Sri Lanka phải nhập khẩu để đáp ứng hơn 80% nguồn cung thuốc men nhưng với dự trữ ngoại hối đang dần cạn kiệt vì khủng hoảng kinh tế, nhiều dược phẩm quan trọng đang dần biến mất khỏi kệ, hệ thống y tế cận kề sụp đổ.
Tại bệnh viện ung thư Apeksha với quy mô 950 giường ở ngoại ô thủ đô thương mại Colombo, bệnh nhân, người thân cùng các bác sĩ ngày càng vô vọng vì thiếu thốn, buộc họ phải dừng xét nghiệm và hoãn nhiều thủ tục, trong đó có cả các ca phẫu thuật quan trọng.
“Mọi thứ rất tệ với bệnh nhân ung thư”, bác sĩ Roshan Amaratunga chia sẻ với Reuters. “Có lúc trong buổi sáng chúng tôi lên kế hoạch phẫu thuật nhưng lại không thể thực hiện trong ngày hôm đó… do không có đủ dụng cụ”.
Nếu tình hình không nhanh chóng cải thiện, một số bệnh nhân sẽ đối mặt với một án tử thực sự, ông cảnh báo.
Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948 do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giá dầu tăng, chính sách giảm thuế theo chủ nghĩa dân túy và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học - dẫn đến ngành nông nghiệp bị tàn phá.
Saman Rathnayake, quan chức chính phủ Sri Lanka phụ trách mua sắm vật tư y tế, nói khoảng 180 mặt hàng đã hết, bao gồm thuốc tiêm cho bệnh nhân lọc máu, thuốc cho bệnh nhân đã phẫu thuật cấy ghép và một số thuốc điều trị ung thư.
Theo Rathnayake, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều tổ chức đa phương đang hỗ trợ Sri Lanka nhưng phải mất 4 tháng các mặt hàng mới được chuyển đến. Trong thời gian này, Sri Lanka đã kêu gọi các nhà tài trợ tư nhân, cả ở trong và ngoài nước, giúp đỡ.
“Nỗi sợ khổng lồ”
Các bác sĩ còn lo ngại nhiều hơn cả bệnh nhân hay thân nhân người bệnh bởi họ biết mức độ nghiêm trọng của tình hình và hậu quả.
Đề cập đến những hàng dài chờ mua xăng và khí đốt, bác sĩ Vasan Ratnasingam, người phát ngôn Hiệp hội Nhân viên Y tế Chính phủ Sri Lanka, nói hậu quả đối với những người chờ được điều trị còn thảm khốc hơn.
“Nếu bệnh nhân phải xếp hàng để có thuốc, họ sẽ mất mạng”, Ratnasingam mô tả.
Mẹ của Binuli Bimsara, bé gái 4 tuổi đang phải điều trị ung thư máu, cho biết cô và chồng đều đang vô cùng lo sợ.
“Trước đó, chúng tôi còn có chút hy vọng là có thể điều trị bệnh cho con nhưng giờ đây, chúng tôi đang sống trong nỗi sợ hãi khổng lồ. Chúng tôi thực sự bất lực, tương lai của chúng tôi thực sự đen tối khi biết tin thiếu thuốc men. Chúng tôi không có tiền để đưa con ra nước ngoài điều trị” - cô nói.
Nhà chức trách Ấn Độ đã vận chuyển 25 tấn vật tư y tế cùng các hàng viện trợ khác vào ngày 22.5, các quan chức cho biết.
“Chưa bao giờ Ấn Độ hỗ trợ một quốc gia khác như vậy… Đây là điều chúng tôi vô cùng biết ơn”, Ngoại trưởng Sri Lanka G.L. Peiris phát biểu tại cảng Colombo. Cạnh ông là một tàu chở hàng nghìn kiện hàng.
“Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất Sri Lanka phải đối mặt kể từ khi độc lập”.