Tháng 3.2024, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đã phát hiện, xử lý vụ việc một đối tượng sử dụng thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động, giả mạo trạm của các nhà mạng di động (trạm BTS giả) để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Đối tượng này L.T.T (sinh năm 1997, quê ở Bình Dương và thường trú tại TPHCM) sử dụng phương tiện là xe máy để vận chuyển trạm BTS giả đi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trên địa bàn.
Khai về quá trình tổ chức thực hiện hành vi sai phạm, đối tượng L.T.T thú nhận sau khi tiếp nhận trạm BTS giả do người khác gửi từ nước ngoài về, đối tượng này đã trực tiếp vận hành thiết bị để giả mạo các nhà mạng di động phát tán tin nhắn sms trên địa bàn TPHCM nhằm lừa đảo người dân.
L.T.T sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm che giấu hành vi sai phạm như: Sử dụng thiết bị kích thước nhỏ giấu kín trong balô, dùng phương tiện xe máy để thuận tiện di chuyển qua các tuyến đường có đông dân cư vào các khung giờ cao điểm.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Cục Tần số vô tuyến điện cũng phát hiện đối tượng sử dụng xe máy chở thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo tại địa bàn TPHCM.
Đối tượng này giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn, tuyến đường đông đúc nhằm phát tán tin nhắn lừa đảo.
Việc triển khai các biện pháp, phối hợp với các lực lượng chức năng để giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật luôn là một nhiệm vụ được Cục Tần số vô tuyến điện và các đơn vị trực thuộc quan tâm, chú trọng.
Năm 2023, số vụ việc sử dụng trạm BTS giả mà Cục phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Bộ Công an phát hiện, xử lý là 19 vụ.