Khoảng trống lớn hơn nằm ngay phía trên phòng trưng bày lớn, dài khoảng 30m và cao 6m, theo những lần quét kim tự tháp trước đó. Các nhà khảo cổ không chắc chắn về những gì bên trong khoảng trống đó - có thể là một khu vực rộng lớn hoặc một số phòng nhỏ. Họ cũng hy vọng sẽ tìm ra chức năng của khoảng trống, khả năng cao nhất là lối đi dẫn đến lăng mộ bí mật của pharaoh Khufu. Cũng có khả năng là nó đóng một số vai trò trong việc xây dựng kim tự tháp.
Các lần quét trước đó cũng cho thấy một khoảng trống thứ hai, nhỏ hơn nhiều, ngay bên ngoài mặt phía bắc của kim tự tháp. Chức năng của nó cũng chưa được làm rõ.
Được xây dựng cho pharaoh Khufu (trị vì vào khoảng năm 2551 trước Công nguyên đến năm 2528 trước Công nguyên), Đại Kim tự tháp Giza là kim tự tháp lớn nhất từng được xây dựng ở Ai Cập cổ đại.
Từ năm 2015 đến năm 2017, dự án "Quét Kim tự tháp" đã thực hiện một loạt các lần quét các hạt muon - các hạt vũ trụ thường xuyên rơi xuống Trái đất - để phát hiện bất kỳ khoảng trống nào trong Đại Kim tự tháp. Những lần quét đó đã giúp phát hiện cả 2 khoảng trống trong năm 2017.
Giờ đây, một nhóm mới đang có kế hoạch quét lại Đại Kim tự tháp, nhưng lần này sẽ là với một hệ thống thiết bị tân tiến hơn, giúp phân tích các hạt muon một cách chi tiết hơn. Muon là các hạt cơ bản mang điện tích âm, hình thành khi các tia vũ trụ va chạm với các nguyên tử trong bầu khí quyển của Trái đất. Các nhà khoa học có thể sử dụng máy dò siêu nhạy để xác định chính xác các hạt và lập bản đồ các khu vực mà họ không thể khám phá về mặt vật lý, như với Đại Kim tự tháp. Từ đó, khám phá danh tính của các hiện vật bên trong 2 khoảng trống.
Nhóm nghiên cứu đã được Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho phép tiến hành quét, nhưng sẽ phải kêu gọi thêm các nguồn tài trợ cho toàn bộ dự án. Họ hiện chỉ có đủ kinh phí để tiến hành mô phỏng và thiết kế một số nguyên mẫu. Một khi có đủ tiền, họ sẽ mất khoảng 2 năm để chế tạo các thiết bị dò tìm và cần từ 2-3 năm quan sát để thu thập đủ dữ liệu cho việc nghiên cứu kim tự tháp.