Từ thế hệ iPhone 12, Apple đã chính thức không trang bị củ sạc đi kèm và tai nghe EarPods trong hộp đựng iPhone. Điều này đã từng gây ra bức xúc lớn trong cộng đồng người dùng các thiết bị iDevice.
Tuy nhiên, Apple vẫn giữ cách làm này cho iPhone 13 series và dự kiến sẽ tiếp tục với iPhone 14 sắp tới. Giải thích cho việc làm này, Apple cho biết hãng muốn giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.
Cụ thể, “gã khổng lồ” công nghệ có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ việc hạn chế sản xuất phụ kiện, ngoài ra còn giảm kích thước hộp vận chuyển cho mỗi chiếc iPhone được bán ra.
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu môi trường có phải là mục tiêu duy nhất? Câu trả lời là không. Việc cắt giảm phụ kiện trong hộp iPhone cũng giúp Apple tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Theo Daily Mail, nhờ loại bỏ củ sạc và tai nghe, Apple đã tiết kiệm được tổng cộng 6,5 tỉ USD (tương đương 148.707 tỉ đồng).
Nhờ bỏ đi phụ kiện, kích thước hộp đựng được thu gọn, Apple có thêm đến 70% thiết bị cho mỗi kiện hàng được vận chuyển. Từ đó chi phí vận chuyển iPhone đến tất cả các quốc gia trên thế giới giảm đi 40% so với trước đây.
Nhiều nhà phân tích đã tính toán rằng, mặc dù mức giá niêm yết tại các thị trường không hề thay đổi nhưng Apple có thể tiết kiệm khoảng 35 USD cho mỗi chiếc iPhone được bán ra.
Tính từ thời điểm tuyên bố loại bỏ củ sạc và tai nghe ra khỏi hộp iPhone, Apple đã xuất xưởng khoảng 190 triệu chiếc iPhone. Theo tính toán của Daily Mail, 6,5 tỉ USD mà Apple tiết kiệm được đến từ cả việc cắt giảm trong sản xuất và tinh gọn trong vận chuyển.
Loại bỏ củ sạc và tai nghe nhưng giá thành sản phẩm không hề giảm xuống. Đây có lẽ là yếu tố quyết định giúp con số Apple tiết kiệm được trở thành lợi nhuận khổng lồ sau hai năm triển khai quyết định mới này.