Tinh thần thượng tôn pháp luật và sự minh bạch của người thi hành công vụ

Nguyễn Duy Xuân |

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 26-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời lượng nói nhiều đến vấn đề thượng tôn pháp luật.

Thủ tướng đã dẫn lời Vua Lê Thánh Tông (1442-1497), người đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm, nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. 

Thủ tướng cũng trích dẫn lời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết năm 1919: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. 

Thủ tướng khẳng định: "Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương;… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh".[1] 

Điều đó cho thấy đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người đứng đầu Chính phủ hiện nay về việc thực thi luật pháp trong điều hành công việc hằng ngày của đất nước từ trung ương đến cơ sở. 

Vì sao Thủ tướng lại dành sự quan tâm đặc biệt về tinh thần thượng tôn pháp luật như vậy? 

Câu trả lời không khó. Thực tế cho thấy việc thực thi pháp luật thời gian qua trong cả nước còn nhiều bất cập.  

Nhiều vụ án oan gây bất bình sâu sắc trong xã hội, kéo dài hàng chục năm mới giải quyết xong, điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. 

Có hiện tượng cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng ép cung, làm "án bỏ túi" bất chấp những qui định của pháp luật. Hai vụ án oan chấn động dư luận nói trên là minh chứng cho những bất cập này của các ngành chức năng. 

Gần đây, báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài "Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế?". Bài báo chỉ rõ: “Liên ngành tư pháp” không phải là một “cơ quan”, cũng không phải một “tổ chức” hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, được pháp luật cho phép". 

“Liên ngành” không có “cơ quan chủ quản”; không có địa chỉ, quyết định thành lập và con dấu theo quy định,  đó là một chủ thể “vô hình”! 

"Hiến pháp Việt Nam từ 1946 đến nay và các văn bản pháp luật khác cũng chưa bao giờ đề cập đến khái niệm "Liên ngành tư pháp" vậy tại sao cho đến năm 2016 này “Liên ngành tư pháp” vẫn tồn tại với những quyền lực vượt trên cả Hiến Pháp và Nghị quyết của Bộ Chính trị?".[2] 

Một tổ chức "vô hình", không có tư cách pháp nhân nhưng lại có "siêu quyền lực" đứng trên cả Hiến Pháp thì liệu việc thực thi pháp luật có còn nghiêm minh? 

Trong lúc đó, nhiều văn bản luật của ta vẫn lộ những kẻ hở nên dẫn đến tình trạng lách luật; bao che, chạy tội cho kẻ vi phạm. 

Dường như trong thực tế, luật pháp còn ngoảnh mặt "làm ngơ" cho một số đối tượng mà có thể lấy dẫn chứng hai vụ việc sau đây để thấy được những nghịch lí, bất cập trong việc thực thi pháp luật. 

Trước hết là vụ hai thanh niên vì đói quá mà giật túi thức ăn trị giá 45.000đ, vừa bị TAND quận Thủ Đức (TP HCM) tuyên phạt tổng cộng 18 tháng tù 20 ngày tù về tội "Cướp giật tài sản" với tình tiết "dùng thủ đoạn nguy hiểm".[3] Đói, nghĩ cách giật túi bánh mì có giá chỉ bằng một tô phở bình dân mà bị cho là "thủ đoạn nguy hiểm" khi hai kẻ phạm tội thiếu "may mắn" này đang ở tuổi vị thành niên thì quả đúng là chưa có nơi đâu trên thế giới này luật pháp lại nghiêm khắc như vậy. Chuyện nghe cứ như trong tiểu thuyết. Văn hào Pháp Vich-to Huy-gô (1802-1885), cha đẻ nhân vật Giăng Van-giăng bị tù khổ sai vì ăn cắp một chiếc bánh mì cho cháu, có lẽ cũng phải ngả mũ bái phục. 

Cùng thời điểm tòa xử vụ trên thì vụ 5 lãnh đạo Vinaconex bỗng dưng được miễn xử lí trách nhiệm hình sự khiến dư luận hết sức "tâm tư". Cho đến nay, đường ống nước sông Đà bị vỡ đã 18 lần, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của 177.000 hộ dân với lượng nước ngừng cấp hơn 1,5 triệu m3, thời gian ngừng cấp là 343 giờ; gây thiệt hại cho doanh nghiệp hơn 13,458 tỉ đồng chi cho việc sửa chữa, khắc phục sự cố.

Kết luận của cơ quan điều tra cho hay, "từ năm 2004, HĐQT Vinaconex lúc đó gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch), Nguyễn Văn Tuân (Tổng giám đốc), Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm (các ủy viên) không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình khi quyết định thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh chưa được thẩm định; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng; có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ luật Hình sự".[4]  

Thế nhưng, những lãnh đạo Vinaconex được cho là "gây hậu quả nghiêm trọng" này lại được miễn trách nhiệm hình sự vì "có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu" (!?). 

Cái mà tòa án gọi là "thủ đoạn nguy hiểm" của hai thanh niên giật túi bánh mì, dư luận nghĩ nát óc cũng không thể hiểu được nó thực sự nguy hiểm như thế nào cho xã hội, có chăng là giá trị 45.000đ của túi bánh. Còn cái sự "gây hậu quả nghiêm trọng" của 5 quan chức cấp cao Vinaconex thì đã hiển hiện bằng những con số ấn tượng hàng tỉ và hậu quả mà nó gây ra cho gần cả triệu dân như đã nêu ở trên (nếu tính hết con số thiệt hại qui ra tiền thì có lẽ lên đến hàng trăm tỉ). 45.000 của hai thanh niên có giá 18 tháng tù 20 ngày tù, còn hàng trăm tỉ kia của các quan Vinaconex có giá thời gian tù bao nhiêu? 

Bỗng dưng thấy tủi lòng khi nghĩ đến câu khẩu hiểu vẫn vàng rực khắp nơi: "Mọi công dân đều bình đẳng trước Hiến Pháp và pháp luật!".  

Lại nghĩ đến mấy tháng trước, dư luận dậy sóng bởi chuyện cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh khởi tố vụ án quán cà phê "Xin chào" và cái chòi vịt. Để nhằm quy kết cho những đối tượng trong cuộc là có tội thì trong cái cách nhìn của vị đại tá và vị Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân ở huyện này thì hành vi "phạm tội" của ba "dân oan" nói trên đều được khẳng định là "nguy hiểm cho xã hội". 

Các vị thi hành pháp luật ở Bình Chánh nêu trên quyết ngăn chặn cho bằng được những hành vi gây "nguy hiểm cho xã hội" bằng một thứ suy nghĩ rất giản đơn của vị đại tá trưởng CA huyện rằng: 

"Nếu hỏi tôi vì sao xử lý hình sự vi phạm nhỏ, pháp luật đã quy định rồi, nếu tôi không xử lý thì có thể bị xem xét về việc bỏ lọt tội phạm. Tôi chỉ nghĩ là cần xử lý nghiêm nên phát hiện vi phạm là phải xử lý thôi”.[5] 

Lời của vị đại tá càng khẳng định điều mà bấy lâu nay được xem như là "chân lí" đối với người thi hành công vụ: Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót? 

Người thực thi luật pháp mà như thế thì khẩu hiệu "Mọi công dân đều bình đẳng trước Hiến Pháp và pháp luật!" chỉ mãi là giấc mơ. 

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng nhắc đến việc "phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến, để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài; phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai".[6] 

Chuyện "con ông cháu cha" đang gây bức xúc trong xã hội về sự bất bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Không phải từ trên trời rớt xuống cái "chân lí" đã được mặc định: "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ" trong việc bổ nhiệm cán bộ nhà nước hiện nay.  

Chuyện bổ nhiệm con em lãnh đạo không còn là cá biệt nữa mà đã "xuất hiện rất nhiều nơi. Có huyện, cả dòng họ làm lãnh đạo huyện, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo huyện. Bây giờ ở các bộ, ngành cũng có tình trạng đưa con cháu mình vào",[7] đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) khẳng định. 

Điển hình cho tình trạng bất tuân qui định của ngành, của luật pháp là vụ việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai vào Hội đồng thành viên Sabeco. Khi dư luận phản ứng, cả hai cha con đều khẳng định việc bổ nhiệm ông con hết chức vụ này sang chức vụ khác trong một thời gian ngắn đều "đúng qui trình", đúng luật. Xin thưa, đúng qui trình là phải rồi, bởi những người tham gia biểu quyết hay tham mưu cho ông cựu bộ trưởng đều là người dưới trướng, của ông thì làm sao dám tỏ thái độ một khi lợi ích dính chùm với nhau? 

Chuyện Thanh Hóa bổ nhiệm 8 phó giám đốc sở NN&PTNT vừa rồi cũng là một ví dụ điển hình cho việc bất tuân qui định của cấp trên khi địa phương tự cho mình quyền vượt quá khuôn khổ cho phép. Liệu có phải đây là biểu hiện của tư duy "cát cứ" hay tình trạng "trên bảo dưới không nghe" đang xuất hiện ngày càng nhiều trong hoạt động hằng ngày của bộ máy hành chính các cấp? 

Trong thực tế, người ta đang lợi dụng con bài "tập thể quyết định" cộng với sức ép quyền lực và "lợi ích nhóm" để tạo ra những qui trình đúng về hình thức nhưng lại bất minh về bản chất trong việc bổ nhiệm cán bộ, cấp phép dự án, thậm chí cả việc phong tặng các danh hiệu cao quí. Bài học vụ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, vụ anh hùng "dởm" Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế vẫn còn nóng hổi.

Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng trong nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi người, trước hết là cán bộ công chức về tinh thần thượng tôn pháp luật; làm cho bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở trong sạch thực sự và nhân dân được cất lên tiếng nói bình đẳng của mình với tư cách là người chủ của đất nước. 

Tài liệu tham khảo: 

[1,6]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/317725/thu-tuong-dan-loi-nguyen-trai-trong-phat-bieu-nham-chuc.html 

[2]. http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lien-nganh-tu-phap-la-gi-ma-quyen-luc-khiep-the-post169611.gd 

[3]. http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/cuop-banh-mi-khi-doi-2-thieu-nien-linh-an-3439329.html 

[4]. http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/5-lanh-dao-vinaconex-duoc-mien-xu-ly-hinh-su-vi-nhan-than-tot-3437439.html 

[5]. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Binh-Chanh-mot-khoang-troi-rieng-post167488.gd 

[7]. http://infonet.vn/bo-nhiem-can-bo-nhat-hau-due-nhi-tien-te-ba-quan-he-bon-tri-tue-post204604.info

Nguyễn Duy Xuân
TIN LIÊN QUAN

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.