Trí tuệ nhân tạo đã phát triển và thu về một mức độ quan tâm cao kể từ khi “cơn sốt” ChatGPT bùng nổ.
Chatbot AI với các phản ứng giống con người một cách kỳ lạ đã châm ngòi cho cuộc đua của nhiều gã khổng lồ công nghệ.
Các công ty công nghệ nhỏ hơn hiện đang gấp rút tung ra các dịch vụ đối thủ của họ.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, công nghệ AI vẫn là một thứ khá mới mẻ và Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn các công ty cẩn thận, đảm bảo rằng sản phẩm của họ an toàn trước khi cung cấp cho công chúng.
Theo AP và Reuters, tổng thống Mỹ đã gặp gỡ các cố vấn khoa học và công nghệ của mình, bao gồm các học giả và giám đốc điều hành của Google và Microsoft, để thảo luận về "rủi ro và cơ hội" của trí tuệ nhân tạo.
Mặc dù cuộc họp có thể sẽ không dẫn đến quyết định cấm ChatGPT như những gì đã xảy ra ở Italy, nhưng tổng thống Mỹ dường như không tin rằng AI hoàn toàn an toàn vào thời điểm này. Khi được hỏi liệu công nghệ AI có nguy hiểm hay không, ông đã trả lời: "Vẫn còn phải xem. Có thể”.
Tổng thống Mỹ nói với nhóm cố vấn: "Theo quan điểm của tôi, các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi công bố chúng.
AI có thể giúp giải quyết một số thách thức rất khó khăn như bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng nó cũng có những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội của chúng ta, đối với nền kinh tế của chúng ta, đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Nhà Trắng cũng thông báo rằng tổng thống đã tận dụng cơ hội này để thảo luận về "tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền và sự an toàn để đảm bảo sự đổi mới có trách nhiệm và các biện pháp bảo vệ phù hợp”.
Hơn nữa, ông đã nói về những lời kêu gọi trước đây của mình đối với Quốc hội để thông qua luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng.
Có vẻ như các chính sách không được đưa ra và những thay đổi lớn đã được lên kế hoạch trong cuộc họp. Nhưng Russell Wald từ Viện trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm của Stanford nói với AP rằng tổng thống đã tạo "sân khấu cho một cuộc đối thoại quốc gia về chủ đề này bằng cách nâng cao sự chú ý đến AI".
Năm ngoái, chính quyền Biden cũng đã công bố Kế hoạch chi tiết cho Dự luật về Quyền của AI. Nó nhằm hướng dẫn thiết kế và triển khai AI và các hệ thống tự động khác theo cách bảo vệ "công chúng Mỹ trong thời đại trí tuệ nhân tạo".
Trí tuệ nhân tạo và những rủi ro
Trong khoảng thời gian gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phải đối mặt với một số thách thức, một trong số đó đã dẫn đến lệnh cấm ChatGPT ở Italy.
Sự cố để lộ thông tin của ChatGPT cùng tốc độ phát triển thần tốc của các mô hình đào tạo AI đã khiến một số chuyên gia lên tiếng.
Theo đó, tỉ phú công nghệ Elon Musk cùng các chuyên gia khác đã cùng nhau ký vào một bức thư, với yêu cầu các công ty công nghệ tạm dừng phát triển công nghệ AI mạnh mẽ hơn mô hình GPT-4 để có thời gian đánh giá rủi ro cũng như chuẩn bị cho tương lai.
Các chuyên gia về công nghệ AI đang ngày càng lo ngại về khả năng các công cụ này đưa ra phản ứng sai lệch, lan truyền thông tin không chuẩn và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.
"Những tháng gần đây, các phòng thí nghiệm AI đã bị cuốn vào một cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát nhằm phát triển và triển khai những trí tuệ kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai, kể cả những người tạo ra chúng, có thể hiểu, dự đoán hoặc chắc chắn kiểm soát được", bức thư từ Viện Tương lai sự sống viết.
Sức nóng của công nghệ AI đã làm dấy lên những lo ngại mới về những hậu quả không lường trước được, bên cạnh những lợi ích thực sự. Max Tegmark - Chủ tịch Future of Life Institute và là giáo sư vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết, những tiến bộ trong lĩnh vực AI đã vượt qua những dự báo vài năm trước.
"Thật đáng tiếc khi coi sự phát triển AI như một cuộc chạy đua vũ trang. Nó giống một cuộc đua tự sát hơn. Không quan trọng ai sẽ về đích trước. Quan trọng là toàn nhân loại có thể mất quyền kiểm soát vận mệnh của chính mình", ông Tegmark nói.