Yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xử lý
Ngày 21.3, thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Văn phòng UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản số 853/UBND-NNTNMT về việc xử lý thông tin phản ánh trên Báo Lao Động - liên quan đến loạt bài phản ánh, đề cập về một loạt các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý vận hành, kiểm tra giám sát việc sản xuất, cung ứng nước sạch sinh hoạt cho nhân dân tại tỉnh Thái Bình... dẫn đến người dân nhiều thôn, xã tại địa phương này dù bỏ tiền ra mua nhưng lại phải dùng nước bẩn, không có đủ nước để dùng... gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, quần chúng.

Nội dung văn bản do ông Nguyễn Duy Chinh - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình ký, gửi Sở NNPTNT, UBND các huyện, thành phố và Hội Nước sạch tỉnh Thái Bình - nêu: "Theo phản ánh của Báo Lao Động, trong thời gian vừa qua, việc cung cấp nước sạch sinh hoạt một số nơi trên địa bàn tỉnh thiếu cục bộ, áp lực yếu, chất lượng chưa đảm bảo còn xảy ra; nhân dân nhiều xã bỏ tiền mua nước sạch, “rước” về nước bẩn; nước sạch của nhiều xã ở Thái Bình bẩn như nước sông... Về vấn đề trên, UBND tỉnh chỉ đạo như sau: Giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố, Hội Nước sạch Thái Bình và các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh nêu trên, đề xuất giải pháp xử lý; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 25.3".
Đáng chú ý, trong văn bản này, Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình chưa đề cập, nhắc tên trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sinh hoạt của Sở Y tế Thái Bình (cụ thể là Khoa Sức khỏe Môi trường - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, CDC Thái Bình).
Hy vọng chỉ đạo không chỉ nằm trên... giấy
Trước đó, từ ngày 10.3, Báo Lao Động điện tử đã liên tiếp đăng tải 5 bài viết phản ánh, phân tích xung quanh vấn đề nêu trên. Sau khi các bài báo được đăng tải đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của hàng nghìn độc giả ở tỉnh Thái Bình. Bạn đọc, người dân Thái Bình còn tiếp tục gửi về tòa soạn Báo Lao Động thêm những thông tin, phản ánh mới liên quan chất lượng nước sạch sinh hoạt mà hàng ngày họ vẫn đang sử dụng, mất tiền để mua.
Nhức nhối nhất phải kể đến chùm 19 công trình cấp nước sạch tập trung cung cấp cho người dân 52 xã trong tỉnh - được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đóng góp đối ứng 10% của nhân dân - mà UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định giao cho Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý, vận hành và nâng cấp, cải tạo.
Theo Sở NNPTNT Thái Bình, đến nay, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long còn chưa trả hơn 45 tỉ đồng tiền vốn góp đối ứng 10% để xây dựng các công trình cấp nước sạch cho người dân 52 xã trong tỉnh Thái Bình. Lý do được đưa ra rằng doanh nghiệp này xin được ưu tiên dành kinh phí để quay vòng đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình.
Tuy nhiên, đầu tư nâng cấp ra sao chưa biết, nhưng tình trạng thiếu nước cục bộ, áp lực nước không ổn định, chất lượng nước không đảm bảo còn xảy ra ở ít nhất 29 thôn thuộc 13 xã trong toàn tỉnh sử dụng nước sạch từ các công trình kể trên.
Trong đó, trạm cấp nước Tự Tân (cung cấp nước cho nhân dân các xã Tự Tân, Tân Lập, Hòa Bình, Minh Khai và Tam Quang của huyện Vũ Thư), trạm cấp nước Thượng Hiền (cung cấp nước cho nhân dân xã Thượng Hiền, An Bồi của huyện Kiến Xương; xã Phương Công của huyện Tiền Hải), trạm cấp nước Vũ Bình (cung cấp nước cho nhân dân các xã Vũ Bình, Vũ Công, Quang Bình, Minh Hưng và Quang Minh của huyện Kiến Xương)... là những nơi bị nhân dân phản ánh, bức xúc nhiều nhất, nhức nhối nhất.
Trước đó, ngày 2.8.2021, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng, lập và triển khai kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn cho toàn bộ các công trình đã nhận bàn giao.