Chiều 24.4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi làm chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, bộ có đánh giá về lợi thế của Việt Nam.
Thứ nhất là lợi thế địa chính trị liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu như lấy Việt Nam làm tâm quay vòng tròn thì sẽ gồm 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Nghĩa là Việt Nam là trung tâm toàn cầu.
Thứ hai, nước ta có lợi thế là người Việt Nam có gene về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng X+1, tức là toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn chứ không chỉ là sản xuất. Kể cả nghiên cứu phát triển thì cũng đặt vấn đề X+1 tức là nhân lực và nghiên cứu bán dẫn.
Hiện Mỹ cũng có nhu cầu thêm nguồn sản xuất nhân lực thiết kế chip từ các quốc gia khác, Việt Nam là một trong số ít nước này. Thế giới đang thiếu nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn; sự thiếu hụt này trên toàn cầu nhưng là ngắn hạn, không phải dài hạn.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, sau Trung Quốc, bằng nửa Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu. Chúng ta có lắp ráp, có thiết kế, casting với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bất kỳ quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử và gần đây còn có khái niệm về ngành công nghiệp chuyển đổi số. Nếu chúng ta chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc vào đầu ra, phụ thuộc vào người mua, chính là các doanh nghiệp thiết bị điện tử.
Còn ông Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, hiện tại đơn vị đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành gần, khoảng 150 sinh viên các ngành đúng liên quan đến thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Theo dự kiến, đến năm 2030, trường có thể đào tạo được từ 1.000-1.200 kỹ sư các ngành đúng và chuyển đổi khoảng 6.500 các ngành gần. Như vậy, kỳ vọng các trường đại học sẽ đào tạo đáp ứng nhu cầu như trong Đề án đề ra.
Theo ông Huỳnh Quyết Thắng, hai nội dung khác cũng rất quan trọng. Thứ nhất là việc thu hút sinh viên giỏi phải có sân chơi và đầu ra cho các em, tức là các em phải có sản phẩm của chính mình để đưa vào thực tế.
Thu hút sinh viên giỏi là đầu vào thì còn đầu ra đi đâu? Vì vậy, chúng ta cần phải có những thiết kế, sản phẩm của các em sinh viên trong các trung đổi mới sáng tạo để những sản phẩm mới có thể phát triển thành những hệ thống thông minh, những hạ tầng thông minh, từ đó có thể hình thành các doanh nghiệp.
Phát triển công nghiệp bán dẫn là chủ chốt, mũi nhọn, nhưng kèm theo đó là cả một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ đi cùng, các ngành này sẽ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp này sẽ xuất phát từ đổi mới sáng tạo của các em sinh viên. Đại học Bách khoa đang tiếp cận theo hướng này.
Theo ông Thắng, phải tạo sân chơi cho các em để tạo ra các sản phẩm, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các doanh nghiệp. Đây cũng là định hướng chúng ta cần phải suy nghĩ.
Thứ hai, đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn. Vì vậy tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí; dùng chung; chúng ta không thể coi trọng việc hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn, vì nếu chúng ta quay trở lại bài toán chỉ đào tạo nhân lực mà không nghiên cứu thì sẽ không có sân chơi cho sinh viên và chúng ta mãi mãi là đi theo.
"Đầu ra của chúng tôi là sinh viên, cũng chính là đầu vào của thị trường. Có thị trường là con người thì sẽ có thị trường là các sản phẩm kèm theo", ông Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.