Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc liệu có thể sánh với vũ khí Mỹ?

Hương Giang |

Triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc vừa được khai trương ở Chu Hải và được các nhà tổ chức đánh giá đã khoe ra “khoảng một nửa hệ thống vũ khí” của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong đó, món vũ khí thu hút mọi ánh nhìn là chiếc máy bay tàng hình J-20.
Những chiếc máy bay “tàng hình” ồn ào
Ngày khai mạc triển lãm, một cặp máy bay J-20 đã lượn qua bầu trời, trong màn trình diễn đầy tự hào của chính quyền Bắc Kinh nhằm khoe ra kho vũ khí đời mới. Một chiếc máy bay sau đó tăng tốc bay mất và chiếc còn lại thì lượn vòng chỉ trong khoảng 1 phút rồi cũng rời đi. Chúng phát ra tiếng ồn khủng khiếp, lớn tới mức khiến nhiều chiếc xe đỗ ở bãi đậu xe gần đó bật báo động.
Đây là lần thứ 2 Trung Quốc khoe máy bay tàng hình tại triển lãm Chu Hải, sau màn ra mắt của chiếc J-31 hồi năm 2014. Thế giới đã biết tới những chiếc J-20 kể từ khi chúng tiến hành bay thử hồi năm 2011, nhưng đây là lần đầu tiên vũ khí thế hệ thứ 5 này được Trung Quốc công khai giới thiệu với công chúng.
“Người Trung Quốc đã có sự thay đổi về chiến thuật, khi khoe ra các vũ khí chưa đưa vào trang bị”, Sam Roggeveen, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy có trụ sở ở Australia, cho biết. Ông đánh giá việc phô diễn máy bay tàng hình cho thấy Trung Quốc rất tự tin về khả năng của chiếc máy bay và tự hào về thành tựu mà nước này đã đạt được.
Một trong những lý do khiến J-20 được quan tâm là vì chương trình còn nằm trong vòng bí mật và các thông tin liên quan tới chiếc máy bay có thể hé lộ phần nào năng lực của quân đội Trung Quốc. Người ta chỉ biết chương trình J-XX được Trung Quốc khởi động từ cuối những năm 1990. Tập đoàn hàng không không gian Thành Đô sau đó đã giành được dự án và chịu trách nhiệm nghiên cứu, sản xuất J-20.
Tới ngày 22.12.2010, chiếc J-20 đầu tiên gây chú ý khi tiến hành chạy đà tốc độ cao bên ngoài Viện thiết kế máy bay Thành Đô. Ngày 11.1.2011, J-20 có chuyến bay đầu tiên kéo dài 15 phút, với một máy bay Thành Đô J-10S bay kèm ngay phía sau. Ngày 17.4.2011, chuyến bay thử thứ hai diễn ra, kéo dài 1 giờ 20 phút. Đến tháng 3 năm đó, thêm một chuyến bay thứ 3 nữa diễn ra để kiểm tra hệ thống bánh đáp.
Từ giai đoạn này trở đi, J-20 xuất hiện khá nhiều trong các cuộc thử nghiệm hoạt động. Tháng 3.2013, lần đầu tiên người ta được nhìn thấy ảnh chụp khoang vũ khí của chiếc máy bay, gồm cả giá gắn tên lửa bên trong.
Tháng 1.2014, một mẫu J-20 mới được trình làng, với cửa hút khí mới và đã được phủ vật liệu hấp thụ radar. Nó cũng được bổ sung thêm cánh ổn định dọc ở dưới thân, bên cạnh hệ thống ngắm bắn quang điện tử. Chiếc máy bay này, mang số hiệu 2011, đã có chuyến bay thử thành công và được cho là chiếc máy bay đầu tiên tham gia đội thử nghiệm phục vụ sản xuất hàng loạt. Tới cuối năm 2014, có thêm 3 chiếc J-20 khác được bổ sung vào nhóm này, mang số lần lượt là 2012, 2013 và 2015.
Tháng 9 năm ngoái, một chiếc J-20 mới mang số 2016 đi vào thử nghiệm. Nó có nhiều thay đổi ở khu vực hút khí, thân và động cơ đẩy, giúp khả năng phản xạ radar của máy bay tăng lên. Tháng 11.2015, chiếc máy bay số 2017 gia nhập nhóm thử nghiệm. Nó có rất ít thay đổi ngoại trừ phần nắp khoang lái giúp tăng tầm nhìn cho phi công. Điều này khiến giới chuyên gia phỏng đoán J-20 đã gần hoàn thiện và sắp được sản xuất hàng loạt.
Một số thông số về J-20 mà giới chuyên gia nắm được cho tới nay là chiếc máy bay này có chiều dài 21,6 mét, chiều cao 4,45 mét, sải cánh 12,88 mét, cánh tà có tổng chiều dài 7,62m, trọng lượng rỗng khoảng 17 tấn và trọng lượng toàn tải khoảng 25 tấn. Máy bay sử dụng động cơ phản lực turbine khí WS-15, tốc độ bay tối đa Mach 2,5 (3062 km/h,) tốc độ bay hành trình siêu âm Mach 1,83 (2442 km/h.) Trần bay được cho là lên tới 20.000 mét, bán kính hoạt động hơn 3.000km. Giá mỗi chiếc J-20 cũng được ước tính khoảng 110 triệu USD.
Vẫn đáng sợ dù chưa ưu việt như “hàng Mỹ”
Trong triển lãm Chu Hải, một phát ngôn viên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tuyên bố J-20 là chiến đấu cơ tầm xa, có khả năng tránh sự phát hiện của radar và sẽ tăng đáng kể khả năng chiến đấu của không quân Trung Quốc. Nếu mọi chuyện đi đúng kế hoạch, J-20 sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018!
Mục tiêu chiếu lược mà Trung Quốc nhắm tới khi chế tạo J-20 chưa được làm rõ, nhưng tờ Aviation Weekly đánh giá Bắc Kinh có thể sử dụng khả năng tàng hình và bay siêu âm của nó để “xâm nhập sâu vào lưới phòng thủ của đối phương rồi tiêu diệt các mục tiêu giá trị của đối phương ở trên không, như máy bay tiếp dầu”. Một khả năng khác là do có thân hình lớn nên có khả năng bay lâu, những chiếc máy bay này sẽ có sức mạnh chiến đấu lớn hơn do nó không yêu cầu phải tiếp nhiên liệu liên tục.
Tuy nhiên một số quan chức Mỹ đã chẳng tỏ ra ấn tượng với J-20. Trong một bài báo xuất bản trên trang Breaking Defence hồi đầu năm nay, Tướng Mỹ David Goldfein tuyên bố: “Khi nghe nói về cuộc đấu giữa F-35 với J-20, tôi thấy đó là một sự so sánh không tương xứng. F-35 có liên quan tới cả một họ gia đình các hệ thống, về một mạng lưới kết nối - đó chính là thứ đã mang tới cho chúng ta lợi thế so với đối phương”.
Goldfein tin rằng J-20 có vai trò giống chiếc F-117 Nighthawk hơn. Đây là một mẫu máy bay tàng hình được Mỹ đưa vào hoạt động hồi năm 1983 và đã nghỉ hưu vào năm 2008. Dù vậy, các chuyên gia vẫn lo ngại thiết kế tàng hình của J-20 và tầm hoạt động xa của nó sẽ có khả năng đe dọa nhất định. Cách đây vài năm, chính Lầu Năm Góc đã gọi J-20 là “một nền tảng có khả năng tấn công tầm xa, xuyên sâu vào các môi trường được phòng không phức tạp”.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là J-20 tạo ra mối đe dọa lớn tới đâu với khả năng áp đảo của không quân Mỹ và nó tác động gì tới khả năng của quân đội Trung Quốc. Theo hãng tin CNN, khi so sánh trực tiếp giữa J-20 và các máy bay F-22, F-35, chiếc J-20 có thiết kế tàng hình kém hơn hẳn.
Phần cánh tà nằm ở phía trước máy bay, các động cơ không được che chắn tốt và cánh ổn định dọc nằm dưới thân sẽ làm giảm khả năng tàng hình của J-20 trước radar.
So với Mỹ, Trung Quốc cũng có ít kiến thức trong lĩnh vực chế tạo vật liệu sơn máy bay với khả năng hấp thụ radar. Quan trọng hơn, J-20 sẽ khó có khả năng được trang bị hệ thống cảm biến vô cùng hiện đại như trên các máy bay F-22 và F-35.
Điều này rất quan trọng, do F-22 và F-35 trở nên hết sức nguy hiểm không chỉ bởi khả năng tàng hình của chúng mà còn bởi khả năng nhận biết tình hình chiến trường gần như vô địch, do các cảm biến cao cấp mang tới.
Tuy nhiên bất chấp việc J-20 có những thua kém như trên, nó vẫn sở hữu vài lợi thế nhất định.
Trước tiên, do kích thước lớn nên J-20 sẽ có thể mang nhiều nhiên liệu trong thân hơn. Như vậy, nó sẽ có tầm hoạt động lớn hơn, ít phụ thuộc vào các máy bay tiếp dầu vốn dễ bị tấn công trong tình huống xảy ra xung đột.
J-20 cũng có các khoang vũ khí trong thân lớn hơn F-22 hay F-35 nên mang được các loại tên lửa lớn hơn, có tầm xa hơn, hoặc đơn giản là chứa nhiều vũ khí đối không, đối đất hơn so với các máy bay Mỹ.
Cuối cùng, J-20 gần như chắc chắn sẽ được chế tạo với số lượng lớn hơn F-22 và thậm chí là F-35 nếu hoạt động chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện nay, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đều phải cắt giảm ngân sách cuối cùng.
Về cơ bản, J-20 sẽ mang tới cho Trung Quốc một khả năng tấn công tầm xa, khó phát hiện. Chiếc máy bay này có thể thâm nhập sâu vào phía sau lưới phòng không đối phương, phá hoại các căn cứ không quân, tàu sân bay, tiêu diệt hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không, các máy bay tiếp dầu... mà Mỹ và đồng minh dựa vào để thể hiện sức mạnh trên khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Và dù không ở mức tàng hình như F-35 hay F-22, J-20 vẫn có khả năng trở thành một vũ khí tấn công chết chóc, khó phát hiện, khiến đối phương khó bắt bám và tiêu diệt trong bất kỳ tình huống xảy ra xung đột nào.

Một khi đi vào sản xuất hàng loạt và trang bị, J-20 sẽ mang tới một mối đe dọa lớn hơn, khác biệt hoàn toàn so với họ gia đình Su-30/35 Flanker do Nga sản xuất, hiện đóng vai trò xương sống trong không quân Trung Quốc.

Liệu có sánh được với máy bay F-22 của Mỹ?  
Với Mỹ, J-20 chắc chắn sẽ là thứ vũ khí khó chịu mà họ phải xử lý trong tình huống xảy ra xung đột liên quan tới hòn đảo Đài Loan hoặc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Với các quân đội có ít khả năng hơn Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản và hòn đảo Đài Loan, J-20 cho thấy một khả năng thay đổi cuộc chơi, một mối đe dọa nghiêm trọng đã lấp ló ở đường chân trời và họ không thể lờ nó đi.
Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.