam. Mọi giao dịch mua bán lúc này dường như không còn. Phía đường mòn chỉ thấy những cửu vạn vác hàng về phía Việt Nam. Chính những cửu vạn này cũng không rõ chủ thực hàng là của ai, chỉ biết rằng họ được thuê mang về tập kết ở một điểm cho từ trước.

Ngoài ra, phía đường mòn 386 các cửu vạn thường vận chuyển từ mốc 1103/1; 1103/2 có thể vòng qua “khe đẩu lâu” hoặc đi ngang lưng chừng núi qua “đài Viettel” hoặc qua “đường máng”… chuyển hàng xuống nhà dân tại ngõ Nàng Tiên, ngõ 5 thuộc thôn Cốc Nam để chuyển vào nội địa.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam chia sẻ: Các loại hàng hóa được vận chuyển qua đường mòn chủ yếu là hàng tiêu dùng như: Quần áo, linh kiện cơ khí, điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng… Các chủ buôn lậu ít khi xuất hiện, thường mua hàng qua trung gian, qua điện thoại, qua mạng Internet, thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp ở nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống cùng người địa phương sang Trung Quốc mua hàng.

Còn ông Vy Công Tường - Cục phó Cục Hải quan Lạng Sơn xác nhận, tình hình buôn lậu qua đường tiểu ngạch ở gần các khu dân cư như Đồng Đăng, Tân Thanh… vào dịp cuối năm có chiều hướng gia tăng. Hàng hóa được vận chuyển qua các đường mòn, lối mở. Ông Tường cũng xác nhận, quá trình xử lý các đối tượng vi phạm đôi khi còn thiếu cương quyết. Việc xử lý hàng mua gom còn lúng túng do các con buôn và cửu vạn tìm mọi cách để luồn hàng.

Trong khi Cục Hải quan Lạng Sơn và Chi cục Hải quan Cốc Nam “than khó” do địa hình và có nhiều khó khăn thì khi P.V vào vai để đi thâm nhập thực tế không hề gặp bất cứ ngăn chặn nào từ cơ quan chức năng.

CAO NGUYÊN - TRẦN VƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

“Nhộn nhịp” những cung đường buôn lậu

CAO NGUYÊN - TRẦN VƯƠNG |

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cuộc “chạy đua nước rút” để tuồn hàng lậu từ nước ngoài vào nội địa của các đối tượng buôn lậu càng diễn ra quyết liệt. Một lượng rất lớn hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng bị tuồn sâu vào nội địa, tác động xấu đến sản xuất và thị trường trong nước. Chưa kể, đối với hàng lương thực, thực phẩm lậu còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

“Nhộn nhịp” những cung đường buôn lậu

CAO NGUYÊN - TRẦN VƯƠNG |

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cuộc “chạy đua nước rút” để tuồn hàng lậu từ nước ngoài vào nội địa của các đối tượng buôn lậu càng diễn ra quyết liệt. Một lượng rất lớn hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng bị tuồn sâu vào nội địa, tác động xấu đến sản xuất và thị trường trong nước. Chưa kể, đối với hàng lương thực, thực phẩm lậu còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...