Theo South China Morning Post, TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance với hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu gặp thách thức với việc mở rộng quy mô do biến động nhân sự và một số hoài nghi về bảo mật bảo mật dữ liệu của nền tảng này.
Những "mất mát" mà Tiktok đang gặp phải
Theo Wired, vào ngày 18.7, TikTok cũng đã cảnh báo nhân viên ở Mỹ và Anh về việc cắt giảm nhân sự sắp tới. Những nơi khác tại Châu Âu, vấn đề sa thải cũng bắt đầu âm ỉ trong nội bộ.
Ngày 19.7, David Ortiz, từng làm việc tại Salesforce và Snap, người đứng đầu mảng sản phẩm kiếm tiền của TikTok tại Mỹ, đã thông báo nghỉ việc trên LinkedIn, ông cho biết vai trò của mình tại mạng video ngắn "bị loại bỏ trong nỗ lực tái cơ cấu toàn bộ công ty".
Những thay đổi về nhân sự cũng đã diễn ra ở các cấp cao hơn. Vào ngày 17.7, mạng video ngắn thuộc ByteDance thông báo Kim Albarella, hiện phụ trách về rủi ro bảo mật sẽ thay thế cho Roland Cloutier sẽ từ chức giám đốc an ninh toàn cầu và chuyển sang vai trò cố vấn chiến lược từ tháng 9.
TikTok hiện chưa đưa ra bình luận, tuy nhiên theo Wired, phát ngôn viên Anna Sopel đã nói rằng công ty thường có các đợt điều chỉnh nhân sự để phù hợp với các mục tiêu của mình. “Có một số lượng nhỏ các vai trò trong các nhóm hoạt động và tiếp thị đã thay đổi trọng tâm. Điều này không thể gọi là tái cấu trúc toàn công ty”, phát ngôn viên Anna Sopel chia sẻ.
Các nước phương Tây lo ngại quyền bảo mật dữ liệu của TikTok
Động thái mới của TikTok diễn ra trong bối cảnh hoạt động bảo mật dữ liệu của TikTok bị nghi ngờ tại nhiều thị trường. Tuần trước, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy thông báo TikTok có thể đã vi phạm quy tắc của Liên minh Châu Âu (EU) khi cung cấp quảng cáo hướng mục tiêu mà không có sự đồng ý của người dùng. Một đại diện TikTok sau cho biết, công ty "cố gắng xây dựng trải nghiệm được cá nhân hóa" đồng thời "cam kết tôn trọng quyền riêng tư của người dùng".
Ngày 16.7, theo Bloomberg, CEO TikTok Chew Shou Zi viết trong email rằng nhân viên công ty tại Trung Quốc có thể xóa các giao thức bảo mật để truy cập một số thông tin nhất định của người dùng TikTok Mỹ, gồm cả video, nhận xét công khai và thậm chí có thể xóa chúng. Zi sau đó thừa nhận vấn đề, nhưng nhấn mạnh không có dữ liệu nào được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc.
Ngày 18.7, theo Australian Financial Review, nghiên cứu từ công ty an ninh mạng Internet 2.0 của Australia cho thấy TikTok đã thu thập lượng dữ liệu người dùng "quá mức". Chuyên gia của Internet 2.0 đã phân tích và nhận thấy ứng dụng thuộc ByteDance kiểm tra vị trí thiết bị ít nhất một lần một giờ, liên tục tìm cách truy cập vào danh bạ ngay cả khi người dùng từ chối. Sau đó, TikTok phản hồi rằng "dữ liệu mà ứng dụng của họ thu thập còn ít hơn nhiều so với các phần mềm phổ biến khác".
Còn tại Mỹ, Brendan Carr, đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), cũng công khai đề nghị Apple và Google xóa TikTok khỏi hai cửa hàng ứng dụng là App Store và Play Store với lý do "có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia do thu thập dữ liệu trên diện rộng".
Những giải pháp "trấn an" người dùng của Tiktok
Để giải quyết các lo ngại, TikTok hiện thành lập bộ phận mới có tên Bảo mật dữ liệu tại Mỹ. Theo Michael Beckerman, người đứng đầu chính sách công của TikTok khu vực Châu Mỹ, bộ phận này sẽ làm nhiệm vụ "giảm thiểu quyền truy cập của nhân viên vào dữ liệu người dùng Mỹ và giảm việc gửi dữ liệu giữa các khu vực, bao gồm cả dữ liệu đến Trung Quốc".
Ngoài ra, để trấn an người dùng, TikTok cho biết họ có kế hoạch thành lập trung tâm minh bạch để giải thích hệ thống mã nguồn của ứng dụng và cách thức hoạt động của thuật toán trên mạng video ngắn.
Việc thử nghiệm dự kiến diễn ra tại Los Angeles, Washington và Dublin. TikTok cũng đã nhiều lần nói rằng dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ cục bộ, với các bản sao lưu ở Singapore. Vào tháng 6, công ty cho biết họ đang bắt đầu chuyển tất cả dữ liệu của người dùng Mỹ sang các máy chủ do Oracle kiểm soát.