“Phép vua” và “lệ làng“

Trương Khắc Trà |

“Phép vua” ở đây đại diện cho pháp luật chính thống của nhà nước, “lệ làng” chỉ là giao ước của một nhóm người, biểu hiện của văn hóa làng xã và tư duy nông nghiệp...

Nhà nước và pháp luật ra đời song song với nhau, nhà nước không thể không có pháp luật và pháp luật không thể tồn tại ở đâu ngoài nhà nước, đây là mệnh đề biện chứng đã được các nhà nghiên cứu cấu trúc xã hội thừa nhận. Một trong những đặc điểm lớn nhất của pháp luật là “tính lịch sử cụ thể”, có nghĩa là đúng trong trường hợp này, nhưng sai hoặc chưa đúng trong trường hợp khác, là luật của quốc gia này nhưng lại là điều nực cười đối với quốc gia khác…

Ở nước Anh, người tham gia giao thông phải đi bên trái, nhưng với số đông quốc gia còn lại đi bên phải mới đúng luật, ở một số nước Tây Á, luật quy định đàn ông được lấy nhiều vợ, nhưng với Việt Nam “hôn nhân chỉ được một vợ, một chồng”... có vô vàn những điều tréo ngoe có thể kể ra để thấy rằng pháp luật luôn có tính “lịch sử cụ thể”. Tại sao có sự khác biệt đó? Chính thực tiễn khách quan bao gồm môi trường sống, vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu…đã tạo nên sự khu biệt về văn hóa, tín ngưỡng, luật pháp của từng vùng miền, quốc gia, lãnh thổ. 

Ví dụ như những quốc gia xuất phát từ nền văn minh lúa nước (Phương Đông) do yêu cầu “trị thủy” nên mới tập hợp số đông người cùng sinh sống trong một vùng, từ đó sinh ra văn hóa làng xã và tính cố kết cộng đồng cao, ngược lại những quốc gia có nguồn gốc du mục (Phương Tây) thường đề cao sức mạnh cá nhân. Lịch sử xã hội Việt Nam cho thấy luật pháp còn có tính giai cấp nên nó (luật pháp) chỉ ra đời khi xã hội có giai cấp, vậy trước khi giai cấp ra đời thì người ta dùng cái gì để giữ ổn định trong cộng đồng? Đó chính là “lệ” – theo ngôn ngữ Việt Nam. 

“Lệ” thường đi kèm với “làng” vậy mới có câu “phép vua thua lệ làng”, chân lý này ra đời trong xã hội phong kiến nên “lệ” cũng phát triển mạnh trong thời kỳ này. Luật pháp Việt Nam ngày nay về sâu xa cũng được kế thừa từ những cái “lệ” như vậy, “lệ” ở đây chính là phong tục, tập quán, văn hóa tín ngưỡng của người Việt. 

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trên cơ sở đánh đổ đế quốc – phong kiến mới chỉ hơn 70 năm nên xã hội Việt Nam vẫn còn nặng những cái “lệ” chẳng giống ai. Đòi hỏi trước hết của một nhà nước pháp quyền là hệ thống luật pháp chặt chẽ, khoa học, công bằng, đủ sức để điều chỉnh mọi mối quan hệ trong xã hội, và hẳn nhiên gạt bỏ được những tàn dư lạc hậu của “lệ” đã ăn sâu vào tiềm thức của con người. Nói cách khác, luật phải được áp dụng và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ quốc gia chứ không thể có cái “lệ” nào có thể thay thế được. 

Năm 2014 ở Gio Linh – Quảng Trị xảy ra vụ án nghiêm trọng: Hơn 100 dân làng đã đánh chết 02 tên “cẩu tặc” ăn trộm chó. Vụ án này một thời gian dài gây xôn xao dư luận ở địa phương. TAND Quảng Trị từng mở phiên sơ thẩm vào tháng 11.2013, nhưng trả hồ sơ điều tra bổ sung vì nhiều người tự nhận đánh chết hai người nghi trộm chó!? Đây có lẽ là sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Tư pháp nước nhà, vì thật hiếm nơi nào lại có nhiều người tốt bụng xông vào nhận mình là hung thủ giết người! Đặc biệt hơn, khi vụ án được xét xử trở lại, kết quả có 6 bị cáo lĩnh án tù, nhiều người nước mắt lưng tròng tiễn các bị cáo… nhập trại. “Bắt trộm chó là việc chung cả làng. Đánh chết hai người nghi trộm chó cũng là cả làng chứ đâu phải mấy người đó. Thương hoàn cảnh của họ nên chúng tôi đưa tiễn để chia sẻ” [1]. Có phải vì cái “lệ” làng quá to nên cả làng mới xông lên cùng nhau nhận tội nhằm tạo sức ép lên tòa án. 

Thực tế lúc đầu TAND tỉnh Quảng Trị đã bối rối trước sức mạnh đoàn kết của dân làng.  Ăn trộm chó là hành vi đáng bị pháp luật trừng trị, đánh chết người ăn trộm chó cũng phạm phải tội giết người… tất cả phải được pháp luật soi rọi để phân minh đúng - sai rạch ròi, hành vi bao che của một tập thể người dù mạnh cỡ nào cũng không phải là điều hay lẽ phải. 

Cách đây chưa lâu, người dân kinh doanh máy gặt lúa tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành - Nghệ An đã phải ký bản cam kết và đóng 2 triệu đồng cho UBND xã. Cụ thể, trong thời gian từ 30.8 đến 3.9, chính quyền xã Bắc Thành thu mỗi người cho thuê máy gặt 2 triệu đồng, tổng cộng 19 chủ máy gặt từ tỉnh khác tới hoạt động trên địa bàn xã đã phải đóng 38 triệu đồng! Bất kể phương tiện nào muốn xuống ruộng cắt lúa phải đóng tiền cho công an, còn nếu không đóng tiền thì không được phép gặt lúa ở vùng này. 

Trả lời trên báo chí, vị Phó chủ tịch xã này cho biết: “Mục đích thu số tiền trên là để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, răn đe những người kinh doanh máy gặt phải có trách nhiệm giữ gìn cầu đường khi qua lại… Nếu chủ kinh doanh máy gặt nào vi phạm thì xã sẽ xử phạt và trừ vào số tiền 2 triệu đồng”[2]. 

Thật khó tin, đó lại là sự thật 100%. Luật pháp đang “lơ lửng” ở đâu trong trường hợp này? phải chăng cái “lệ” nêu trên đang "mon men" từng ngày len lỏi vào đời sống xã hội? 

Chưa hết, mới đây xảy ra chuyện có đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận làm trưởng đoàn đã giữ một người bán vé số dạo ngay trước cổng chợ Phan Rang. Lý do bởi trên tay người phụ nữ bán vé số này đang cầm 8 tờ vé số do Cty TNHH MTV xổ số kiến thiết Bình Thuận phát hành. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tịch thu, lập biên bản xử phạt người bán vé số vì hành vi “bán vé số trái tuyến”, dù pháp luật hoàn toàn không có quy định nào bắt và phạt người bán vé số dạo nếu bán vé số sai vùng phát hành. 

Ở chừng mực nào đó, Hội đồng nhân dân các cấp có quyền ban hành các Nghị quyết riêng cho địa phương mình, nhưng không có nghĩa là khu biệt theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”. Người viết không có ý “nghiêm trọng hóa” vấn đề, nhưng hành động xử phạt người bán vé số của đoàn kiểm tra liên ngành đã đi ngược lại với xu thế phát triển nền kinh tế thị trường! 

Xét nguồn gốc sâu xa, “lệ” là xuất phát điểm, là “bà đỡ” của luật, nhưng nếu không kiểm soát tốt “lệ” sẽ phá hoại, vô hiệu hóa luật. Mặt khác, biểu hiện nguy hiểm hơn của “lệ” là “rò rỉ” quyền lực, vì quyền lực được sử dụng bừa bãi để ban hành những cái “lệ” trái khoáy. Hãy nhìn vào văn hóa giao thông mới thấy được cái “lệ” của người Việt mới đáng sợ làm sao, tắc đường ư? đèn đỏ ư? Cứ vượt lên lề mà đi, hãy cố chen lên mà đi! Thật chẳng mấy vui vẻ khi lời nhận xét của một người bạn nước ngoài về cái “lệ” giao thông của ta như thế đấy! 

Tài liệu tham khảo: 

-[1]http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/6-bi-cao-danh-chet-ke-nghi-trom-cho-duoc-hon-100-nguoi-tien-vao-tu-3094938.html 

-[2]http://dantri.com.vn/ban-doc/nghe-an-nhieu-chu-may-gat-meo-mat-vi-bi-cong-an-xa-thu-tien-bao-ke-2016090607210479.htm 

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.


 

Trương Khắc Trà
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.