Ngày 10.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 348 trường hợp có khả năng mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đã được xác định. Các giả thuyết hàng đầu vẫn là những giả thuyết liên quan đến adenovirus.
Các trường hợp viêm gan đã được báo cáo ở 20 quốc gia, với 70 trường hợp bổ sung từ 13 quốc gia khác đang chờ xác nhận.
Hơn 160 trường hợp được báo cáo ở Anh và chỉ có 6 quốc gia báo cáo hơn 5 trường hợp.
AFP dẫn lời bà Philippa Easterbrook, chuyên gia thuộc chương trình viêm gan toàn cầu của WHO, nói rằng đã có một số tiến bộ quan trọng với các cuộc điều tra sâu hơn. Bà cho biết Anh đã điều phối một loạt các nghiên cứu toàn diện xem xét di truyền của những trẻ bị mắc bệnh, phản ứng miễn dịch của trẻ, virus và các nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn.
WHO lần đầu tiên được thông báo vào ngày 5.4 về 10 trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở Scotland, được phát hiện ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đang điều tra 109 trường hợp như vậy, trong đó có 5 trường hợp tử vong được báo cáo.
"Hiện tại, các giả thuyết hàng đầu vẫn là những giả thuyết liên quan đến adenovirus - ngoài ra cũng có cân nhắc quan trọng về vai trò của COVID-19, như một bệnh đồng nhiễm hoặc một bệnh đã mắc trong quá khứ" - bà Easterbrook nói.
Các cuộc xét nghiệm thêm trong tuần qua đã xác nhận rằng khoảng 70% các trường hợp dương tính với adenovirus, với loại phụ 41 - thường liên quan đến viêm dạ dày ruột - loại phụ phổ biến.
Xét nghiệm cũng cho thấy khoảng 18% trường hợp có kết quả dương tính với COVID-19.
Bà Easterbrook cho hay, trọng tâm lớn trong tuần tới là xem xét xét nghiệm huyết thanh học để tìm các trường hợp phơi nhiễm và nhiễm COVID-19 trước đó.
Nhà khoa học nói rằng, cần có dữ liệu từ Anh về nghiên cứu kiểm soát ca bệnh để so sánh xem liệu tỷ lệ phát hiện adenovirus có khác với tỷ lệ phát hiện ở những trẻ nhập viện khác hay không. Bà cho hay, các nghiên cứu bằng kính hiển vi đối với các mẫu gan và sinh thiết không cho thấy đặc điểm điển hình nào có thể xảy ra với tình trạng viêm gan do adenovirus.
Adenovirus thường lây lan khi tiếp xúc gần với cá nhân, các giọt đường hô hấp và bề mặt. Chúng thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc thậm chí là rối loạn tiêu hóa.
WHO gọi sự bùng phát của các đợt viêm gan nặng là bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ. Ba trẻ em ở Indonesia đã chết vì căn bệnh này. Một số trường hợp đã gây ra suy gan và phải cấy ghép. Nhiều trường hợp bị vàng da và gặp các triệu chứng tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.
Sau khi phát hiện ra 169 trường hợp đầu tiên, WHO cho biết các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E) không được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào.