Theo Reuters, quốc đảo Tuvalu sẽ tái hiện lại toàn bộ các quần đảo cũng như đặc điểm địa lý, bảo tồn toàn bộ giá trị văn hóa, lịch sử nhằm chuẩn bị cho tương lai bị nước nhấn chìm.
Trong buổi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27, Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, ông Simon Kofe, cho biết, đã tới lúc Tuvalu xem xét các giải pháp thay thế cho sự tồn vong, trong đó có việc đưa quần đảo này trở thành quốc gia số hóa đầu tiên trong metaverse - vũ trụ kỹ thuật số sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), để truy cập, tương tác với các nội dung.
"Đất đai, đại dương, văn hóa của chúng tôi là tài sản quý giá nhất của người dân và để giữ chúng an toàn khỏi bị tổn hại, bất chấp những gì xảy ra ở thế giới thật, chúng tôi sẽ đưa Tuvalu lên đám mây", ông Simon Kofe phát biểu trong video thể hiện mình đang đứng ở bản sao kỹ thuật số của một hòn đảo bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao.
Ông Simon Kofe từng gây chú ý toàn cầu tại COP26 năm ngoái, khi đứng phát biểu trong hoàn cảnh nước ngập tới đầu gối nhằm minh họa cho những gì Tuvalu đang phải trải qua dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Simo Kofe cũng cho rằng, Tuvalu phải hành động vì những quốc gia khác trên thế giới đã hành động không đủ hiệu quả để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Trước quốc đảo Tuvalu, từng có thành phố Seoul (Hàn Quốc) và quốc đảo Barbados tuyên bố sẽ bước vào metaverse để cung cấp dịch vụ hành chính và lãnh sự.
Tuvalu là một quần thể gồm 9 hòn đảo nằm giữa Australia và Hawaii với dân số khoảng 12.000 người.
Hiện có khoảng 40% diện tích thủ đô nước này nằm dưới mực nước thủy triều và toàn bộ đất nước được dự báo sẽ bị nhấn chìm vào cuối thế kỷ này.
Ông Simo Kofe hy vọng việc thành lập một quốc gia kỹ thuật số sẽ cho phép Tuvalu tiếp tục hoạt động như một đất nước bình thường ngay cả khi nó bị nhấn chìm hoàn toàn.
Điều này rất quan trọng khi chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo rằng Tuvalu vẫn sẽ tiếp tục được cộng đồng quốc tế công nhận về quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải cùng các tài nguyên dù đã nằm dưới nước.