Angelina Jolie đã được nhìn thấy trên đường phố Lviv ở miền Tây Ukraina hôm 30.4, nói chuyện với người hâm mộ trong một quán cà phê và gặp gỡ những người di tản vì cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Angelina Jolie từng làm đại sứ thiện chí cho Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) trong nhiều năm, nhưng được cho là đến Ukraina với tư cách cá nhân.
ITV đưa tin, Angelina Jolie được nhìn thấy đang ký tặng trong một quán cà phê và gặp gỡ những người tị nạn tại một ga tàu hoả. Người phát ngôn của nữ diễn viên nói thêm rằng cô cũng đã đến thăm trẻ em mồ côi và trẻ phải di tản tại một bệnh viện.
Angelina Jolie và đoàn tùy tùng của cô có lúc cũng được nhìn thấy đang chạy khi có cảnh báo không kích, mặc dù không có cuộc tấn công tên lửa nào được báo cáo ở Lviv vào ngày 30.4. Nằm ở phía Tây Ukraina, chỉ cách biên giới Ba Lan 70 km, Lviv đã không để xảy ra giao tranh dữ dội như ở miền Đông và miền Nam Ukraina.
Tuy nhiên, Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng tên lửa trong khu vực. Đầu tháng này, một cơ sở quân sự trong thành phố đã bị tấn công, và một trung tâm huấn luyện tổ chức các "lính đánh thuê" nước ngoài cách đó khoảng 30 km bị tấn công vào tháng 3.

Mặc dù Angelina Jolie đã làm việc với UNHCR trong nhiều năm với tư cách là phái viên, người phát ngôn của cô nói rằng chuyến đi tới Ukraina là chuyến đi với tư cách cá nhân, tập trung vào tìm hiểu nhu cầu của trẻ em. Trong thời kỳ cao điểm của nội chiến Syria năm 2013, Jolie cũng thực hiện một chuyến đi tương tự để gặp gỡ những người tị nạn Syria ở Lebanon, và vào năm 2018, gặp gỡ các nhóm người di tản ở Jordan và Iraq.
Chuyến thăm của nữ diễn viên Hollywood tới Lviv diễn ra vài ngày sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.