Theo đó, người dùng Twitter @gamr12, người tham gia phân phối phần mềm giả lập RetroArch trên Xbox, đã đăng thông báo lỗi mà họ nhận được khi cố gắng khởi chạy nội dung giả lập.
"Không thể khởi chạy trò chơi hoặc ứng dụng này. Trò chơi hoặc ứng dụng bạn đang cố gắng khởi chạy vi phạm chính sách của Microsoft Store và không được hỗ trợ”, thông báo cho biết. Nhiều người dùng khác sử dụng phần mềm giả lập trên Xbox Series X và S cũng báo cáo gặp phải vấn đề tương tự.
Khi Microsoft lần đầu ra mắt Xbox Series X và S vào năm 2020, người dùng phát hiện ra rằng họ có thể cài đặt và chạy phần mềm giả lập trên máy chơi game này.
Điều này đã tạo điều kiện cho việc chơi nhiều tựa game kinh điển trên Xbox Series X và S, bao gồm các trò chơi từ thời các hệ máy kinh điển như PlayStation 2, GameCube, Wii và một số hệ máy khác. Tuy nhiên, giờ đây dường như chuỗi ngày hưởng thụ suốt gần ba năm của các game thủ đã chấm dứt.
Như được chỉ ra bởi @gamr12, người dùng vẫn có thể giả lập trò chơi trên Xbox Series X và S, nhưng chỉ khi họ đưa thiết bị vào Chế độ phát triển, chế độ phải trả tiền để sử dụng.
Microsoft dường như chỉ loại bỏ lựa chọn này khi máy chơi game được đưa vào Chế độ bán lẻ, chế độ mà tất cả người dùng có thể bật miễn phí với một chút hiểu biết kỹ thuật.
Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân của sự thay đổi, nhưng Alyanna, một người hâm mộ giả lập nổi tiếng cho biết cô là nhà phát triển Microsoft Azure, khẳng định cô đã liên hệ với một "người bạn ở đội QA Xbox" về vấn đề này vài tuần trước, người cho biết lý do cho lệnh cấm là Nintendo, theo The Verge.
Mặc dù nguồn và nội dung của thông điệp chưa được xác minh hoặc xác nhận, đoạn tin nhắn cho biết: "Lý do chính của lệnh cấm liên quan đến các vấn đề pháp lý với Nintendo. Việc giả lập không phải là hành vi bất hợp pháp, nhưng nó có thể được sử dụng để chơi các trò chơi từ các máy chơi game đang chịu sự bảo vệ của bản quyền mà không có sự cho phép, điều này có thể gây ra vấn đề với Nintendo và các đối tác liên kết của họ”.
Theo trang tin chuyên về game Kotaku, quy định của Microsoft về mặt kỹ thuật không cho phép giả lập, nhưng công ty thường lờ đi trong quá khứ.
"Chúng tôi không ngừng cải tiến cơ chế xem xét và thực thi hành động đối với nội dung được phân phối đến Cửa hàng để đảm bảo phù hợp với Chính sách Cửa hàng Microsoft của chúng tôi. Theo điều 10.13.10, các sản phẩm giả lập hệ thống trò chơi hoặc nền tảng trò chơi không được phép trên bất kỳ dòng thiết bị nào”, Microsoft cho biết.
Nếu thực sự Nintendo là nguyên nhân đằng sau quyết định của Microsoft, điều đó không đáng ngạc nhiên chút nào. Nintendo đã rất khắt khe với các trò chơi giả lập, trừ khi chính công ty có thể tạo ra và kiếm lợi từ chúng.
Đáng chú ý, vào năm 2019, Nintendo đã kiện trang web RomUniverse với số tiền 1,2 triệu USD vì vấn đề này. Nintendo cũng đã truy đuổi Gary Bowser, một hacker người Canada bán các bản hack cho Switch, người đã đồng ý trả 10 triệu USD tiền phạt và hiện đang chịu án tù 40 tháng.