Mới nhất là Sở Nội vụ TP. Hà Nội – thành phố Thủ đô, có đến 8 phó giám đốc với lí do không thể nào… kém tính lí do hơn: Do điều động vì không thể tiếp tục bổ nhiệm, chờ hưu (!). Có nghĩa là luật vẫn là luật, vẫn áp dụng, nhưng cũng vẫn có ngoại lệ. Áp dụng với cán bộ cấp dưới, nhân viên, còn với cán bộ cấp phó sở/phó phòng, thì ngoại lệ. Một “bước quá độ” về cơ cấu nhân sự thật khó mà chấp nhận.
Vào website sở này, thấy chỉ có 3 đơn vị trực thuộc (Ban Thi đua – Khen thưởng, Ban Tôn giáo, Chi cục Văn thư – Lưu trữ). Mỗi đơn vị có 1 cấp trưởng, thì hóa ra cấp phó của sở nhiều hơn cán bộ cấp dưới. Mỗi đơn vị nếu có từ 1-2 cấp trưởng và phó, thì hóa ra cấp phó của sở nhiều ngang ngửa cán bộ cấp dưới.
Mà đâu đã hết. Ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, vào thời điểm tháng 4.2017, một phòng như Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 8 người trong biên chế thì trong đó có đến 5 người giữ chức vụ lãnh đạo (1 trưởng phòng, 4 phó trưởng phòng) và chỉ có 3 người là nhân viên. Rồi Phòng Tổ chức cán bộ có 4 người nhưng có đến 3 người giữ chức vụ lãnh đạo (một trưởng phòng và 2 phó trưởng phòng), chỉ có duy 1 nhân viên.
Còn nữa. Ở Quảng Ninh, vào thời điểm tháng 10.2016, có đến 5 sở thừa cấp phó.
Chỉ tính riêng người làm quan chức thôi, với chức tước như thế, kèm theo lương lậu, bổng lộc, chế độ phòng ốc, xe cộ, phục dịch… thì đã ngốn tiền thuế của dân chí ít đã gấp 2-3 lần một nhân viên bình thường.
Và đáng nói nhất là ngân sách trả lương, phải gồng gánh cho cấp phó cấp quan lạm phát số lượng nhiều hơn so với qui định, trong khi người dân đóng thuế thực sự chẳng được hưởng lợi từ tình trạng dư thừa cấp phó như trên. Thậm chí ngược lại, gánh nặng quỹ lương buộc Nhà nước lại phải tận thu, sẽ sinh ra thêm nhiều khoản thu, khoản đóng, thì lại dội lên nghĩa vụ thuế của dân, doanh nghiệp chứ có khoản nào từ trên trời rơi xuống cho các quan hưởng đâu.
Tiền thuế dân chịu sao thấu, các ông/bà ơi!