Không biết đó có phải là chút ăn năn, hối hận cuối cùng của Tình – một sát thủ máu lạnh, lạnh cả khi hạ thủ thực hiện hành vi tội ác cho đến khi ra tòa đối mặt với án tử.
Chính vì máu lạnh và sự bình thản trước án tử mà dư luận đã rất đồng tình với phán quyết của tòa loại bỏ bị cáo này ra khỏi xã hội vĩnh viễn.
Song có một vấn đề, trước nguyện vọng của tử tù Tình muốn “hiến tạng cho y học”, dư luận xã hội không phải ai cũng cảm thấy dễ dàng tiếp nhận.
Đành rằng về mặt luật pháp, Tình đã trên 18 tuổi, tự nguyện hiến tạng, không bị pháp luật qui định cấm. Tuy nhiên, trường hợp tử tù hiến xác cũng chưa được đề cập trong các văn bản luật. Cho dù tòa đã ghi nhận nguyện vọng của Tình và cho biết sẽ thông báo lại cho cơ quan y tế, tuy nhiên việc cơ quan y tế có đủ thẩm quyền tiếp nhận hoặc muốn tiếp nhận hay không lại là một câu chuyện khác.
Cần nhớ rằng, năm 2016, khi Nguyễn Hải Dương trong vụ giết 6 người ở Bình Phước thụ án chờ tử hình, cũng đã bày tỏ nguyện vọng được hiến xác cho khoa học, tuy nhiên cuối cùng việc đó đã không diễn ra.
Dư luận khi đó cho rằng, vấn đề vướng thứ nhất là hành lang pháp lí đối với việc tử tù hiến xác cho khoa học. Thứ hai, tử tù bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và nội tạng, không dễ bảo đảm điều kiện để ghép tạng cũng như không còn “sạch” để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Nhưng vấn đề thứ ba, thậm chí còn là rào cản lớn hơn, chính là dư luận xã hội và chuyện tâm linh. Ít có ai cảm thấy dễ chịu khi nghĩ về việc tạng của tử tù máu lạnh giết 5, 7 người trở thành một phần của cơ thể họ sau khi được ghép; hay việc sử dụng xác tử tù máu lạnh giết người không run tay phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo (cho sinh viên trường y) cũng dễ gây hiệu ứng dư luận, tâm lí không hay đối với những công việc chân chính và đúng đắn.