Sáng 22.9, tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TPHCM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”.
Ông Trần Việt Hùng, cố vấn của VBA chia sẻ, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), nền tảng của tiền mã hoá đã mở ra một kỉ nguyên mới về công nghệ. Blockchain được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, bảo hiểm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngành thể thao giải trí và nhiều ngành dịch vụ khác. Với tính bảo mật và đảm bảo quyền riêng tư cao, nó đã có tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển của Blockchain cũng đi kèm những tồn tại và thách thức, đặc biệt đối với hoạt động rửa tiền xuyên biên giới. Thống kê gần đây ước tính tài sản mã hóa sẽ lên đến 16 nghìn tỉ USD vào năm 2030, tương đương 10% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, thống kê của Chainalysis cho thấy từ tháng 10.2021 đến 10.2022, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về là hơn 100 tỉ USD, con số chỉ kém Ấn Độ và Thái Lan ở khu vực châu Á. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, việc rửa tiền, trong đó có tiền mã hoá - hành vi tội phạm, là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có, đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
Rửa tiền thường liên quan đến các hoạt động xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện (buôn người, tham ô, đánh bạc hay các đường dây mại dâm…).
Mỗi năm, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu có thể ngang bằng ở mức 2-5% GDP toàn thế giới (tương đương 2.000-5.000 tỉ USD) hoặc nhiều hơn, theo ước tính của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc.
Theo chia sẻ từ ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA, tiền mã hoá hấp dẫn với tội phạm mạng nhờ việc ẩn danh, không cần bên thứ 3 xác thực, dễ cất giữ và dễ chuyển dịch, tốc độ thanh toán nhanh và không bị giới hạn biên giới hay lãnh thổ…
Ông cũng chỉ ra Việt Nam đặt một số máy ATM Bitcoin - là một cổng nạp tiền fiat (tiền pháp định) để đổi lấy tiền mã hoá. Đây là hoạt động nhanh chóng, ẩn danh và nhiều khả năng gắn liền với các hoạt động phi pháp. Với hơn 30.000 máy ATM tiền mã hoá trên toàn cầu, 40 triệu USD đã được gửi đến các địa chỉ lừa đảo trong năm 2022.
Với tính cấp thiết của vấn đề này, các đại biểu tham dự tại hội nghị sáng 22.9 và 31 điểm cầu khác tại khu vực phía Nam, đã cùng nhau thảo luận để triển khai các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Các đại biểu đồng thời đưa ra 3 khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số.
Một là, nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ luật Dân sự Việt Nam đã công nhận. Hai là, các định chế tài chính cần xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân. Ba là, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.
Thông qua hội nghị, VBA cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel (chuẩn mực quản lý rủi ro) cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FATF (Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính) cũng như các tổ chức quốc tế. Đồng thời sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.