Apple vừa thông báo rằng, họ đã đạt được một thỏa thuận mới với công ty thiết kế chip Arm, kéo dài đến năm 2040.
Mặc dù tuyên bố chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về thỏa thuận này, nhưng nó đã gây sự chú ý lớn trong ngành công nghiệp công nghệ, đặc biệt là khi nhiều sản phẩm phổ biến của Apple như iPhone, Mac, iPad, và Apple Watch dựa vào công nghệ thiết kế chip của Arm.
Trong thông cáo, Arm cho biết: "Chúng tôi đã ký một thỏa thuận dài hạn mới với Apple kéo dài đến năm 2040, tiếp tục mối quan hệ hợp tác lâu dài của chúng tôi với Apple và quyền truy cập của Apple vào kiến trúc Arm”.
Điều này cho thấy Apple cam kết tiếp tục sử dụng công nghệ của Arm như nền tảng cho các sản phẩm của họ trong tương lai dài hạn.
Chip Arm là gì?
ARM ( Advance RISC Machine) là một loại kiến trúc vi xử lý được tạo ra và độc quyền bởi công ty Arms Holdings có trụ sở chính ở Anh. Arms Holding vừa phát triển vừa cấp phép bản quyền kiến trúc chip của họ cho những công ty khác như Qualcomm, Samsung hay Apple.
Những công ty thứ 3 này có thể cải thiện hoặc thay đổi thiết kế của chip dựa theo kiến trúc vi xử lý của Arm và cũng có thể độc quyền hóa những thay đổi này, đó cũng là lý do vì sao, mặc dù sử dụng chung một kiến trúc, mỗi hãng lại sản xuất ra chip có hiệu năng khác nhau đến vậy.
Sự khác biệt lớn nhất giữa chip ARM với chip x86 (của Intel) trên máy tính thông thường chính là ARM sử dụng tập lệnh (instruction set) đơn giản hơn rất nhiều. Tập lệnh càng đơn giản thì chip càng xử lý được nhiều câu lệnh trong khoảng thời gian ngắn hơn.

ARM sẽ xử lý từng câu lệnh một và sẽ hoạt động trên nguyên tắc tối giản, tối ưu hóa cách xử lý thông tin. Thêm vào đó, nó cũng có cấu trúc phần cứng đơn giản hơn nên chi phí sản xuất của ARM sẽ rẻ hơn.
Còn x86 sử dụng nhiều tập lệnh phức tạp hơn và có thể xử lý nhiều câu lệnh cùng một lúc nhưng điều này sẽ dẫn đến việc chip x86 chạy rất tốn điện và không được tối ưu hóa.
Arm đang được săn đón
Không chỉ riêng Apple thể hiện sự quan tâm đối với Arm. Trong tài liệu của mình, Arm tiết lộ rằng, một số tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp công nghệ như AMD, Google, Intel, Nvidia, Samsung và TSMC đều đã "bày tỏ sự quan tâm" trong việc mua "tổng cộng" 735 triệu USD cổ phiếu của Arm.
Trước đây, Nvidia cũng đã muốn mua lại Arm từ công ty mẹ Softbank. Thỏa thuận đó đã được công bố vào năm 2020 nhưng bị hủy bỏ vào năm 2022 do “những thách thức pháp lý quan trọng”, vì nó phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh, EU và Mỹ.
Điều này đặt Arm vào trung tâm sự quan tâm của các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. Với thỏa thuận mới kéo dài đến năm 2040, Apple đang bảo đảm rằng, họ sẽ tiếp tục có quyền sử dụng công nghệ Arm cho các sản phẩm của mình trong tương lai dài hạn, duy trì sự đổi mới và hiệu suất cao trong thiết kế chip của họ.