Lao đao sau luật cấm TikTok của Mỹ

Anh Vũ |

Sau nhiều năm cố gắng, Mỹ cuối cùng đã đưa ra tối hậu thư cho ByteDance: Hãy bán TikTok nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm tại Mỹ.

Dự luật mới này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với sự ủng hộ áp đảo vào cuối tháng 4 vừa qua, như một phần của gói viện trợ nước ngoài rộng hơn và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngay sau đó. Đây là biện pháp cực đoan nhất mà Mỹ đã thực hiện cho đến nay, trong nỗ lực tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặc dù tác động trước mắt chỉ tập trung vào một công ty, nhưng những tác động thứ cấp có thể sẽ lan rộng hơn nhiều, khi có rất nhiều công ty của quốc gia tỉ dân đang nhắm tới thị trường Mỹ đầy béo bở và tiềm năng.

Bảo vệ thuật toán, ByteDance không muốn bán TikTok

Hiện tại, TikTok vẫn muốn thách thức luật. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của bạn tại tòa án. Sự thật và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi”, CEO Shou Zi Chew nói trên TikTok sau khi dự luật được ký. Tuy nhiên, nếu thất bại, họ sẽ phải chọn bán TikTok hoặc từ bỏ thị trường Mỹ.

Reuters dẫn lời 4 nguồn tin cho biết, ByteDance sẽ không thoái vốn TikTok cho bất kỳ công ty nào khác và sẵn sàng đóng cửa ứng dụng trong trường hợp xấu nhất. Họ nhấn mạnh, hãng công nghệ Trung Quốc chấp nhận làm điều này vì không muốn từ bỏ thuật toán cốt lõi - "công thức bí mật" tạo nên thành công của TikTok mà không mạng xã hội nào có được.

Thuật toán đề xuất của TikTok được phát triển dựa trên ứng dụng Douyin ra mắt tại Trung Quốc năm 2016. ByteDance nhiều lần nói TikTok và Douyin là ứng dụng độc lập, thế nhưng một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết thuật toán của cả hai có nhiều nét tương đồng. AI của Douyin được đẩy mạnh nhờ nguồn lao động giá rẻ tại Trung Quốc, cho phép công ty tuyển lượng lớn nhân lực để dán nhãn nội dung và người dùng trên nền tảng.

Bắc Kinh trước đây cho biết, họ phản đối mạnh mẽ việc ép bán TikTok và đã sửa đổi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu để trao quyền ngăn chặn việc bán TikTok vì lý do an ninh quốc gia. Điều đó khiến ByteDance có rất ít lựa chọn để đảm bảo tương lai của TikTok tại Mỹ, thị trường lớn nhất của ứng dụng này với 170 triệu người dùng.

Nếu Chính phủ Trung Quốc không cho phép ByteDance từ bỏ thuật toán của TikTok, họ có thể chặn hoàn toàn việc mua bán. Ngoài ra, nó có thể cho phép bán TikTok mà không cần đến thuật toán sinh lợi làm cơ sở cho sự phổ biến của nó. Lệnh cấm của Mỹ hoặc một phiên bản TikTok kém hiệu quả hơn khi không có thuật toán gốc sẽ là một điều may mắn cho YouTube, Google, Instagram và các đối thủ cạnh tranh khác của TikTok và sẽ giáng một đòn mạnh vào tham vọng toàn cầu của ByteDance.

Tác động của lệnh cấm

Trước Mỹ, đã có nhiều quốc gia cấm nền tảng video của Trung Quốc hoạt động tại quốc gia mình, có thể kể tới Ấn Độ, Afghanistan, Uzbekistan, Nepal. Nhiều báo cáo đã ghi lại tác động của lệnh cấm đối với những người sáng tạo nội dung phụ thuộc vào nền tảng video ngắn để tiếp cận người hâm mộ và kiếm tiền. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng sử dụng TikTok để quảng bá thương hiệu của mình theo các cách khác nhau.

Việc cấm TikTok đã để lại một khoảng trống và các mạng xã hội khác đã tìm cách nhảy vào để lấp chỗ trống "ngon ăn" này. Ngay khi Ấn Độ cấm TikTok, Instagram đã vội vã phát hành Reels ở nước này để thay thế. YouTube cũng làm theo bằng cách giới thiệu Shorts ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, lệnh cấm của TikTok cũng tạo ra nhiều ứng dụng video ngắn tại địa phương. Twitter và mạng xã hội địa phương ShareChat do Google hậu thuẫn đã phát hành Moj; Verse Innovation (công ty mẹ của Công ty Tổng hợp tin tức DailyHunt) đã ra mắt Josh để thay thế vị trí còn trống mà TikTok để lại sau khi bị cấm.

Sau khi Ấn Độ cấm TikTok, ByteDance đã phải thu hẹp quy mô hoạt động của mình. Đầu năm nay, dịch vụ phát nhạc trực tuyến của công ty, Resso, cũng đã ngừng hoạt động ở Ấn Độ sau khi Chính phủ yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng này. Bên cạnh tác động đối với người sáng tạo, các nhà hoạt động vì quyền kỹ thuật số cũng đưa ra lập luận rằng việc cấm các nền tảng như TikTok sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Ảnh hưởng các công ty Trung Quốc khác

Theo Rest of World, chừng nào các nhà lập pháp Mỹ còn tin rằng, quyền sở hữu của Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh thì vị thế của ByteDance ở Mỹ sẽ không bao giờ được đảm bảo hoàn toàn. Ngay cả khi ByteDance không bị buộc phải bán TikTok, cuộc chiến pháp lý bất tận có thể khiến việc mua bán trở nên hấp dẫn hơn. Paul Triolo - Trưởng nhóm chính sách tại Tập đoàn Albright Stonebridge cho biết, nhìn chung, các công ty và ứng dụng Trung Quốc hoạt động tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng.

Trên thực tế, không rõ công ty Trung Quốc nào có thể cảm thấy an toàn về triển vọng phát triển tương lai của họ ở Mỹ. Một số đã cố gắng tìm cách thoát khỏi rắc rối mà TikTok đã mắc phải: Tuần trước, nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc - DJI đã ra mắt một “trung tâm tin cậy” mới nhằm cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách máy bay không người lái của công ty xử lý dữ liệu. Đây cũng là một hành động nhằm ngầm chứng minh tại sao Mỹ không nên cấm chúng vì mối đe dọa an ninh.

Giống như TikTok và Huawei trước đó, DJI đang cố gắng chứng minh rằng không có gì phải lo lắng khi sử dụng dịch vụ của họ. Nhưng thật khó tìm ra bất kỳ cách khả thi nào để làm điều đó, vì mối lo ngại đang hiện diện tại Mỹ không phải là về sự mạnh mẽ của biện pháp bảo mật cụ thể nào, mà là nỗi lo sợ cơ bản rằng, các công ty Trung Quốc sẽ từ bỏ cam kết bảo mật đó nếu được Chính phủ của họ yêu cầu.

Điều này không chỉ giáng một đòn mạnh nữa vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc mà còn làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong thế giới kỹ thuật số xoay quanh các siêu cường kinh tế. Theo đó, lệnh cấm đối với TikTok cũng có khả năng đẩy nhanh sự thay đổi đang chia cắt bối cảnh công nghệ thế giới thành hai khối, một khối tập trung vào Mỹ và khối còn lại tập trung vào công nghệ từ Trung Quốc.

TikTok là một mặt trận hoàn toàn mới trong cuộc chiến này vì đây là nền tảng mà người Mỹ sử dụng để tương tác với nhau. Vụ kiện chống lại TikTok diễn ra không chỉ vì nó thu thập quá nhiều dữ liệu mà còn ảnh hưởng đến quan điểm của người Mỹ. Lệnh cấm không chỉ là vấn đề cạnh tranh quân sự hay kinh tế mà còn là cạnh tranh về luồng ý tưởng và thông tin.

Anh Vũ
TIN LIÊN QUAN

ByteDance không muốn bán TikTok cho công ty Mỹ

Anh Vũ |

ByteDance, tập đoàn mẹ của TikTok, quyết định sẽ chấp nhận việc đóng cửa ứng dụng TikTok tại Mỹ thay vì lựa chọn bán lại cho một công ty Mỹ.

Mỹ có thể cấm TikTok sớm hơn dự định

Anh Vũ |

Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ sắp diễn ra, có thể mang lại kết quả quan trọng ảnh hưởng tới việc cấm TikTok ở Mỹ.

Mỹ kéo dài thời gian cho ByteDance thoái vốn TikTok

Anh Vũ |

Ngày 10.4, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã đề xuất một kế hoạch để kéo dài thời gian cho công ty mẹ của ứng dụng video ngắn TikTok, ByteDance, thoái vốn khỏi Mỹ.

Tình cảnh trái ngược trên 2 phố ẩm thực nổi tiếng nhất TPHCM

Thanh Thanh - Hạ Mây |

TPHCM - Trong khi phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Quận 10) luôn nhộn nhịp, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3) lại ảm đạm, vắng khách ghé đến.

Bệnh nhân phải băng qua đường lớn đi mua vật tư y tế cho ca mổ của mình

ĐÌNH TRỌNG |

Tại Bình Dương, việc thiếu vật tư y tế vẫn tiếp diễn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân phải vượt qua con đường lớn nguy hiểm để mua vật tư cho chính ca mổ của mình.

Thực hư việc huấn luyện viên cắt xén tiền ăn, chia tiền thưởng của vận động viên ở Bình Định

Hoài Phương |

Ngày 6.5, ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Bình Định - cho biết, đã gửi văn bản đến Công an tỉnh Bình Định về việc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh liên quan đến Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh này.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60.01S

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Ngày 6.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Minh Lợi (41 tuổi) - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60.01S - để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phê chuẩn.

Không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ vaccine COVID-19 AstraZeneca

Hà Lê |

Hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca COVID-19 được vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng. Do đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.

ByteDance không muốn bán TikTok cho công ty Mỹ

Anh Vũ |

ByteDance, tập đoàn mẹ của TikTok, quyết định sẽ chấp nhận việc đóng cửa ứng dụng TikTok tại Mỹ thay vì lựa chọn bán lại cho một công ty Mỹ.

Mỹ có thể cấm TikTok sớm hơn dự định

Anh Vũ |

Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ sắp diễn ra, có thể mang lại kết quả quan trọng ảnh hưởng tới việc cấm TikTok ở Mỹ.

Mỹ kéo dài thời gian cho ByteDance thoái vốn TikTok

Anh Vũ |

Ngày 10.4, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã đề xuất một kế hoạch để kéo dài thời gian cho công ty mẹ của ứng dụng video ngắn TikTok, ByteDance, thoái vốn khỏi Mỹ.