Theo Reuters, TikTok và ByteDance đệ đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Mỹ dành cho Khu vực Quận Columbia, lập luận rằng luật này vi phạm Hiến pháp Mỹ, bao gồm cả việc vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất.
Đạo luật được Tổng thống Joe Biden ký vào ngày 24.4, cho ByteDance thời hạn đến ngày 19.1.2025 để bán TikTok nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.
Hồ sơ kiện của các công ty cho biết, việc thoái vốn đơn giản là không thể thực hiện được, không phải về mặt thương mại, không phải công nghệ, không hợp pháp.
“Không còn nghi ngờ gì nữa: Đạo luật (luật) sẽ buộc TikTok phải đóng cửa trước ngày 19.1.2025, ảnh hưởng tới 170 triệu người Mỹ, những người sử dụng nền tảng này để giao tiếp theo những cách không thể sao chép ở nơi khác”, theo hồ sơ khởi kiện của TikTok và ByteDance.
Vụ kiện là động thái mới nhất của TikTok nhằm đi trước nỗ lực đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ khi các công ty như Snap và Meta tìm cách tận dụng sự bất ổn của TikTok để làm lợi thế trong ngành quảng cáo.
Do các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng ứng dụng TikTok, biện pháp này đã được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo chỉ vài tuần sau khi được đưa ra. TikTok đã phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ.
Hồ sơ vụ kiện cho biết, chính phủ Trung Quốc “đã nói rõ rằng họ sẽ không cho phép thoái vốn công cụ đề xuất, vốn là chìa khóa thành công của TikTok tại Mỹ”.
Theo đơn kiện, 58% ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu bao gồm BlackRock, General Atlantic và Susquehanna International Group, 21% thuộc sở hữu của người sáng lập công ty người Trung Quốc và 21% thuộc sở hữu của nhân viên - bao gồm khoảng 7.000 người Mỹ.